Hỗ trợ doanh nghiệp

Lo doanh nghiệp bị "xóa sổ" trước khi nhận hỗ trợ

Những chính sách hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp cần phải được triển khai với tinh thần khẩn trương như chống dịch. Nhanh một ngày là doanh nghiệp có thể phục hồi, chậm một ngày thì doanh nghiệp có thể bị "xóa sổ".

Hải Phòng gây khó cho DN vận chuyển hàng hóa, Bộ Công Thương ra văn bản chỉ đạo / Doanh nghiệp Việt có dùng trực tuyến để gỡ khó?

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết đây là thời gian vàng để tái khởi động nền kinh tế và doanh nghiệp. Theo đó, 5 mũi giáp công trên mặt trận, có thể khái quát là: “Mở ngân sách, nới tiền tệ, đẩy đầu tư, nhanh cơ chế và khai thị trường” đều đã được triển khai.

Nhu cầu cần hỗ trợ của doanh nghiệp rất gấp gáp

Các giải pháp khá toàn diện và rộng khắp, liều lượng phù hợp. Vấn đề còn lại là tổ chức thực thi chính sách. Thực thi phải nhanh, thực thi minh bạch, nhất quán và đồng bộ. Không chỉ bản thân chính sách mà thực thi cũng sẽ quyết định hiệu quả của chính sách.

Doanh nghiệp đang ngóng hỗ trợ từng ngày (Ảnh: Tư liệu)
Doanh nghiệp đang ngóng hỗ trợ từng ngày (Ảnh: Tư liệu)

Ông Lộc nói: "Tôi có điều kiện gặp nhiều doanh nghiệp và hiệp hội doanh nghiệp, họ nói rằng nghe chủ trương chính sách từ trên, nhất là những thông điệp quyết liệt của Thủ tướng thì rất phấn khởi, nhưng khi gặp cán bộ ở cấp thực thi thì vẫn chưa thể yên tâm. Hỏi chủ trương có rồi sao không thực hiện, cán bộ cấp dưới trả lời chưa có hướng dẫn cụ thể, tiêu chí quy trình đều chưa rõ. Hiện tượng như vậy không phải là ngoại lệ".

Theo ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep), mặc dù đã có một số ngân hàng thương mại giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nhưng việc thực hiện chưa đồng đều tại các ngân hàng thương mại và địa phương. Mức giảm lãi suất chỉ áp dụng đối với các khoản vay mới, còn khoản vay cũ không được áp dụng. Cùng với đó, doanh nghiệp đang phải gánh quá nhiều loại phí tại các ngân hàng. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến chi phí tài chính của doanh nghiệp, nhất là trong lúc dòng tiền bị thu hẹp đáng kể.

Trong khi đó, ông Trần Thế Dũng, Phó tổng giám đốc công ty du lịch Thế hệ trẻ chia sẻ: Nhà nước đã phát tín hiệu những gói hỗ trợ doanh nghiệp vượt dịch Covid-19 nhưng việc triển khai xem ra vẫn là chặng đường dài trong khi nhu cầu doanh nghiệp lại rất gấp. Nhiều doanh nghiệp nói đã nhận được thông báo của cơ quan thuế về việc gia hạn nộp thuế thêm 5 tháng nhưng cái doanh nghiệp cần hơn là được giảm thuế để có thể dùng phần tiền đó duy trì hoạt động của công ty.

Cùng với vấn đề hỗ trợ, những vướng mắc trong các quy định kinh doanh vẫn đang ngáng chân doanh nghiệp. Sản xuất khẩu trang được ví như "cỗ máy in tiền" thời dịch bệnh, theo phản ánh của các doanh nghiệp trong ngành may mặc, công suất sản xuất khẩu trang của Việt Nam là rất lớn, lớn hơn rất nhiều so với nhu cầu nội địa, đơn hàng thế giới tăng nhanh, nhưng quy định hạn chế xuất khẩu khẩu trang đang "bó tay, bó chân" doanh nghiệp.

 

Thậm chí, trong những ngày qua khi cả nước và cộng đồng doanh nghiệp gồng mình chống đỡ để lo duy trì sản xuất kinh doanh, bảo đảm công ăn việc làm cho người lao động nhưng ở một số địa phương vẫn có hiện tượng ngăn sông cấm chợ, buộc doanh nghiệp ngừng sản xuất, đóng cửa công trình, không cho người lao động về nhà máy, cấm xe vận chuyển vật tư, nguyên liệu; rồi cho sản xuất nhưng cấm lưu thông, bắt đóng cửa kênh phân phối...

Tiếp sức bằng thể chế là vô hạn

Theo nhiều doanh nghiệp, thiệt hại do dịch bệnh gây ra đặc thù hoàn toàn khác với thiệt hại do thiên tai trong thời điểm bình thường nên không thể áp dụng quy trình cứng nhắc như vậy.

Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cho rằng cùng với những chủ trương chính sách, việc thúc đẩy thực thi cần phải đặc biệt coi trọng trong bối cảnh này và cũng cần phải được triển khai với tinh thần khẩn trương như chống dịch. "Nhanh một ngày là doanh nghiệp có thể phục hồi, chậm một ngày doanh nghiệp có thể bị xóa sổ. Thủ tướng thì sốt ruột, doanh nghiệp như ngồi trên đống lửa, cơ quan công quyền thì ở đâu đó vẫn ung dung", ông Lộc nhấn mạnh.

Theo ông Lộc: "Chúng ta “cách ly y tế" nhưng chúng ta phải “chung tay về cơ chế" để thực sự đồng hành với doanh nghiệp, doanh nhân".

 

Cụ thể, về vướng mắc trong xuất khẩu khẩu trang, Chủ tịch VCCI đề nghị: Thủ tướng Chính phủ cho điều chỉnh ngay quyết định không cho phép xuất khẩu khẩu trang và quần áo bảo hộ y tế để giúp giải cứu ngành dệt may trong bối cảnh khó khăn này.

Đối với quần áo bảo hộ và một số thiết bị vật tư y tế khác, ông Lộc cho rằng cần phải tính toán giải quyết với tinh thần trên, dứt khoát phải ưu tiên bảo đảm yêu cầu trong nước nhưng cũng tận dụng tối đa cơ hội xuất khẩu ra thị trường thế giới với điều kiện bảo đảm tốt các tiêu chuẩn kỹ thuật. "Đừng để doanh nghiệp không phải là trâu chậm nhưng vẫn phải uống nước đục vì rào cản cơ chế", ông nhấn mạnh.

Cũng theo ông Lộc, Việt Nam đang trong thời gian vàng để kiểm soát dịch bệnh và cũng đang trong thời gian vàng để hỗ trợ doanh nghiệp trụ vững, vượt khỏi khó khăn. Nếu như hơn 50% doanh nghiệp sẽ không thể trụ lại được trong thời gian 5, 6 tháng tới và 80% doanh nghiệp khó trụ vững sau 12 tháng nếu dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp (theo kết quả khảo sát của VCCI) thì 5, 6 tháng tới chắc chắn sẽ là khoảng thời gian vàng để chúng ta có thể tiếp sức và giải cứu cho doanh nghiệp. Tiếp sức bằng nguồn lực, tiếp sức bằng thể chế. Tiếp sức bằng nguồn lực là hữu hạn, tiếp sức bằng thể chế, bằng niềm tin là vô hạn.

Cũng liên quan tới vấn đề tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, Bộ Công Thương vừa có văn bản đến UBND Tp.Hải Phòng về việc hỗ trợ doanh nghiệp vận chuyển hàng hóa phục vụ hoạt động xuất nhập khẩu và sản xuất.

Cụ thể, Bộ này đề nghị Hải Phòng tạo điều kiện hỗ trợ các doanh nghiệp vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu và các loại hàng hóa khác phục vụ sản xuất của doanh nghiệp được hoạt động bình thường. Đồng thời xem xét, rà soát các loại thuế, phí, có các giải pháp hỗ trợ giảm chi phí vận tải như phí cầu đường, bến bãi, phí lưu giữ phương tiện, phí cơ sở hạ tầng... thực hiện hình thức thu phí thuận lợi, góp phần hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất và doanh nghiệp logistics.

 

Sắp diễn ra Hội nghị trực tuyến giữa Thủ tướng với doanh nghiệp
Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cho biết: Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã quyết định tổ chức Hội nghị trực tuyến truyền hình trực tiếp của Thủ tướng Chính phủ với cộng đồng doanh nghiệp cả nước. Dự kiến hội nghị diễn ra vào cuối tháng 4 này, với chủ đề: “Tái khởi động nền kinh tế” để vượt qua dịch bệnh.
Mục tiêu của Hội nghị là tiếp tục quán triệt và triển khai sâu rộng trong cộng đồng doanh nghiệp và các cơ quan chính quyền các cấp, các chủ trương, chính sách của Đảng, Quốc hội, Chính phủ về tháo gỡ khó khăn vướng mắc, phục hồi kinh tế trong bối cảnh dịch bệnh đang diễn ra rất phức tạp trên phạm vi toàn cầu như hiện nay.
Sau Hội nghị, Chính phủ sẽ có Nghị quyết về Chương trình hành động của các bộ, ngành, địa phương và cộng đồng doanh nghiệp nhằm thực hiện các mục tiêu này.


 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm