Những điểm doanh nghiệp cần nắm rõ về RCEP để không bỏ lỡ cơ hội xuất khẩu
DNVN - So với các hiệp định thương mại tự do khác mà Việt Nam đã ký kết, Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) có đặc điểm "quen mà lạ". Doanh nghiệp Việt Nam cần hiểu về Hiệp định, tiến trình, các cam kết cụ thể cũng như các tác động dự kiến của các cam kết để tiếp cận thị trường hiệu quả.
Sân bay quốc tế Vân Đồn đạt chuẩn quốc tế về an toàn sức khỏe AHA / Triển lãm trực tuyến hỗ trợ doanh nghiệp thực phẩm, đồ uống phục hồi sau đại dịch
Tại Hội thảo “Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) – Những điều doanh nghiệp cần biết” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Viện Nghiên cứu Quản lý Trung ương (CIEM) tổ chức sáng ngày 5/11, bà Trần Thị Hồng Minh - Viện trưởng CIEM nhận định, việc xử lý những tác động từ đại dịch COVID-19 xảy ra trong gần 2 năm qua với nền kinh tế gặp phải thách thức lớn, đó là sức mua của nền kinh tế đang bị suy yếu. Do đó, việc tìm kiếm, cải thiện tiếp cận các thị trường xuất khẩu càng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.
"Trong bối cảnh đó, Hiệp định RCEP nhận được sự quan tâm hơn từ các cơ quan, chuyên gia và cộng đồng doanh nghiệp. Với góc nhìn của CIEM, RCEP không phải là nội dung mới, việc ký kết hiệp định này là kết quả Việt Nam có được sau hơn 7 năm kể từ phiên đàm phán đầu tiên. Những cơ hội từ hội nhập kinh tế quốc tế nói chung và RCEP nói riêng sẽ khó có thể được hiện thực hóa nếu thiếu sự chuẩn bị, đồng lòng và quyết tâm thực hiện của DN. Một điều kiện quan trọng là DN phải nắm rõ những nội dung cơ bản của RCEP. Trên cơ sở đó, tính toán thành cơ hội và thách thức cho chính DN của mình", bà Hồng Minh nhấn mạnh.
Giới thiệu những nét chính về RCEP, bà Nguyễn Thị Quỳnh Nga - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách Thương mại Đa biên, Bộ Công Thương cho biết, RCEP là một Hiệp định thương mại (FTA) thế hệ mới có quy mô lớn nhất thế giới với 15 thành viên (gồm 10 nước ASEAN cùng 5 đối tác khác là Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia, New Zealand).
Bà Nguyễn Thị Quỳnh Nga - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách Thương mại Đa biên.
Là FTA có trình độ phát triển của các nước thành viên đa dạng nhất với sự tham gia của các nền kinh tế hàng đầu thế giới (Trung Quốc, Nhật Bản) và các nước kém phát triển (Lào, Campuchia, Myanmar). Khi được thực thi, hiệp định này sẽ tạo thành khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới tính về dân số, chiếm khoảng 30% dân số thế giới và 30% GDP toàn cầu.
Được ký kết vào tháng 11/2020 và dự kiến có hiệu lực đầu năm 2022 trong bối cảnh thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đang phải đối mặt với những tác động chưa từng có tiền lệ của đại dịch COVID-19, RCEP mang nhiều kỳ vọng trở thành một xung lực mới cho nền kinh tế và các doanh nghiệp Việt Nam để có thể phục hồi và tăng trưởng sau đại dịch.
Cho rằng RCEP có những đặc điểm "quen mà lạ", bà Nguyễn Thị Thu Trang - Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập của VCCI thông tin, đây là hiệp định có nhiều đối tác nhất của Việt Nam, nếu không kể EVFTA. Trong EVFTA, 27 đối tác được xem là một khối thống nhất để đàm phán. Trong khi đó, RCEP bao gồm 10 nước ASEAN và 5 nước đối tác.
"Không chỉ là hiệp định có nhiều đối tác nhất mà quan trọng là các đối tác có trình độ phát triển khác nhau. Điều này dẫn đến những đặc điểm riêng của RCEP so với các hiệp định khác, và cũng dẫn đến việc tìm hiểu của DN có thể sẽ phức tạp hơn", bà Trang nói.
Theo chuyên gia này, RCEP có nhiều lựa chọn trong cam kết. Thay vì 1 biểu cam kết, trong hiệp định này có 5 - 7 biểu cam kết cho những đối tác khác nhau. Hoặc thay vì có cùng một phương pháp mở cửa thị trường thì lại song song có 2 phương pháp để mở cửa thị trường dịch vụ.
Bà Nguyễn Thị Thu Trang - Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập của VCCI.
Những đặc điểm này của RCEP khiến việc hiểu về cam kết đối với DN sẽ phức tạp hơn. Ngoài ra, do FTA này có cách tiếp cận tiệm tiến bộ hơn trong nhiều vấn đề và tập hợp những đối tác với trình độ khác nhau nên việc đạt được đồng thuận trong một vấn đề không phải đơn giản.
Theo bà Trang, RCEP có nhiều cam kết cao hơn các FTA ASEAN+, và bổ sung thêm nhiều lĩnh vực mới mà các FTA này chưa có hoặc có quy định không đáng kể. Cụ thể, RCEP bao gồm cam kết về các hàng rào phi thuế (hàng rào kỹ thuật, vệ sinh dịch tễ, phòng vệ thương mại…); cam kết về dịch vụ và đầu tư, cách thức và mức mở cửa; cam kết về thương mại điện tử; cam kết về các vấn đề quy tắc (sở hữu trí tuệ, mua sắm công, cạnh tranh…). Do đó, cần phải nắm được những cam kết cốt lõi của RCEP có ảnh hưởng trực tiếp tới doanh nghiệp.
Bà Trang cho biết thêm, với việc thiết lập nên các tiêu chuẩn và cơ chế thống nhất cho toàn bộ khu vực, RCEP sẽ mở thêm nhiều cơ hội kết nối thương mại và đầu tư của Việt Nam với các nền kinh tế thành viên, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp của Việt Nam tham gia sâu hơn, rộng hơn vào các chuỗi giá trị trong khu vực này.
Tuy nhiên, để có thể tận dụng được các cơ hội kỳ vọng từ RCEP, trước hết doanh nghiệp cần hiểu về Hiệp định, tiến trình, các cam kết cụ thể cũng như các tác động dự kiến của các cam kết. Thực tế thực hiện 14 FTA đã có hiệu lực của Việt Nam cho thấy một trong những lý do mà nhiều cơ hội FTA đã bị bỏ lỡ là do các doanh nghiệp chưa biết đến hoặc chưa hiểu rõ về các cam kết FTA.
Trong khuôn khổ hội thảo, VCCI công bố Cẩm nang doanh nghiệp “Tóm lược Hiệp định EVFTA” - ấn phẩm đầu tiên tại Việt Nam hướng dẫn chi tiết và đầy đủ về các cam kết quan trọng của RCEP cho doanh nghiệp. Cẩm nang diễn giải các cam kết theo cách thức ngắn gọn, dễ hiểu, với các đánh giá ban đầu về các tác động tới doanh nghiệp, cùng các lưu ý doanh nghiệp về những vấn đề cần quan tâm nhất, các vấn đề cần chuẩn bị tập trung nhất. |
Nguyệt Minh
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo