Hỗ trợ doanh nghiệp

Nhiều doanh nghiệp phía Bắc "ngại" tiếp cận dự án điện mặt trời áp mái

DNVN - Với đặc điểm số giờ nắng và tổng lượng bức xạ mặt trời thấp hơn so với khu vực miền Trung và miền Nam, nhiều doanh nghiệp phía Bắc vẫn còn ngần ngại khi tiếp cận với các dự án điện mặt trời áp mái hay còn gọi là điện mặt trời mái nhà.

Thiếu cơ chế phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu / Bộ Công Thương đưa đề xuất mới về điện mặt trời mái nhà

Chia sẻ tại hội thảo chuyên đề "Xanh hóa năng lượng trong sản xuất với giải pháp điện mặt trời áp mái", đại diện Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương cho biết, cục đang tham mưu cho Bộ Công Thương để trình Chính phủ Nghị định quy định về cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN) tự sản tự tiêu.

Hiện nay, dự thảo nghị định đã được đăng thông tin trên cổng thông tin của Bộ Công Thương và gửi các cơ quan, ban ngành để lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức, cá nhân nhằm hoàn thiện nội dung và thủ tục ban hành Nghị định theo quy định của pháp luật.

Theo đó, dự thảo quy định về phát triển ĐMTMN các công trình xây dựng nhằm mục đích tự sản, tự tiêu, không bán điện cho tổ chức, cá nhân khác. ĐMTMN tự sản tự tiêu được đấu nối với hệ thống điện quốc gia, tổng công suất tăng thêm đến năm 2030 là khoảng 2.600 MW.

Bộ Công thương đang khuyến khích các tổ chức, cá nhân kết hợp ĐMTMN tự sản, tự tiêu.

Bộ Công thương khuyến khích các tổ chức, cá nhân kết hợp ĐMTMN tự sản, tự tiêu với đầu tư, lắp đặt, vận hành hệ thống lưu trữ điện để chủ động trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và sử dụng điện.

Các cơ chế khuyến khích bao gồm ĐMTMN tự sản, tự tiêu được miễn trừ giấy phép hoạt động điện lực; các hồ sơ, thủ tục theo cơ chế một cửa liên thông và được ưu tiên bố trí ngân sách để thực hiện tại các trụ sở cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công.

Tuy nhiên, tại hội thảo, đại diện của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, với đặc điểm số giờ nắng và tổng lượng bức xạ mặt trời thấp hơn so với khu vực miền Trung và miền Nam, nhiều doanh nghiệp phía Bắc vẫn còn ngần ngại khi tiếp cận với các dự án ĐMTMN.

Để giúp các doanh nghiệp hiểu sâu và có giải pháp tiếp cận với các dự án ĐMTMN, tại sự kiện, đại diện thương hiệu LONGi đã giới thiệu công nghệ tấm quang điện tối ưu nhất giúp hấp thụ năng lượng trong cả điều kiện ánh sáng yếu và ở nhiều góc độ khác nhau. Cùng với đó là các giải pháp biến tần (inverter) an toàn và tối ưu công suất cho hệ thống điện ĐMTMN.

Hội thảo tập trung vào giải pháp giúp doanh nghiệp tiếp cận tốt hơn với ĐMTMN.

Góp phần hỗ trợ chuyển đổi xanh cho các doanh nghiệp sản xuất, SP Group mang đến cho các doanh nghiệp Việt hệ sinh thái giải pháp năng lượng bền vững bao gồm lắp đặt, quản lý và vận hành cho các khu công nghiệp, nhà máy. Đơn vị điều hành lưới điện từ Singapore cũng giới thiệu giải pháp tài chính giúp các doanh nghiệp có cơ hội tiếp cận ĐMTMN.

Đại diện Tập đoàn Vũ Phong - một trong những đơn vị đi đầu về phát triển năng lượng tái tạo tại Việt Nam cho biết, hơn 95% Chứng chỉ năng lượng tái tạo trên thế giới là chứng chỉ quốc tế (I-REC). Hiện tập đoàn đang triển khai nhiều giải pháp về tư vấn đăng ký sở hữu và giao dịch I-REC, giúp các doanh nghiệp tiến nhanh hơn trên hành trình xanh hóa sản xuất.

Ngân Hà
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm