Hỗ trợ doanh nghiệp

Sản xuất, xuất khẩu qua vùng đáy nhưng còn nhiều khó khăn

DNVN - Trong bối cảnh vùng đáy sản xuất và xuất khẩu đã qua nhưng cộng đồng doanh nghiệp vẫn còn đối diện nhiều khó khăn, việc tạo thuận lợi cho các hoạt động kinh doanh là điều cần phải làm ở nhiều cấp…

Lâm Đồng: TP Đà Lạt triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp / Rộng đường cho nông sản Việt sang Mỹ

Đã qua vùng đáy

Tại diễn đàn thường niên lần thứ 16 “Kịch bản Kinh tế Việt Nam 2024” diễn ra ngày 11/1 tại Hà Nội, bà Đặng Nguyệt Minh - Giám đốc Khối nghiên cứu của Dragon Capital, nhấn mạnh, năm 2024 nền kinh tế Việt Nam đối mặt với nhiều cơ hội hơn khó khăn.

Phân tích về cơ hội, bà Minh cho rằng, với khu vực sản xuất, có thể kỳ vọng đáy nền sản xuất Việt Nam đã qua và năm 2024 là năm phục hồi kinh tế.

Với xu hướng đầu tư, xu thế dòng tiền cả FDI cũng như đầu tư gián tiếp trên thị trường chứng khoán năm 2024 sẽ mạnh mẽ và rõ ràng hơn.

Với khu vực xuất khẩu, vùng đáy xuất khẩu đã qua và bắt đầu chu kỳ hồi phục mới. Đầu tư công cũng đã bắt đầu và đây là nền tảng cần thiết.


Bà Đặng Nguyệt Minh - Giám đốc Khối nghiên cứu của Dragon Capital.

“Đầu tư công tạo nền tảng niềm tin cho doanh nghiệp đầu tư trở lại. Chính phủ đã rất quyết đoán đẩy mạnh đầu tư công. Còn tiêu dùng, đâu đó cần phải đợi độ trễ của mặt bằng lãi suất, nửa sau của năm 2024 thì sẽ có phục hồi tích cực hơn”, Giám đốc Khối nghiên cứu của Dragon Capital nhìn nhận.

Trong khi đó, nhấn mạnh đến những khó khăn và thách thức với cộng đồng doanh nghiệp, ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng thư ký, Trưởng ban Pháp chế của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, năm 2023 thực sự là một năm rất khó khăn với cả doanh nghiệp và nền kinh tế.

Dù số lượng doanh nghiệp thành lập mới đạt kỷ lục (gần 159,3 nghìn doanh nghiệp, tăng 7,2% so với cùng kỳ năm 2022) nhưng tốc độ thành lập mới doanh nghiệp lại thấp so với nhiều năm gần đây.

Đáng chú ý, số lượng doanh nghiệp rời khỏi thị trường lại cao kỷ lục. Trong đó, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 89,1 nghìn doanh nghiệp, 65,5 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và 18 nghìn doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể.

Bên cạnh đó, tăng trưởng tín dụng trầm lắng, xuất khẩu giảm, nhất là với nhiều ngành có vai trò của doanh nghiệp tư nhân rất lớn.

Cần thực thi chính sách tốt

Vì vậy, trong năm 2024, theo ông Tuấn, một trong những định hướng quan trọng của Quốc hội và Chính phủ là phải chú trọng giải bài toán này, làm sao cho doanh nghiệp đỡ khó khăn hơn.

“Tôi không thích từ “tháo gỡ khó khăn”, vì tháo gỡ khó khăn là chúng ta cứ chạy theo những khó khăn và vai trò chủ động, dẫn dắt của Nhà nước giảm đi rất nhiều. Hãy chuyển từ “tháo gỡ khó khăn” sang “tạo thuận lợi”. Đây là cách tiếp cận tốt hơn. Vai trò sẵn sàng trong việc tạo thuận lợi cho các hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp có lẽ là điều cần phải làm ở nhiều cấp”, ông Tuấn nhấn mạnh.

Trong bối cảnh thị trường còn nhiều thách thức, đơn hàng giảm, những giải pháp giảm chi phí kinh doanh cần phải phát huy triệt để. Cần có gói giải pháp tổng thể cho việc giảm chi phí kinh doanh này.

Quốc hội đã chấp thuận giảm thuế VAT từ 10% xuống còn 8% tiếp tục kéo dài đến giữa năm 2024, song việc giảm thuế, phí và các khoản phải nộp cần được tăng cường hơn.


Ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng thư ký, Trưởng ban Pháp chế của VCCI.

Ngoài ra, những chi phí về thủ tục hành chính, những khoản về thanh tra kiểm tra định kỳ nếu không cần thiết cần tiếp tục phải giảm để hỗ trợ phục hồi và tháo gỡ khó khăn trong thời gian tới.

“Đây là những nhóm giải pháp quan trọng trong năm 2024 cần được đẩy mạnh nhằm “sốc” lại tinh thần, không khí phát triển ở nhiều địa phương.

Có rất nhiều nghị quyết, nhiều cuộc gặp của Chính phủ song điều này cần chuyển động mạnh xuống cấp địa phương, bộ ngành. Tức là cần một không khí mới cho quá trình phát triển, cho quá trình tăng tốc năm 2024. Bởi nếu chính sách tốt nhưng thực thi không tốt thì hiệu ứng chính sách trên thực tế không cao”, ông Tuấn khuyến nghị.

Nhấn mạnh vấn đề thể chế, chính sách, chuyên gia Cấn Văn Lực cho rằng, cần đẩy nhanh tiến trình hoàn thiện thể chế, nhất là hướng dẫn thực hiện các luật đất đai, nhà ở, kinh doanh bất động sản, tổ chức tín dụng, các luật sửa đổi khác, cơ chế hỗ trợ trong bối cảnh áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu…

Ngoài ra, cần sớm có khung pháp lý cho các mô hình kinh tế mới, kinh doanh mới nhanh hơn.


Cần một không khí mới cho quá trình phát triển và tăng tốc của doanh nghiệp trong năm 2024.

“Cơ chế thí điểm sandbox được chuẩn bị lâu quá. Bây giờ muốn phát triển khoa học công nghệ, muốn thử cái mới, muốn phát triển mô hình mới phải có cơ chế thử nghiệm để làm", ông Lực nêu.

Với doanh nghiệp, chuyên gia Cấn Văn Lực khuyến nghị, cần đưa ra các kiến nghị đúng, trúng và kiên trì. Cơ cấu lại hoạt động, kiểm soát rủi ro dòng tiền, rủi ro lãi suất, tỷ giá.

Cùng với việc chủ động tìm hiểu, tiếp cận các chương trình, gói hỗ trợ cần đa dạng hóa nguồn vốn, thị trường, đối tác, nguồn cung. Chủ động sản xuất xanh và kinh doanh tuần hoàn cũng như thực thi chiến lược chuyển đổi số.

Đồng thời tận dụng cơ hội từ việc nâng cấp quan hệ Việt - Mỹ, Việt - Nhật cũng như làm sâu sắc thêm quan hệ hợp tác Việt - Trung…

Thu An
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm