Hỗ trợ doanh nghiệp

Sau 1 tháng chuyển trạng thái "thích ứng": Doanh nghiệp phàn nàn vẫn bị kiểm tra quá mức

DNVN - Sau 1 tháng nền kinh tế chuyển trạng thái "thích ứng" qua việc triển khai Nghị quyết 128, bức tranh doanh nghiệp (DN) đã có những mảng màu sáng. Tuy nhiên, trong bối cảnh COVID-19 diễn biến phức tạp khiến một số địa phương phải nâng cấp độ dịch, DN vẫn phản ánh về tình trạng kiểm tra quá mức, gây khó cho DN.

Đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine, cho doanh nghiệp chủ động trong phòng, chống dịch COVID-19 / Doanh nghiệp tái cấu trúc để tồn tại và trụ vững

Những tín hiệu khởi sắc
Mục tiêu được đặt ra trong Nghị quyết 128 của Chính phủ khi chuyển sang thích ứng an toàn, hiệu quả với đại dịch COVID-19 chính là tạo điều kiện khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh, đưa đời sống kinh tế xã hội của người dân trở lại trạng thái bình thường mới. Không để tình trạng cục bộ cát cứ trong việc ban hành và thực hiện các giải pháp trên mức cần thiết gây ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh của danh nghiệp (DN) và đời sống người dân.
Từ góc độ thực tế và đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp tư nhân, bà Phạm Thị Ngọc Thủy - Giám đốc Văn phòng Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV), thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ cho biết, trước khi Nghị quyết 128 được ban hành, DN liên tục kêu khó khăn về giao thương hàng hóa với việc mỗi nơi một quy định gây khó cho vận hành sản xuất kinh doanh.
"Sau khi Nghị quyết 128 đi vào thực tiễn được hơn 1 tháng, qua trao đổi nắm bắt ý kiến của DN sau các cuộc họp giao ban định kỳ, một ở thời điểm này, tôi nhận thấy bức tranh doanh nghiệp với những mảng màu sáng qua từng ngày - từng tuần", bà Thủy đánh giá.

Bà Phạm Thị Ngọc Thủy - Giám đốc Văn phòng Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV).
Đó là 99% DN gỗ trong Hiệp hội Doanh nghiệp gỗ đã quay trở lại hoạt động sản xuất với 70 - 75% lao động được thu hút trở lại và đạt được 70 - 80% công suất. Các DN dệt may ở các tỉnh, thành phía Bắc hoạt động tương đối đều đặn. Trong khi đó, tại phía Nam - nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trong đợt dịch bùng phát lần thứ 4 cũng đã quay trở lại hoạt động với 80 - 90%.
Một tín hiệu tích cực tương tự với các DN ngành nhôm khi 100% DN ngành này cũng đã hoạt động trở lại, đặc biệt là các DN sản xuất ở tâm dịch phía Nam trước đó đã phải dừng 2 - 4 tháng hoạt động. Với ngành thép, sau khi giảm sâu về hiệu quả hoạt động trong quý 3 thì nay cũng đã phục hồi và đang bước vào đợt sản xuất cao điểm cuối năm...
Đại diện cho cộng đồng DN nhỏ và vừa, ông Tô Hoài Nam - Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME) cho rằng, Nghị quyết 128 bao hàm nhiều vấn đề nóng, trong đó phần lớn liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh của DN.
"Tín hiệu tích cực đầu tiên có thể nhìn thấy ngay khi Nghị quyết 128 ra đời là phần lớn các địa phương đều đã nhanh chóng mở cửa trở lại để DN phục hồi kinh tế. Khi hoạt động kinh doanh trở lại tất nhiên DN bán được hàng, người lao động có việc làm. Lưu thông hàng hóa được bảo đảm tạo nên không khí "bình thường mới", hoạt động kinh doanh của DN và người lao động được thuận lợi hơn", ông Nam nhìn nhận.
Theo ông Nam, cộng đồng DN cũng nhận thấy trong đợt dịch thứ 4 và khi Chính phủ có Nghị quyết 128, rất nhiều bộ, ngành, địa phương đã có những hành động tích cực cho DN. Từng bộ, với trách nhiệm của mình đã nỗ lực triển khai các hướng dẫn, chỉ đạo điều hành hay thực hiện các hoạt động rà soát, đánh giá.
Vẫn tồn tại tình trạng cát cứ, cục bộ
Tuy nhiên, những ngày gần đây, dịch COVID-19 bùng phát trở lại tại nhiều địa phương và có những diễn biến phức tạp. Theo đó, một số tỉnh, thành buộc phải nâng cấp phòng, chống dịch. Theo Nghị quyết 128 của Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Y tế, nhiều nơi đã có sự đổi màu về cấp độ dịch.
Theo đánh giá của Tổng thư ký VINASME, nếu dịch bệnh bùng phát và diễn biến phức tạp tại một số địa phương, phản ứng của các cấp chính quyền địa phương sẽ không thái quá như trước đây, bởi vì Nghị quyết 128 đã quy định rất rõ về phân loại cấp độ dịch tương ứng với biện pháp thực hiện.
"Vì thế, tôi có thể tự tin khẳng định sẽ hầu như không có phản ứng cực đoan hoặc tự đưa ra những quy định cao hơn của Trung ương như cách chống dịch trước khi có Nghị quyết 128", ông Nam bày tỏ.
Ông Tô Hoài Nam - Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký VINASME.
Song trên thực tế, DN vẫn phản ánh về tình trạng kiểm tra quá mức và gây cản trở trong lưu thông hàng hóa trong thời gian gần đây.
Ông Lê Anh Tuấn - Phó TGĐ Tổng Công ty Thương mại Hà Nội Hapro cho biết, người lao động của DN xuống Nam Định làm thủ tục xuất khẩu một lô hàng quế đã bị yêu cầu cách ly 7 ngày dù đi từ vùng xanh và đã tiêm đủ 2 mũi vaccine phòng COVID-19.
"Điều này gây nhiều bất lợi cho DN. DN cần tháo gỡ vấn đề này và chúng tôi kiến nghị cần đưa ra chính sách chung để áp dụng cho tất cả các địa phương và các vùng. Với các cấp độ dịch khác nhau Chính phủ cần đưa ra những yêu cầu cụ thể để DN di chuyển được từ địa điểm này sang địa điểm khác. Có như vậy DN mới chủ động trong vấn đề đi lại và lưu thông hàng hóa", ông Tuấn đề xuất.
Về vấn đề này, bà Phạm Thị Ngọc Thủy đánh giá, vấn đề lưu thông hàng hóa là lĩnh vực DN đã nhận thấy sự biến chuyển rõ rệt sau khi có Nghị quyết 128 của Chính phủ bởi vì nhiều chốt đã được gỡ bỏ và hiện các tỉnh đã thống nhất khá cao với tư duy kiểm soát theo người chứ không theo hàng hóa.
"Tuy nhiên, hiện tượng cát cứ, cục bộ trong quy định ở từng tỉnh vẫn tồn tại. Quy định về quá trình di chuyển, vận chuyển hàng hóa liên tỉnh tại một số địa phương vẫn chưa thống nhất. Vẫn có tình trạng mỗi tỉnh có một số quy định khác nhau. Do vậy, thực sự đây vẫn là một rào cản không nhỏ đối với DN trong hoạt động phục hồi kinh tế", bà Thủy nêu.
Ghi nhận ý kiến phản ánh từ cộng đồng DN tư nhân, bà Thủy chia sẻ, có DN cho biết các địa phương quá nhiều giấy phép con. Theo đó, từ Kiên Giang qua An Giang qua chốt Tri Tôn không qua được, phải vòng lại Long Xuyên đến 250km để giao hàng. Hoặc DN có phàn nàn việc Bạc Liêu không cho giao hàng trực tiếp, hay Lâm Đồng phải kết nối, tập kết rồi mới vận chuyển hàng gây khó khăn rất nhiều cho DN.
"Chính phủ trao quyền cho các địa phương trong việc quyết định các biện pháp thích ứng. Nhưng việc các địa phương lựa chọn cách thức cụ thể như thế nào lại chưa đồng bộ. Đây là nội dung mà DN còn thấy bất cập và cần phải tháo gỡ", bà Thủy nêu.
Ngoài ra, theo bà Thủy còn một số khó khăn liên quan đến địa phương áp dụng Nghị quyết 128 trong hoạt động kinh tế. DN cho biết, một số chính quyền vẫn quản lý theo tư duy "Zero COVID" nên việc áp dụng các mô hình sản xuất kinh doanh mỗi nơi mỗi kiểu.
"Ví dụ, cách đây khoảng 2 tuần, DN phản ánh rất nhiều việc Tiền Giang vẫn yêu cầu mô hình cứng là 3 tại chỗ hoặc 1 cung đường, 2 điểm đến. Các địa phương khác lại yêu cầu những DN nào đang áp dụng mô hình 3 tại chỗphải xin phép thay đổi người. Thủ tục quy trình xin phép khi thay đổi người không thống nhất và cũng làm phát sinh thủ tục, bà Thủy thông tin.
Về vấn đề sản xuất kinh doanh an toàn, bà Thủy cho biết, Chính phủ đã có những chỉ đạo rất cụ thể về quyền chủ động của doanh nghiệp. Nhưng trên thực tiễn, nếu chính quyền các tỉnh không chủ động trong nội dung này thì DN sẽ rất khó trong thực hiện.
"Trong chỉ đạo của Chính phủ cũng đã có yêu cầu Bộ Y tế sớm có hướng dẫn liên quan việc cho DN tự xét nghiệm COVID-19. Tuy nhiên, trong một văn bản do Bộ Y tế ban hành cách đây gần 1 tháng cũng chỉ nêu một số hoạt động về việc DN tự xét nghiệm chứ chưa có hướng dẫn cụ thể về việc công nhận kết quả xét nghiệm, tự xét nghiệm ra sao", bà Thủy nêu.
Thêm vào đó, DN cũng phản ánh là chưa có bất cứ một hướng dẫn nào để xử trí khi DN có F0. Trong điều kiện hiện nay, phần lớn NLĐ trong DN đã được tiêm 1 - 2 mũi vaccine, DN đã thích ứng phòng bị bằng 5K, test nhanh, chủ động phân chia ca kíp, phân nhóm để hạn chế tối đa rủi ro và nguy cơ lây lan. Chính phủ cũng chỉ đạo khoanh vùng nhỏ nhất để phát hiện dịch và dập dịch.
"Nhưng khi có ca F0 ở DN hoặc thậm chí cạnh DN, DN vẫn buộc phải đóng cửa toàn bộ. Hiện chưa có thống nhất về thời điểm nào, tiêu chí nào để đánh giá cơ hội DN mở cửa trở lại bởi mỗi nơi áp dụng một kiểu, không có hướng dẫn thống nhất. Do đó, đây cũng là câu chuyện gây khó khăn trong vận hành sản xuất kinh doanh", bà Thủy nói.
Cần sớm cụ thể hóa Nghị quyết 128
Theo chia sẻ của bà Thủy, với mong muốn những tồn tại hiện nay sớm được khắc phục triệt để, tạo điều kiện cho doanh nghiệp và quá trình phát triển kinh tế nói chung, theo khảo sát của Ban IV, cộng đồng DN đưa ra rất nhiều kiến nghị. Trong đó, tập trung vào mong muốn các địa phương sớm đồng bộ hóa trong quy định di chuyển, vận chuyển hàng hóa liên tỉnh. DN rất mong Chính phủ rà soát, chỉ đạo địa phương nào vẫn tiếp tục gây ra tình trạng kiểm tra trên mức yêu cầu hoặc tạo ra tình trạng ùn tắc gây lãng phí nguồn lực của DN và xã hội thì cần quy rõ trách nhiệm của những người đứng đầu hoặc bộ phận liên quan để giảm thiểu tối đa tình trạng quy định như vậy.
Một nội dung nữa DN cũng kiến nghị là nhanh chóng đồng bộ hóa sử dụng các app công nghệ trong cấp mã QR code hoặc truy xuất thông tin cá nhân vì hiện trạng nhiều tỉnh còn áp dụng các hệ thống khác nhau làm mất thời gian, công sức, ảnh hưởng đến người dân và DN.

Doanh nghiệp kiến nghị cần nhanh chóng cụ thể hóa Nghị quyết 128.
DN cũng kiến nghị để có thể nhanh chóng phục hồi và đẩy nhanh công suất hoạt động, mong chương trình tiêm vaccine phòng COVID-19 tiếp tục quan tâm đến NLĐ và bố trí tiêm cho NLĐ từ 1 - 2 mũi.
Về vấn đề này, ông Tô Hoài Nam cho hay, tiêm vaccine cho NLĐ là giải pháp trước mắt và cơ quan quản lý Nhà nước có thể gỡ ngay được. Đề nghị chính đáng này của doanh nghiệp và người lao động cần được các cơ quan quản lý các cấp, đặc biệt là chính quyền địa phương lắng nghe và đáp ứng. Chính quyền địa phương nên chỉ đạo bộ phận y tế cơ sở hỗ trợ ngay cho NLĐ chưa được tiêm trong điều kiện địa phương có vaccine.
Về giải pháp trong dài hạn, bà Thủy nhìn nhận, bài toán NLĐ cần quan tâm nhiều hơn nữa, đó là câu chuyện đào tạo lại, tổ chức môi trường sống an toàn để họ vượt qua tâm lý lo lắng vì dịch bệnh.
"Một số địa phương đã có sự chủ động như TP Hồ Chí Minh đã tuyên bố về việc đẩy mạnh nhà ở xã hội. Nhưng đây là bài toán cần được sự quan tâm trên diện rộng, cần được nhiều địa phương trên toàn quốc quan tâm hơn. Muốn thế câu chuyện phối hợp công - tư vẫn là bài toán tôi đã đề nghị nhiều lần. Khi nào Chính phủ và chính quyền các cấp coi DN như chủ thể có quyền và trách nhiệm cụ thể trong phòng chống dịch, thay vì chỉ là đối tượng quản lý, khi đó việc nhận diện, bàn thảo những khó khăn vướng mắc, tìm ra giải pháp vượt qua khó khăn ngay cả khi dịch bùng phát trở lại thì mới hiệu quả hơn", bà Thủy chia sẻ.
Tại cuộc đối thoại giữa DN với chính quyền TP Hà Nội được tổ chức mới đây, ông Lê Vĩnh Sơn- Chủ tịch Hội doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực kiến nghị Thành phố cần nhanh chóng có giải pháp cụ thể hoá Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ; tiếp tục tạo điều kiện cho DN phát triển sản xuất, qua đó giúp DN trên địa bàn Thủ đô phục hồi và bứt tốc.
Theo đánh giá của bà Thủy, đề nghị này của DN là hoàn toàn chính đáng và cũng tương đồng với những ý kiến mà Ban IV đã tiếp nhận từ các hiệp hội DN trên cả nước phản ánh. Nghị quyết 128 có rất nhiều chủ trương mà DN ghi nhận nhưng quá trình triển khai vì hướng dẫn đang còn thiếu thông tin hoặc quá trình thực thi và suy nghĩ ở dưới địa phương khác nhau. Do đó, DN nhắc đi nhắc lại là từ "đồng bộ". Muốn có đồng bộ thì phải có hướng dẫn từ trên xuống. Thậm chí có DN bày tỏ mong muốn trong hướng dẫn của TƯ và địa phương hạn chế những dấu "trong ngoặc kép", bởi vì dấu này được các địa phương diễn giải bằng những cách thức khác nhau, làm khó cả người thực thi cũng như đối tượng là DN và có thể dẫn đến tình trạng lạm dụng.
Nguyệt Minh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm