Hỗ trợ doanh nghiệp

Đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn

DNVN - Phó Chủ tịch VCCI Việt Nam Võ Tân Thành nhấn mạnh, là tổ chức quốc gia đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân, người sử dụng Íao động và các hiệp hội doanh nghiệp ở Việt Nam, VCCI sẽ tiếp tục đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay.

Biệt thự nghỉ dưỡng: Xu hướng chia sẻ doanh thu dần thay thế chia sẻ lợi nhuận / Đà Nẵng: Mùa cạn 2023 rất khó khăn về nguồn nước

Doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường gia tăng

Tại buổi gặp mặthiệp hội doanh nghiệp và hội viên VCCI miền Trung - Tây Nguyên năm 2023do VCCI Đà Nẵng tổ chức chiều 21/3, Phó Chủ tịch VCCI Việt Nam Võ Tân Thành cho hay, những tháng đầu năm 2023, kinh tế - xã hội đất nước có nhiều dấu hiệu tích cực như khách quốc tế đến tăng 36,6 lần so với cùng kỳ 2022; xuất siêu đạt 2,82 tỷ USD… Tuy nhiên xuất nhập khẩu giảm, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân tăng 4,6%; chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) giảm 6,3%; số doanh nghiệp (DN) thành lập mới thấp hơn số DN ngưng hoạt động…

Phó Chủ tịch VCCI Việt Nam Võ Tân Thành phát biểu tại buổi gặp mặt chiều 21/3

Phó Chủ tịch VCCI Việt Nam Võ Tân Thành phát biểu tại buổi gặp mặt chiều 21/3.

“Nước ta vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn trong bối cảnh kinh tế thế giới được hầu hết các tổ chức quốc tế dự báo tăng trưởng chậm lại do cạnh tranh địa chính trị giữa các nước lớn vẫn còn tiếp diễn; thị trường tài chính, tiền tệ, an ninh năng lượng ... tiềm ẩn nhiều rủi ro. Nền kinh tế Việt Nam vẫn sẽ chịu nhiều ảnh hưởng khi Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ hạ còn 6,3%”, ông Võ Tân Thành nói.

Thông tin tại buổi gặp mặt, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Đà Nẵng Ngô Xuân Thắng dẫn số liệu của Cục Thống kê TP cho biết, bước vào năm 2023, số lượng DN trên địa bàn rút lui khỏi thị trường có xu hướng gia tăng. Cụ thể trong 2 tháng đầu năm có 106 DN giải thể, rút lui khỏi thị trường, tăng 20,5% so với cùng kỳ; 2.116 DN, chi nhánh, văn phòng đại diện tạm ngừng hoạt động, tăng 19% so với cùng kỳ.

“Sức chống chịu bị giảm sút sau thời gian dài gồng mình chống dịch bệnh. Những khó khăn, thách thức phải đối mặt ngày càng gia tăng như: sức ép lạm phát, lãi suất tăng nhanh tạo áp lực lớn về huy động vốn và chi phí sản xuất, thị trường bị thu hẹp do sức cầu giảm... buộc nhiều DN phải tạm ngừng hoạt động hoặc giải thể”, ông Ngô Xuân Thắng nói.

Tương tự, bà Đồng Thị Ánh – Tổng Giám đốc Tổng Công ty CP PISICO Bình Định, Chủ tịch Hội Nữ doanh nhân tỉnh Bình Định cho hay, do nhu cầu trong nước và trên thế giới giảm sút nên hiện các DN gỗ trên địa bàn tỉnh này đang rất khó khăn về đơn hàng. Bên cạnh đó, việc tiếp cận các nguồn vốn vay cũng rất vất vả.

VCCI tiếp tục kiến nghị tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp

Trước tình hình trên, ông Võ Tân Thành cho biết, VCCI sẽ tiếp tục đồng hành cùng DN vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay, hỗ trợ DN phát triển sản xuất, đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, tìm kiếm nguồn cung và thị trường tiêu thụ; nâng cao chất lượng phục vụ DN hội viên thông qua các hoạt động cụ thể, thiết thực. Đồng thời tiếp tục kiến nghị tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính, rà soát bãi bỏ các quy định không hợp lý nhằm cắt giảm chỉ phí đầu vào cho DN, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng.

Theo đó, VCCI đã triển khai nhiều sáng kiến hỗ trợ DN tái thiết hoạt động sản xuất kinh doanh, nắm bắt cơ hội phục hồi và phát triển sau đại dịch. Nổi bật là Đề án “Kết nối kinh tế hành lang cao tốc phía Đông”; Đề án “Tăng cường hợp tác xây dựng môi trường truyền thông báo chí hỗ trợ DN phát triển”. Đồng thời tiếp tục tăng cường thúc đẩy liên kết vùng và hợp tác với chính quyền địa phương trong hoạt động hỗ trợ DN; đặc biệt là đẩy mạnh các hoạt động đối ngoại, tổ chức các diễn đàn, giao lưu thương mại, các đoàn khảo sát thị trường…

Một thông tin tích cực cũng được Phó Chủ tịch VCCI Việt Nam Võ Tân Thành nêu lên với các DN tham dự buổi gặp mặt là sự phục hồi kinh tế của các thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc sẽ thúc đẩy nhu cầu nhập khẩu tại các nước này gia tăng.

Báo cáo "Kinh tế Việt Nam năm 2022 triển vọng năm 2023" của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương công bố mới đây đã đưa ra 2 kịch bản tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2023. Kịch bản thứ nhất, GDP đạt 6,47%; lạm phát bình quân 4,08%; tăng trưởng xuất khẩu 7,21% và cán cân thương mại 5,64 tỷ USD. Kịch bản thứ hai tích cực hơn khi tăng trưởng GDP đạt 6,83%; lạm phát 3,69%; tăng trưởng xuất khẩu 8,43% và cán cân thương mại 8,15 tỷ USD.

“Với vai trò là tổ chức quốc gia đại diện cho cộng đồng DN, doanh nhân, người sử dụng lao động và các hiệp hội DN ở Việt Nam, VCCI luôn đồng hành, lắng nghe, tập hợp ý kiến, từ đó thực hiện nhiều khuyến nghị, góp ý chính sách về các vấn đề hội nhập, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, thúc đẩy quá trình chuyển đổi số, tăng trưởng xanh, phát triển bền vững và tiên phong trong việc xây dựng văn hóa kinh doanh cho DN”, ông Võ Tân Thành nói.

Hải Châu
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm