Dự thảo Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa: Cần tránh tạo rào cản, giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp Việt
Bổ sung vi mạch bán dẫn, AI vào lĩnh vực cho vay của Quỹ Đầu tư phát triển Đà Nẵng / Tăng cường hợp tác phát triển ngành nuôi trồng thủy sản vùng Đồng bằng sông Cửu Long
Bộ Khoa học và Công nghệ đang lấy ý kiến góp ý cho Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa (Dự thảo). Dự thảo bổ sung quy định bắt buộc mã số, mã vạch, nhãn điện tử và mã truy xuất nguồn gốc cho hàng hóa xuất khẩu và hàng lưu thông trong nước.
Tuy nhiên, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) kiến nghị không áp dụng quy định này cho hàng hóa xuất khẩu, giữ nguyên quy định hiện hành. Đối với hàng hóa sản xuất, nhập khẩu để lưu thông trong nước, pháp luật hiện tại đã đủ chặt chẽ với quy định về nhãn sản phẩm và mã số, mã vạch.
VASEP cho rằng hàng hóa xuất khẩu không phục vụ tiêu dùng trong nước nên việc áp dụng quy định chi tiết về mã số, mã vạch, nhãn hàng hóa là không cần thiết.
VASEP kiến nghị không áp dụng quy định bắt buộc mã số, mã vạch, mã truy xuất nguồn gốc với hàng xuất khẩu; giữ nguyên quy định hiện hành về trách nhiệm của doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu trong nước.
"Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa hướng tới bảo vệ người tiêu dùng trong nước, không phải để điều chỉnh hàng xuất khẩu. Việc áp dụng đồng thời các quy định của Việt Nam và nước nhập khẩu sẽ tạo ra rào cản, tăng chi phí, giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam," VASEP nhấn mạnh.
Ngoài ra, các thông lệ quốc tế thường chỉ khuyến khích, không bắt buộc áp dụng mã số, mã vạch hay mã điện tử. Quy định trong dự thảo có thể làm tăng chi phí không cần thiết, ảnh hưởng đến giá bán và sức mua trên thị trường.
Dự thảo còn bổ sung quy định áp dụng toàn bộ trách nhiệm của doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu hàng hóa trong nước cho các doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu. Lý do được đưa ra là nhằm ngăn chặn gian lận, giả mạo xuất xứ và nâng cao sức cạnh tranh.
Tuy nhiên, theo VASEP, áp dụng các quy định kiểm soát chất lượng nội địa cho hàng xuất khẩu là không hợp lý.
"Các quy định này không chỉ gây đình trệ hoạt động kinh doanh mà còn làm giảm sức cạnh tranh và kim ngạch xuất khẩu. Doanh nghiệp không thể đáp ứng đồng thời yêu cầu từ cả Việt Nam và nước nhập khẩu, đặc biệt khi có mâu thuẫn quy định," VASEP phân tích.
VASEP đề xuất giữ nguyên các quy định hiện hành, không áp dụng trách nhiệm của doanh nghiệp sản xuất trong nước cho hàng xuất khẩu. Đồng thời, Ban soạn thảo cần tiến hành báo cáo phân tích tác động tổng thể để tránh tạo thêm gánh nặng chi phí, thời gian cho doanh nghiệp, bảo đảm tính khả thi và phù hợp với thực tiễn.
End of content
Không có tin nào tiếp theo