Hỗ trợ doanh nghiệp

Lượng khách giảm về 0, sếp công ty du lịch phải vay lãi ngân hàng để nuôi quân

DNVN - Đây là chỉ là một trong rất nhiều tình cảnh của doanh nghiệp khi chia sẻ về thiệt hại và khó khăn chồng chất do đại dịch Covid-19 gây ra. Đợt dịch mới bùng phát hồi đầu tháng 5 lại một lần nữa khiến các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh phải chật vật xoay sở.

Ngắm những siêu biệt thự đắt nhất thế giới của các tỷ phú / Tòa án chấp nhận thụ lý vụ án dân sự Vụ phó Vụ Thị trường trong nước kiện một tờ báo

Theo Báo cáo tác động của dịch COVID-19 đối với doanh nghiệp Việt Nam do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Ngân hàng Thế giới (WB) thực hiện và công bố hồi tháng 3/2021, đại dịch COVID-19 đã gây tác động nghiêm trọng tới hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp.
Kết quả khảo sát với sự tham gia của gần 10.200 doanh nghiệp trên cả nước cho thấy, 87,2% doanh nghiệp chịu tác động tiêu cực bởi dịch bệnh, chỉ có 11% không ảnh hưởng gì, và gần 2% vẫn kinh doanh tốt.
Các doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết, 4 ảnh hưởng lớn của dịch bệnh tới hoạt động kinh doanh là khó tiếp cận khách hàng, thiếu hụt dòng tiền, phải giảm lao động và đứt gãy chuỗi cung ứng. Trong khi đó, đợt dịch mới bùng phát hồi đầu tháng 5/2021 khiến nhiều doanh nghiệp vốn đã khốn đốn nay còn lao đao hơn.
Ông Ngô Anh Tuấn - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Du lịch Hòa Bình (HoaBinh Travel) có trụ sở tại thị trấn Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng cho biết, 2 tháng đầu năm nay, cũng như nhiều công ty du lịch, lữ hành khác, HoaBinh Travel chịu tác động và thiệt hại lớn bởi đại dịch. Hoạt động vừa được khôi phục nửa tháng thì đợt dịch mới xuất hiện khiến DN khó khăn trăm bề. Trong khi đó, đợt dịch bùng phát từ đầu tháng 5 lại một lần nữa khiến công ty "chết đứng" khi nhiều tỉnh, thành trên cả nước có ca nhiễm mới, buộc cơ quan quản lý phải áp dụng các biện pháp phong tỏa, giãn cách xã hội, tạm dừng các hoạt động sản xuất kinh doanh.
"Số lượng khách của HoaBinh Travel đã giảm 100% kéo theo doanh thu về 0. Không còn cách nào khác, tôi phải đi vay lãi ngân hàng về nuôi nhân viên. Không có việc cho mình làm, cho quân làm, tất cả chỉ ngồi chơi trong lo lắng", ông Ngô Anh Tuấn buồn bã nói.
Không hoạt động trong lĩnh vực du lịch, nhưng bà Nguyễn Thị Thủy - Giám đốc Công ty Cổ phần Công nghiệp và Thương mại Cường Thịnh (TP Hồ Chí Minh) cho biết, dịch bệnh Covid 19 khiến doanh nghiệp không đạt doanh thu theo kế hoạch, có thời gian ngắn bị chậm nguồn hàng nhập do dịch, nhưng vẫn xoay sở kịp hàng trong nước để cấp cho khách hàng.
Theo bà Thủy, đầu năm 2021, giá sắt, thép tăng quá cao, các công trình giảm mạnh, nguồn sắt khan hiếm nên doanh thu công ty chuyên cung cấp bulong, ốc vít này giảm hơn 50% so với năm 2020. Ngoài ra, do dịch kéo dài, các chủ đầu tư không về được Việt Nam, không rót vốn cho các công trình nên khó khăn của DN hiện nay là việc thu hồi nợ chậm.

Doanh thu của Công ty Cổ phần Công nghiệp và Thương mại Cường Thịnh giảm 50% so với năm 2020.
"Công trình ít, nên kế hoạch doanh thu sụt giảm, nguyên liệu khan hiếm, giá cả tăng mạnh, các đơn vị thi công kết cấu thép không dám nhận công trình vì giá thời nhiệm nhận công trình và thời điểm bắt đầu thi công tăng quá nhiều. Đây là lý do khiến chúng tôi không bán được hàng. Sắt, thép khan, có đơn hàng cũng không có nguyên vật liệu để sản xuất", Giám đốc Nguyễn Thị Thủy chia sẻ.
Cũng hoạt động trong lĩnh vực kim khí nhưng ở quy mô nhỏ, ông Vũ Bá Nguyện - chủ cơ sở sản xuất kim khí Hải Đăng (Thanh Oai, Hà Nội) cho hay, đợt dịch Covid-19 bùng phát mới đây đẩy doanh nghiệp nhỏ như Hải Đăng thêm nhiều khó khăn. Đó là giá nguyên vật liệu tăng cao, hoạt động vận tải khó khăn do các địa phương áp dụng biện pháp kiểm soát chặt chẽ trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh. Trước đây, cơ sở có thể gửi hàng bằng xe khách, thì nay chỉ có thể gửi được bằng xe tải hoặc tàu hỏa, chi phí tăng cao, không hoàn thành được các đơn hàng nên không tất toán được, đầu vào chậm tiến độ, khó khăn trong thu - chi.
"Cơ sở của chúng tôi chuyên sản xuất các con vít bắn vào mái tôn, gia công các sản phẩm từ nhựa. Đây không phải là các mặt hàng thiết yếu nên nhu cầu của khách hàng sụt giảm. Khách hàng bị ảnh hưởng Covid-19, dân không có tiền thì đương nhiên họ không có nhu cầu sửa sang, làm đẹp nhà cửa. Doanh thu của cơ sở vì thế mà giảm khoảng 30 - 40%", ông Nguyện nói.
Trong khi đó, là doanh nghiệp nhà nước với bề dày trên 60 năm hoạt động, Công ty TNHH một thành viên Cơ khí 17-Tổng cục CNQP (còn gọi là Nhà máy Z117) cũng không tránh khỏi những tác động bởi Covid-19.

Đại tá Đặng Hồng Sơn - Giám đốc Nhà máy Z117.
Kể cả các doanh nghiệp nhà nước cũng gặp khó khăn vì đại dịch, Đại tá Đặng Hồng Sơn - Giám đốc Nhà máy Z117 - DN chuyên sản xuất các sản phẩm cơ khí, xử ký bề mặt kim loại, quân trang, đồ gia dụng, bếp nướng xuất khẩu - trong đại dịch, nhà máy đã đề ra chiến lược trong và ngoài nước để đảm bảo thị trường, doanh thu, công ăn việc làm cho cán bộ công nhân viên. Tuy nhiên, DN gặp khó khăn lớn với các thị trường nước ngoài bởi giá vận chuyển tàu biển tăng đột biến, không những tăng đột biến mà còn không có vỏ container để xuất khẩu.
"Ví dụ, trước đây, chúng tôi xuất khẩu đi Mỹ một container chỉ 1.000 USD, nhưng hiện giá container tận 6.000 USD, có nơi 8.000 USD. Các doanh nghiệp thu mua, kể cả người tiêu dùng ở nước ngoài, cũng chịu áp lực do đội giá. Mặt hàng gia dụng nhưng chỉ là cho người thu nhập trung bình nên cũng khó tăng giá", Đại tá Đặng Hồng Sơn cho biết.
Trước những khó khăn hiện nay, các doanh nghiệp đều mong muốn Chính phủ tiếp tục thực hiện các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp ảnh hưởng bởi dịch bệnh, kéo dài chính sách miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, giãn thuế, gia hạn nộp thuế, giảm giá điện, giảm gia hạn các khoản đóng bảo hiểm xã hội, phí công đoàn trong năm 2021 và 2022.
Trong khi các doanh nghiệp trong lĩnh vực kim khí kiến nghị Chính phủ can thiệp việc tăng giá sắt, thép thị trường Việt Nam theo giao dịch quốc tế thì doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch, lữ hành đề xuất Chính phủ có biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 chặt chẽ để tháo gỡ khó khăn cho họ. Về biện pháp phòng, chống dịch, ông Ngô Anh Tuấn cho rằng Chính phủ nên thay đổi cách phòng, chống dịch áp dụng trong 1 năm rưỡi qua bởi theo ông với tình trạng vượt biên trái phép hiện nay thì không nên đi theo cách cũ.
Nguyệt Minh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm