Hỗ trợ doanh nghiệp

Kiến nghị sửa đổi tổng thể chính sách thuế

DNVN - Theo phản ánh của cộng đồng doanh nghiệp (DN), một trong những khó khăn, vướng mắc hiện nay mà DN gặp phải liên quan chính sách thuế hoặc quá trình thực thi chính sách thuế. Cần cân nhắc các kế hoạch điều chỉnh, sửa đổi tổng thể chính sách để tạo đà cho DN phục hồi, bứt phá và tiếp tục hội nhập.

Xây dựng bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cho 4 địa phương miền Trung – Tây Nguyên / Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo đẩy mạnh cho vay thu mua, kinh doanh thóc, gạo

Lo bị phá sản
Theo báo cáo tổng hợp phản ánh, kiến nghị từ hơn 30 hiệp hội doanh nghiệp (DN) của Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Chính phủ, các DN gặp một số vướng mắc liên quan đến lĩnh vực thuế.
Cụ thể, các DN gỗ phản ánh, quy trình hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT) hiện đang kéo rất dài và không có thời hạn cụ thể khiến DN bị động. Số tiền chờ hoàn của các DN lên hàng nghìn tỷ đồng, trở thành điểm nghẽn, tạo ra áp lực về dòng tiền đối với DN, đặc biệt trong bối cảnh đơn hàng xuất khẩu sụt giảm, tiếp cận vốn khó khăn và lãi suất cao như hiện nay. Nếu tình trạng còn kéo dài, nhiều DN sẽ phải tuyên bố phá sản.
Mục tiêu giám sát nguồn gốc gỗ ở khâu người trồng để đảm bảo gỗ đưa vào phục vụ sản xuất là từ rừng trồng hợp pháp trong nước, ngăn chặn gỗ nhập lậu và gỗ bất hợp pháp là đúng đắn. Tuy nhiên, việc áp dụng quy trình giám sát dàn trải, nhiều khâu trong xét hoàn thuế là không phù hợp với thực tiễn cũng như chưa phản ánh đúng mục tiêu quản lý thuế và đẩy hết rủi ro từ khâu trồng rừng (chưa phát sinh thuế) hoặc các khâu mua bán gỗ nguyên liệu cho khâu sản xuất, xuất khẩu.

DN ngành gỗ lo phá sản do quy trình hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT) kéo dài.
"Cách làm này dẫn tới một thực trạng rất nóng vừa qua là, sau khi cơ quan chức năng phát hiện sai phạm ở khâu rừng trồng và mua bán gỗ nguyên liệu tại một địa phương phía Bắc, tất cả các doanh nghiệp nhóm “nhà mua” nguyên liệu chế biến gỗ đã thông báo đồng loạt dừng nhập nguyên liệu “gỗ đầu vào cho sản xuất” ở các tỉnh phía Bắc. Điều này ảnh hưởng tức thì đến chuỗi cung ứng và sản xuất, kinh doanh cũng như đời sống của người lao động và hàng trăm hộ gia đình trồng rừng.
Thêm vào đó, việc không nhất quán trong quan điểm, quy định, cách làm về truy xuất nguồn gốc gỗ giữa các cơ quan quản lý, cụ thể là giữa Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn và Bộ Tài chính, đang gây khó cho quá trình thực thi của cả cán bộ công chức và sự tuân thủ của DN.
Khó chứng minh xuất xứ và hoàn thuế
Theo Hiệp hội giấy và bột giấy Việt Nam, DN trong nước rất mong muốn đẩy mạnh hoạt động tái chế giấy đã qua sử dụng, hướng đến sản xuất tuần hoàn. Tuy nhiên, khi thu mua giấy và phế liệu từ những kênh thu gom trong nước thì hầu hết không có hóa đơn, do đó không đảm bảo chứng minh nguồn gốc. Điều này tạo ra khó khăn cho DN trong chứng minh xuất xứ và hoàn thuế VAT 10%.
Sau khi có kiến nghị của ngành giấy, Tổng Cục thuế cho phép làm các bảng kê nhưng tối đa không quá 100 triệu đồng. Đây là số tiền quá nhỏ so với nhu cầu thu mua tập trung của nhiều DN nên DN vẫn tiếp tục gặp khó khăn và tốn nhiều công sức làm chứng từ, bảng kê để đáp ứng các quy định hiện hành của pháp luật.
Giảm sức cạnh tranh
Trong khi đó, Hiệp hội phân bón phản ánh bất cập liên quan đến xác định mức đánh thuế VAT với mặt hàng phân bón. Luật số 71/2014/QH13 sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về thuế có hiệu lực ngày 1/1/2015 hướng đến hỗ trợ người nông dân thông qua việc giảm chi phí nguyên liệu đầu vào.
Tuy nhiên, trong thực tế, ở góc độ DN, việc xác định phân bón là hàng hóa không chịu thuế GTGT khiến nguyên liệu đầu vào cho sản xuất không được khấu trừ. Các DN sản xuất phân bón trong nước sẽ buộc phải tính toàn bộ chi phí phát sinh về thuế GTGT vào chi phí sản xuất, khiến giá thành tăng lên. Qua đó làm giảm sức cạnh tranh của phân bón sản xuất trong nước so với phân bón nhập khẩu.
Các dự án đầu tư cho sản xuất phân bón không được hoàn thuế GTGT cho trang thiết bị công nghệ cấu thành tài sản cố định của dự án khiến suất đầu tư dự án cao, làm giảm động lực của DN đối với việc nghiên cứu phát triển các sản phẩm có chất lượng tốt, tính năng đặc thù dựa trên việc sử dụng công nghệ cao, thân thiện môi trường.
Trước những vướng mắc này, Ban IV cùng đại diện các hiệp hội DN đề xuất Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính (Tổng cục thuế), các bộ chuyên ngành tiến hành các hoạt động đối thoại trọng tâm với DN ngay trong Quý II và/hoặc rà soát theo chuyên đề để báo cáo Chính phủ các chính sách, quy định hiện hành hiện gây khó khăn, vướng mắc trong thực thi, hoặc chưa theo sát với xu hướng chính sách, quy định quốc tế, đặc biệt trong bối cảnh thị trường toàn cầu có nhiều diễn biến phức tạp thời kì hậu COVID-19. Từ đó cân nhắc các kế hoạch điều chỉnh, sửa đổi tổng thể để tạo đà cho DN phục hồi, bứt phá, tiếp tục hội nhập.
Thu An
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm