Hỗ trợ doanh nghiệp

Nâng cao năng lực thực hiện Đề án một triệu ha lúa chất lượng cao

DNVN - Nhằm thực hiện hiệu quả Đề án một triệu ha lúa chất lượng cao (CLC), phát thải thấp, Bộ NN&PNTT xây dựng kế hoạch đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cho các hợp tác xã (HTX) nông nghiệp, hộ nông dân và các đối tượng liên quan tham gia trong chuỗi ngành hàng lúa gạo CLC, giảm phát thải đến năm 2030.

Chuyên gia: Doanh nghiệp không nên ‘tút tát’ báo cáo tài chính để tiếp cận vốn / Đề xuất nâng vốn điều lệ tối thiểu quỹ bảo lãnh tín dụng lên 10.000 tỷ đồng

Chiều ngày 2/4, tại Cần Thơ, Bộ NN&PTNT tổ chức Hội thảo triển khai Kế hoạch nâng cao năng lực cho các đối tác, hợp tác xã (HTX) nông nghiệp phát triển liên kết chuỗi giá trị thực hiện Đề án phát triển bền vững một triệu hecta chuyên canh lúa CLC và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030.

s

Quan cảnh buổi hội thảo.

Triển khai nội dung kế hoạch tại hội thảo, đại diện Bộ NN&PTNT cho biết, trong giai đoạn 2024 - 2025 sẽ tập trung đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cho hơn 200.000 lượt người, gồm 420 giảng viên ToT, 3.100 cán bộ quản lý kỹ thuật của 620 HTX nông nghiệp, tổ hợp tác đăng ký tham gia Đề án 1 triệu ha lúa.

Riêng năm 2024, sẽ hoàn thành tập huấn cho 2000 cán bộ quản lý, kỹ thuật của 400 HTX nông nghiệp đã tham gia dự án VnSAT trên địa bàn 8 tỉnh, thành phố Tiền Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang, Long An, Sóc Trăng, Hậu Giang, Cần Thơ, An Giang; khoảng 3.000 cán bộ khuyến nông và khuyến nông cộng đồng.

x

Ông Trần Thanh Nam -Thứ trưởng Bộ NN&PTNTphát biểu tại hội thảo.

Trong giai đoạn 2026 – 2030 sẽ hoàn thành việc đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cho 812.320 lượt người, gồm: 3.000 cán bộ quản lý, kỹ thuật trong HTX nông nghiệp, tổ hợp tác; 8.000 cán bộ khuyến nông và khuyến nông cộng đồng; 1.200 cán bộ quản lý nhà nước các cấp, cán bộ của tổ chức đoàn thể liên quan triển khai đề án của 12 tỉnh, thành phố và 800.000 nông dân được đào tạo quy trình canh tác sản xuất lúa bền vững, giảm phát thải gắn với tăng trưởng xanh; kỹ năng đăng ký, đánh giá giảm phát thải ở cấp độ hộ nông dân...

 

Bộ NN&PTNT giao Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn là cơ quan đầu mối chủ trì, phối hợp với các đơn vị chức năng thuộc bộ, các địa phương triển khai thực hiện kế hoạch; chủ trì xây dựng các tài liệu, nâng cao năng lực quản lý, quản trị quy trình sản xuất lúa chất lượng cao, giảm phát thải cho cán bộ quản lý và kỹ thuật ở HTX; tổ chức liên kết xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm lúa CLC giảm phát thải; xây dựng kế hoạch sản xuất và kinh doanh; quy trình đăng ký tham gia giảm phát thải; quản lý dữ liệu của nông dân, HTX.

Nhân dịp này, Bộ NN&PTNT đã hướng dẫn tiêu chí lựa chọn tham gia Đề án Phát triển bền vững một triệu ha chuyên canh lúa CLC, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030 (như áp dụng quy trình canh tác bền vững 1 phải 5 giảm, tưới ngập khô xen kẽ, hơn 70% diện tích canh tác lúa đã sử dụng giống xác nhận hoặc tương đương; 100% hộ trong vùng cam kết thu gom rơm khỏi đồng ruộng để chế biến tái sử dụng); hướng dẫn tiêu chí về tổ chức sản xuất và doanh nghiệp tham gia liên kết...

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho biết, Đề án một triệu ha lúa đang được triển khai thực hiện với quyết tâm rất lớn và sự đồng thuận cao. Bởi đây là một chủ trương lớn, tạo sự chuyển biến rất lớn cho ngành hàng lúa gạo Việt Nam.

Về nội dung kế hoạch triển khai, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT yêu cầu cần làm rõ hơn 5 nội dung về quy trình canh tác bền vững; kế hoạch đo đếm chi trả carbon; việc củng cố kiện toàn các HTX tham gia đề án; xây dựng chuỗi liên kết HTX với doanh nghiệp.

“Chủ thể trung tâm của đề án là HTX, HTX là mục tiêu hỗ trợ chính của đề án; đối tượng tập huấn nâng cao năng lực là thành viên HTX và cán bộ khuyến nông. Và như vậy, xây dựng củng cố HTX phát triển thành công tức là đề án thành công”, Thứ trưởng Nam nhấn mạnh.

 

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT lưu ý cần bổ sung quyền lợi của các thành phần tham gia, có những nơi đăng ký thực hiện đề án nhưng lại chưa có HTX, như vậy cần xây dựng HTX ở những nơi này như thế nào. Mặt khác cần tiếp tục đẩy mạnh nâng cao nhận thức, sự hiểu biết của người nông dân, doanh nghiệp những lợi ích khi tham gia thực hiện đề án.

Hoà Minh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm