Khó khăn bủa vây, doanh nghiệp khẩn thiết kiến nghị giảm lãi suất cho vay
DNVN - Trong bối cảnh "sức khỏe" doanh nghiệp (DN) bị bào mòn do đối mặt với những khó khăn chưa từng có, giải pháp cấp thiết hiện nay là giảm lãi suất ngân hàng. Nếu duy trì lãi suất ở mức cao như hiện nay, DN không thể trụ được...
Khuyến khích doanh nghiệp công nghệ của Áo đầu tư vào Việt Nam / Hỗ trợ doanh nghiệp, người dân hơn 500.000 tỷ đồng trong 3 năm
"Sức khỏe" doanh nghiệp bị bào mòn
Tại diễn đàn kinh tế Thủ đô (CEF) 2023 do Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội (HANOISME) tổ chức chiều 21/4 tại Hà Nội, ông Mạc Quốc Anh - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký HANOISME cho biết, thông tin phản ánh tình hình sản xuất kinh doanh của các hội viên cho thấy, DN còn gặp nhiều khó khăn, nhất là thị trường tiêu thụ hàng hóa trong nước và xuất khẩu đều giảm sút. DN khó tiếp cận tín dụng, lãi suất ngân hàng ở mức cao, thủ tục vay vốn còn phức tạp.
Do đó, cần thiết phải tìm ra những giải pháp cấp bách để hỗ trợ DN đẩy mạnh sản xuất kinh doanh và tiêu thụ sản phẩm nhằm, qua đó góp phần phát triển kinh tế thủ đô.
Ông Mạc Quốc Anh - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký HANOISME cho biết, các DN đối diện nhiều khó khăn.
Đề cập đến những khó khăn của ngành da giày, ông Phạm Hồng Việt - Chủ tịch Hội Da giày Hà Nội cho biết, chưa bao giờ DN ngành da giày khó khăn như hiện nay.
Ngay từ tháng 7/2022, các DN đã bắt đầu chứng kiến tình trạng sụt giảm đơn hàng xuất khẩu (XK). Quý IV/2022 tình trạng giảm đơn hàng trở nên rõ ràng hơn khi việc cắt giảm đơn hàng đối với các DN sản xuất lên tới 50%.
Sang quý I/2023, tình hình trở nên nghêm trọng khi đơn hàng giảm đến 50 - 70%, thậm chí có DN không có đơn hàng nào. Dịp Tết Nguyên đán, nhiều DN da giày không có thưởng, thậm chí cho công nhân nghỉ tết dài ngày. DN phải cắt giảm lao động hoặc buộc phải sa thải công nhân. Không ít DN phải cắt giảm quy mô sản xuất, cá biệt có DN dừng sản xuất, chuyển sang cho thuê nhà xưởng.
Nhiều DN không đủ tài chính để chi trả cho người lao động, thực hiện nghĩa vụ thuế, đóng BHXH... DN phải chấp nhận chậm thực hiện nghĩa vụ với ngân hàng, dẫn đến bị phong tỏa tài sản.
Nêu nguyên nhân "sức khỏe" DN bị bào mòn, theo ông Việt, do nhu cầu của Mỹ và châu Âu - thị trường xuất khẩu chính - suy giảm nhanh chóng, các DN châu Âu và Mỹ cũng tồn kho số lượng lớn. Sau khi Trung Quốc thực hiện chính sách mở cửa, khách hàng đổ xô sang Trung Quốc do giá rẻ hơn. Trong khi đó, các DN Việt Nam đang loay hoay không biết tìm hướng đi như thế nào.
Cũng "than phiền" về khó khăn của DN, ông Hoàng Ngọc Linh - Chủ tịch Hội DN nhỏ và vừa huyện Phúc Thọ (Hà Nội) phản ánh, các DN, nhất là các làng nghề đối mặt với những khó khăn nhất định. Đa phần các chủ DN đều có điểm xuất phát thấp, không ít người từ nông dân đứng lên lập DN, nên hạn chế trong quản trị rủi ro, quản trị pháp luật cũng như quản lý nguồn vốn. Một trong những khó khăn lớn nhất của các DN hiện nay là vốn. Hàng tồn kho của DN chưa kịp xử lý, cho đối tác trả chậm nên DN không có tiền để thanh toán cho ngân hàng.
Cần thiết phải giảm lãi suất ngân hàng
Trước thực trạng trên, Chủ tịch Hội Da giày Hà Nội cho rằng, các DN phải có biện pháp tự cứu mình. Theo đó, phải cơ cấu lại tổ chức, cắt giảm quy mô sản xuất, phát huy mảng lợi thế. Tiếp cận người tiêu dùng thông qua nhiều kênh, đặc biệt là các kênh trực tuyến để gia tăng khách hàng. Cùng với đó, cần phải khai thác thị trường mới thay vì phụ thuộc nhiều vào thị trường Mỹ và châu Âu như hiện nay.
Các diễn giả chia sẻ khó khăn và đề xuất giải pháp gỡ khó cho DN.
Với cơ quan quản lý Nhà nước, ông Việt đánh giá, chính sách hỗ trợ DN như giảm 2% thuế VAT hay giảm tiền thuê đất trong năm 2022 là rất kịp thời và thiết thực. Tuy nhiên, với vác DN da giày, chính sách này như "muối bỏ bể" do "sức khỏe" DN yếu, cần duy trì và kéo dài chính sách này cũng như có các chính sách hỗ trợ thiết thực khác. Biện pháp cấp thiết hiện nay là giảm lãi suất ngân hàng, nếu duy trì lãi suất như hiện nay thì DN không thể trụ được. Tiếp tục thực hiện chính sách giãn nợ, giảm tiền thuê đất trong năm 2023 để DN có sức dồn nguồn lực duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh.
Chủ tịch Hội DN nhỏ và vừa huyện Phúc Thọ cho rằng, nguồn vốn tự có của các DN nhỏ và vừa rất ít nên chủ yếu phải vay từ ngân hàng. Theo đó, các ngân hàng nên lưu tâm và tiếp cận sát hơn đến đối tượng DN này.
Tuy vậy, các DN cũng phải ý thức được việc tự cứu mình trước khi Nhà nước cứu DN. Theo đó, DN phải tìm cách quản trị dòng tiền tốt, điều chỉnh các khoản nợ với đối tác, thể hiện năng lực, uy tín của mình để có thể tiếp cận được nguồn vốn vay từ ngân hàng.
Chia sẻ khó khăn với DN, ông Nguyễn Minh Tuấn- Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh TP Hà Nội cho biết, việc các DN thiếu vốn là điều các ngân hàng luôn trăn trở. Các ngân hàng mong muốn được hỗ trợ DN sản xuất, phục hồi kinh tế. Tuy vậy, bản thân các DN cũng phải tự soi lại mình, cần đảm bảo tiêu chí minh bạch để tiếp cận vốn. Nếu DN thiếu minh bạch trong quản trị điều hành và tài chính hay vướng pháp lý thì khó vay vốn. Trong bối cảnh hiện nay, ngân hàng sẽ nghiên cứu để có giải pháp hỗ trợ phù hợp, giúp DN vượt qua khó khăn.
Trong khi đó, nhấn mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, ông Bùi Duy Quang - Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch Hà Nội khuyến nghị các DN tích cực tham gia các chương trình xúc tiến thương mại, tham gia các hội chợ, triển lãm trong và ngoài nước để mở rộng thị trường. Các DN cũng nên chủ động tìm hiểu, bám sát thông tin thị trường từ Bộ Công Thương bởi đây là kênh quan trọng nhất để định hướng hoạt động xúc tiến thương mại.
Nguyệt Minh
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo