Hỗ trợ doanh nghiệp

Nâng cao hiệu quả công tác truyền thông về khởi nghiệp

Năm 2016, cùng với Nghị quyết 35/NQ-CP ngày 16/05/2016 về hỗ trợ doanh nghiệp thì Quyết định số 844/QĐ-TTg ngày 18/05/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” (Đề án 844) với một trong 6 nhóm nhiệm vụ chính là tập trung truyền thông về hoạt động khởi nghiệp...

Boeing thay đổi ghế CEO sau 1 năm đầy sóng gió / VINASME ký thỏa thuận hợp tác với Cục Xúc tiến thương mại hỗ trợ DN nhỏ và vừa quảng bá sản phẩm

Truyền thông: Động lực thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo

Ngày 19/12, phát biểu tại Hội nghị tổng kết “Đánh giá tác động của truyền thông trong việc quảng bá các điển hình khởi nghiệp, hỗ trợ khởi nghiệp” do Ban Khoa giáo, Đài truyền hình Việt Nam tổ chức, ông Đỗ Quốc Khánh – Trưởng ban Khoa giáo – khẳng định, truyền thông là công cụ hiệu quả trong việc quảng bá các điển hình khởi nghiệp, tác động tích cực tới các chủ thể trong xã hội.

nang cao hieu qua cong tac truyen thong ve khoi nghiep
Truyền thông được xem là một trong những động lực lớn giúp hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo

Do đó, thực hiện nghiêm túc nhiệm vụ trong Đề án 844, Bộ Khoa học và Công nghệ đã phối hợp với Đài truyền hình Việt Nam triển khai nhiều chương trình truyền thông về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Chỉ riêng trong năm 2019, đã có 12 chương trình được phát sóng trên kênh VTV2 về các vệt đề tài chuyên sâu, như: Vườn ươm khởi nghiệp là gì?; Vai trò của vườn ươm khởi nghiệp; Làm thế nào để Phát triển và duy trì vườn ươm khởi nghiệp;…. Và các chương trình giới thiệu về mô hình của các quỹ đầu tư cho các startup tại Việt Nam, các mô hình quỹ đầu tư mạo hiểm trong nước và quốc tế. Vai trò của các chuyên gia trong các lĩnh vực khởi nghiệp đặc thù, như: Logictics, quản lý doanh nghiệp…

“Hiệu quả nhất chính là đã đưa được khái niệm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đến gần hơn với cộng đồng, đồng thời kết nối những cá nhân có ý tưởng/dự án khởi nghiệp với những thành tố khác trong hệ sinh thái, như: Cố vấn, nhà đầu tư, khách hàng...” – Ông Khánh nhấn mạnh.

Từ thực tiễn tại doanh nghiệp mình, ông Nguyễn Vĩnh Thụy - Giám đốc vận hành công ty cổ phần Xeca Việt Nam – doanh nghiệp chuyên về cung ứng dịch vụ và sản phẩm công nghệ trong ngành vận tải – cho rằng, các doanh nghiệp khởi nghiệp thường tự tin rằng mình có ý tưởng tốt, sản phẩm tốt… nhưng để có được doanh số tốt thì như thế là chưa đủ. Vì vậy, các kênh truyền thông trực tuyến được xem như một công cụ mạnh nhất để các doanh nghiệp có thể bao phủ thị trường, mang sản phẩm của họ tiếp cận tới rộng rãi công chúng.

“Khi sáng tạo các nội dung đủ tốt, đánh đúng vào thị hiếu và sở thích của người dùng trên internet, các doanh nghiệp sẽ có thể mang lại cho người dùng những nhận thức đầu tiên về sản phẩm của mình, qua thời gian sẽ tăng độ nhận diện về thương hiệu của mình cho cả nhóm khách hàng mục tiêu lẫn khách hàng tiềm năng” – Ông Thuỵ nói và nhấn mạnh thêm, việc đưa hình ảnh của các điển hình khởi nghiệp tới rộng rãi công chúng cũng sẽ thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp mạnh mẽ trong xã hội.

 

Đặc biệt, qua công tác truyền thông đã góp phần thu hút thêm nguồn vốn đầu tư từ nước ngoài vào Việt Nam cho các doanh nghiệp khởi nghiệp. Điển hình như tại Diễn đàn quỹ khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam được tổ chức vào tháng 6/2019, Bộ Kế hoạch – đầu tư đã vận động thành công 18 quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo cam kết đầu tư 425 USD cho các start-up Việt Nam trong ba năm tới.

Nâng cao hơn nữa chất lượng truyền thông

Theo ông Nguyễn Vĩnh Thụy, những năm gần đây, báo chí chính thống, mặc dù có tính tiên phong và uy tín nhưng đang gặp nhiều khó khăn trong việc cạnh tranh với mạng xã hội. Trong khi đó, với mạng xã hội, công tác kiểm định thông tin còn hạn chế nên có nhiều thông tin giật gân tạo sự chú ý, đôi khi sai sự thật. Đây cũng là yếu tố ảnh hưởng lớn tới doanh nghiệp nói chung, DN khởi nghiệp nói riêng.

“Với các DN mới thì điều này vô cùng khủng khiếp, có thể khiến DN không thể tiếp tục tồn tại hoặc sẽ phải cực kỳ gian nan để xây dựng lại lòng tin với người tiêu dùng” – Ông Thuỵ nói và cho rằng, các cơ quan báo chí cần chú trọng hơn nữa trong việc kiểm định thông tin để tránh sai sót.

Tuy nhiên, nếu sản phẩm của doanh nghiệp chưa đủ tốt, nội tại doanh nghiệp chưa đủ mạnh nhưng lại đi kèm với những thông điệp truyền thông quá lớn lao, thì doanh nghiệp sẽ nhận lại những phản hồi cực kỳ xấu và đây sẽ là một “điểm trừ” lớn trong mắt nhà đầu tư, không chỉ đối với riêng doanh nghiệp đó mà còn đối với toàn bộ môi trường khởi nghiệp nói chung.

 

Do đó, chỉ khi nào bản thân các doanh nghiệp khởi nghiệp có sản phẩm tốt, phục vụ hiệu quả nhu cầu của người tiêu dùng, giá cả hợp lý, những người lãnh đạo có kiến thức chắc chắn và vững vàng,… thì cùng với công tác truyền thông, sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp mới có chỗ đứng trên thị trường. Đồng thời góp phần mang những chính sách hỗ trợ mới từ Chính phủ đến gần hơn với startup, mang startup đến gần hơn với xã hội, và ngược lại mang công chúng đến gần với hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam.
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm