Lâm Đồng: Tìm giải pháp tháo gỡ các "điểm nghẽn" giúp phát triển du lịch canh nông
Đà Lạt thu hút du khách bằng các mô hình du lịch canh nông / Du lịch canh nông "nở hoa" ở vùng đất Hà Nội trên Cao nguyên
Chiều ngày 20/12, tại Trung tâm trưng bày sản phẩm SUNFOOD (TP Đà Lạt), Sở Văn hoá – Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng đã chủ trì tổ chức Hội nghị đánh giá và đề xuất giải pháp phát triển du lịch canh nông trên địa bàn tỉnh.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Phạm S chỉ đạo hội nghị.Tham dự có lãnh đạo UBND tỉnh Lâm Đồng, các sở, ban, ngành và địa phương liên quan; Viện Khoa học Giáo dục, Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Hiệp hội Du lịch Lâm Đồng – Đà Lạt và các tổ chức, cá nhân đang hoạt động kinh doanh hoặc có nguyện vọng đầu tư, kinh doanh du lịch canh nông trên địa bàn tỉnh.
Hội nghị nhằm triển khai thực hiện hiệu quả quy chế tạm thời về đầu tư và quản lý hoạt động kinh doanh du lịch canh nông. Cũng như kịp thời nắm bắt những khó khăn, vướng mắc trong đầu tư, hoạt động của các dự án, mô hình du lịch canh nông trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.
Bên cạnh đó, đề xuất các giải pháp tiếp tục phát triển, nhân rộng mô hình du lịch canh nông theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, góp phần đa dạng hóa sản phẩm du lịch chất lượng cao. Đồng thời phát triển sản phẩm du lịch đặc thù phục vụ du khách, góp phần khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh về du lịch trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.
Tại hội nghị, ban tổ chức đã thông tin về kết quả triển khai các mô hình du lịch canh nông đã được công nhận theo Quyết định số 2644/QĐ-UBND ngày 10/12/2015 của UBND tỉnh Lâm Đồng. Bên cạnh đó đánh giá tiềm năng phát triển du lịch phù hợp với những đặc điểm, đặc trưng của từng huyện, thành phố để phát triển sản phẩm du lịch canh nông.
Các đại biểu cũng đã thảo luận, trao đổi các khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai Quyết định số 933/QĐ-UBND ngày 13/4/2021 của UBND tỉnh Lâm Đồng về việc ban hành quy chế tạm thời về đầu tư và quản lý hoạt động kinh doanh du lịch canh nông trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt là về công tác đầu tư, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, xây dựng, thẩm định và khai thác hoạt động kinh doanh của các mô hình du lịch canh nông trên địa bàn…
Đồng thời, đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp trong đầu tư, hoạt động của các dự án, mô hình du lịch canh nông; định hướng đối với các đơn vị đã được công nhận nhưng hết thời hạn; các giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động mô hình du lịch canh nông trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng trong thời gian tới.
Năm 2015, UBND tỉnh Lâm Đồng phê duyệt đề án thí điểm xây dựng các mô hình du lịch canh nông, nhằm phát huy tiềm năng và lợi thế về nông nghiệp tạo ra những sản phẩm mới phục vụ du lịch, tạo thêm nguồn thu nhập, giải quyết việc làm và quảng bá nông sản địa phương. Đây là địa phương đầu tiên trong cả nước triển khai thí điểm mô hình này.
Đến nay, trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đã có 33 tổ chức, cá nhân được công nhận mô hình “Điểm du lịch canh nông” (thời hạn trong ba năm). Tổng vốn đầu tư cho các mô hình khoảng 377 tỷ đồng; diện tích triển khai hơn 302 ha; trong đó diện tích đất nông nghiệp 212 ha, diện tích đất xây dựng khoảng 09 ha và diện tích đất khác là 81 ha; tổng diện tích khu nhà kính, trưng bày, khu vực ăn uống, nhà vệ sinh, bãi đậu xe... chiếm khoảng 20,8 ha.
Sản phẩm du lịch canh nông đã từng bước phát huy những giá trị văn hóa, lịch sử địa phương; ổn định cuộc sống của người dân trong vùng; bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội; góp phần bảo vệ môi trường, đặc biệt cộng đồng cư dân nơi triển khai mô hình được hưởng lợi từ việc phát triển các mô hình du lịch canh nông.
Du lịch canh nông góp phần đa dạng hóa sản phẩm du lịch chất lượng cao cho tỉnh Lâm Đồng.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thí điểm thiếu các hướng dẫn cụ thể từ các bộ, ngành trung ương nên phát sinh nhiều vướng mắc, bất cập trong tiêu chí về xây dựng, quy hoạch sử dụng đất, tỉ lệ công trình có mái và không có mái che trên đất nông nghiệp, phi nông nghiệp; một số đơn vị có dấu hiệu xây dựng công trình và chuyển mục đích sử dụng đất không đúng quy định; thiếu nguồn nhân lực có kỹ năng, nghiệp vụ về hướng dẫn, phục vụ du khách; sản phẩm du lịch chưa rõ tính đặc trưng...
Trước thực trạng đó, tháng 4/2021, UBND tỉnh Lâm Đồng ban hành quy chế tạm thời về đầu tư và quản lý hoạt động kinh doanh du lịch canh nông, nhằm tạo hành lang pháp lý cho loại hình du lịch canh nông hoạt động chuyên nghiệp và tháo gỡ được những vướng mắc trước đây.
End of content
Không có tin nào tiếp theo