Hỗ trợ doanh nghiệp

Tận dụng ưu đãi từ CPTPP: Khuyến nghị với doanh nghiệp qua ví dụ "kinh điển" về quy tắc xuất xứ

DNVN - Trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung vẫn đang tiếp tục leo thang, việc tận dụng những ưu đãi thuế quan từ Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) thông qua quy tắc xuất xứ có ý nghĩa sống còn với các doanh nghiệp Việt Nam.

Cơ hội quảng bá sản phẩm của doanh nghiệp Việt Nam sang Philippines / Phê duyệt Danh sách “Doanh nghiệp xuất khẩu uy tín” năm 2018

"Đội lốt" hàng Việt Nam để xuất khẩu sang Mỹ hoặc hưởng ưu đãi CPTPP
Tại Diễn đàn"Thuận lợi và khó khăn đối với Việt Nam khi thực hiện Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ - Trung diễn ra mới đây tại Hà Nội, bà Trịnh Thị Thu Hiền - Trưởng Phòng Xuất xứ hàng hóa - Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) đã có những đánh giá quan trọng về vấn đề chống gian lận xuất xứ đối với hàng hóa "đội lốt" hàng Việt Nam để xuất khẩu sang Mỹ hoặc hưởng ưu đãi từ CPTPP, đồng thời đưa ra một số khuyến nghị cho doanh nghiệp (DN) Việt Nam trước thời cơ và thách thức.
Theo bà Trịnh Thị Thu Hiền, thực tế cho thấy có hiện tượng số hàng hóa đi từ Trung Quốc sang rất nhiều nước trung gian, trong đó có Việt Nam, rồi xuất khẩu sang Hoa Kỳ.
"Với xu hướng này, Bộ Công Thương đã nắm bắt được một số thông tin về những mặt hàng. Chúng tôi có phối hợp chặt chẽ với Tổng cục Hải quan, VCCI, đồng thời cảm ơn cộng đồng DN đã cung cấp thông tin liên quan để chúng tôi có những công văn kịp thời đối với việc đôn đốc VCCI xem xét và kiểm tra kỹ các hồ sơ các mặt hàng XK sang Hoa Kỳ, hoặc công văn với những mặt hàng rất cụ thể như gỗ dán, lốp cao su của ô tô hoặc xe đạp điện... Ngoài ra, những mặt hàng thuộc nhóm 200 tỷ USD mà trước đây Mỹ đang muốn đánh thuế bổ sung lên nhóm này cũng là nhóm hàng cần có sự quan tâm nhất định trong quá trình kiểm tra hồ sơ cấp C/O", bà Hiền cho biết.
Ở chiều ngược lại, hàng hóa từ Hoa Kỳ có thể đi qua một số nước trung gian rồi đi sang Trung Quốc. Bà Hiền lấy dẫn chứng có thật đối với tổ chức cấp C/O của Bộ Công Thương.
"Chúng tôi đã phối hợp rất tốt với hải quan Trung Quốc để làm rõ trường hợp xác minh xuất xứ liên quan đến hạt dẻ cười có xuất xứ thuần túy Việt Nam được nhập khẩu sang Trung Quốc. Ở hồ sơ đề nghị cấp C/O ghi rất rõ mặt hàng hạt dẻ cười được trồng ở Phú Thọ hoặc Bình Thuận. Trong quá trình kiểm tra hồ sơ cũng như xác minh xuất xứ thực tế thì rõ ràng ở Việt Nam không có cây hạt dẻ cười nào trồng ở Phú Thọ hay Bình Thuận, thế nhưng những hạt dẻ cười này vẫn đi từ những nước ấy qua Việt Nam rồi sang Trung Quốc. Rất kịp thời, chúng tôi đã phối hợp với Hải quan Trung Quốc cùng làm rõ liên quan đến mặt hàng mà Trung Quốc đánh thuế bổ sung lên một số hàng hóa cần phải có những biện pháp phù hợp để ngăn chặn tình trạng gian lận xuất xứ trong bối cảnh này", bà Hiền nêu.
Trước tình trạng này, Bộ Công Thương đã chủ động kiểm tra, xác minh xuất xứ hàng hóa; đồng thời đề nghị và đôn đốc các tổ chức ủy quyền có thể làm việc này. Ngoài ra, Bộ Công Thương phối hợp với cơ quan có thẩm quyền của nước NK để giải quyết kịp thời. Bộ Công Thương báo cáo với Chính phủ và phối hợp với các bộ, ngành liên quan.
Liên quan tới việc báo cáo Chính phủ và phối hợp với các bộ, ngành liên quan trong bối cảnh Mỹ - Trung căng thẳng, Trưởng Phòng Xuất nhập khẩu cho rằng, các tổ chức cấp C/O liên quan cần tăng cường kiểm tra giám sát. Ngoài ra, những mặt hàng có nguy cơ cao về gian lận xuất xứ như lốp ô tô, hạt dẻ cười, nhôm, thép... thì cần kiểm tra sát sao hơn trong quá trình cấp giấy chứng nhận xuất xứ cho những mặt hàng này.
Bà Trịnh Thị Thu Hiền - Trưởng Phòng Xuất xứ hàng hóa (Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương)

Bà Trịnh Thị Thu Hiền - Trưởng Phòng Xuất xứ hàng hóa (Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương)

Trong năm 2018, Bộ Công Thương đã phối hợp với Hải quan Đức, Văn phòng chống lậu của EU, hải quan Hàn Quốc cũng như hải quan một số nước khác làm rất mạnh trong việc xác minh xuất xứ hàng hóa, và nhất quyết những mặt hàng không đáp ứng được yêu cầu về xuất xứ hàng hóa của Việt Nam thì cần có những phối hợp rõ ràng để đảm bảo những mặt hàng đó không được cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa và không làm ảnh hưởng đến DN làm ăn chân chính.
"Chúng tôi đã phối hợp với các cơ quan liên quan kiểm tra những mặt hàng xuất khẩu tăng đột biến hoặc những mặt hàng đang bị áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại trong bối cảnh căng thẳng Mỹ - Trung thì những mặt hàng này đang được lưu ý hơn", bà Hiền nhấn mạnh.
3 cấp độ của quy tắc xuất xứ: DN cần nghiên cứu sâu cấp độ nào?
Trình bày chi tiết về quy tắc xuất xứ, bà Hiền cho rằng có 3 cấp độ về quy tắc xuất xứ. Cấp độ chủ yếu với các mặt hàng nông sản là xuất xứ thuần túy. Có nghĩa là cây trồng hay vật nuôi. Cây trồng thì được trồng và thu hoạch tại nước thành viên, vật nuôi thì được sinh ra và lớn lên tại nước thành viên. Cấp độ xuất xứ này có thể nhìn thấy rất rõ ràng.
Nhưng cấp độ 2 và 3 là cấp độ xuất xứ mà DN cần nghiên cứu sâu. Cấp độ 2 là hàng hóa có xuất xứ được làm từ nguyên liệu có xuất xứ là gì? Ví dụ ly nước ép chanh leo được làm từ quả chanh leo có xuất xứ Việt Nam thì nước chanh leo này được gọi là có xuất xứ Việt Nam.
Tuy nhiên, xuất xứ cấp độ 3 là cấp độ đang phổ biến nhiều hơn và vụ việc giải quyết xác minh nguồn gốc xuất xứ cũng xảy ra nhiều hơn. Đây là hàng hóa có xuất xứ được làm từ nguyên liệu không có xuất xứ.
Với cấp độ này, bà Hiền lấy 1 ví dụ "kinh điển". Sô-cô-la của Thụy Sỹ và Bỉ - hai nước nổi tiếng về sản phẩm này. Bỉ và Thụy Sĩ làm Sô-cô-la tại nước của họ nhưng không ai nhìn thấy cây ca cao nào trên đất Bỉ hay Thụy Sỹ cả. Toàn bộ nguyên liệu ca cao này được nhập khẩu từ châu Phi. Nguyên liệu của Châu Phi nhưng sô cô la lại là của Thụy Sỹ và Bỉ. Bởi vì tại hai nước này đã thực hiện công đoạn gia công chế biến đủ để biến đổi bản chất về hàng hóa từ loại quả, hạt thành bánh kẹo thì nơi nào gia công chế biến ra hàng hóa biến đổi bản chất như vậy thì được gọi là nơi xuất xứ của hàng hóa đó. Hiện có nhiều mặt hàng được gia công chế biến và đáp ứng được quy tắc xuất xứ theo cấp độ 3 này.
Khuyến nghị với doanh nghiệp
Bà Hiền cho rằng, không phải đến bây giờ Việt Nam mới có hiệp định thương mại tự do với các đối tác đã có như Nhật Bản, một số nước ASEAN, Úc, Niu-di-lân. Với những nước là đối tác sẵn có, nếu như hiệp định sẵn có của chúng ta với những quốc gia đấy mà chúng ta vẫn được hưởng ưu đãi thuế quan tốt, giấy chứng nhận xuất xứ vẫn đảm bảo đáp ứng quy tắc xuất xứ để được hưởng ưu đãi và có được giấy này thì DN không việc gì phải chuyển ngay sang C/O CPTPP.
Bà Trịnh Thị Thu Hiền (thứ nhất từ trái sang) trong phiên thảo luận bàn tròn cùng các khách mời của Diễn đàn "Thuận lợi và khó khăn đối với Việt Nam khi thực hiện CPTPP trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ - Trung

Bà Trịnh Thị Thu Hiền (thứ nhất từ trái sang) trong phiên thảo luận bàn tròn cùng các khách mời của Diễn đàn "Thuận lợi và khó khăn đối với Việt Nam khi thực hiện CPTPP trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ - Trung

Về quy tắc xuất xứ, nếu giả sử như lộ trình giảm thuế hoặc thuế quan ở nước nhập kia, đối tác của chúng ta đang bằng nhau, bà Hiền khuyên DN nên so sánh xem nếu các quy tắc xuất xứ tại các FTA hiện có mà vẫn đang làm được thì DN vẫn tiếp tục. Trừ khi quy tắc xuất xứ của CPTPP dễ thở hơn và DN dễ đáp ứng hơn, hàng hóa dễ đáp ứng hơn thì DN mới cần chuyển sang.
Với hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu sang CPTPP trước ngày 08/3 thì sao? Theo bà Hiền, đây là điều cần lưu ý với DN.
Hiệp định CPTPP có hiệu lực với Việt Nam từ ngày 04/01, đến ngày 22/01, tức là sau 8 ngày, Bộ Công Thương đã ban hành thông tư hướng dẫn về quy tắc xuất xứ, đó là Thông tư 03/2019/TT-BCT. Ngày 08/3, lô hàng đầu tiên Việt Nam cấp sang các nước CTPPP mới được cấp C/O. Vậy những lô hàng trước đấy đã được XK từ 14/01 đến ngày 08/3 thì sao? Trong Thông tư 03/2019/TT-BCT đã có sẵn điều khoản liên quan đến việc xem xét cấp hồi tố cấp C/O cấp sau đối với những lô hàng cấp trước ngày này và sau đấy khi xuất sang nước đối tác CPTPP thì cơ quan hải quan nước đối tác xem xét cho hưởng ưu đãi theo quy định của Hiệp định và theo quy định về thuế nhập khẩu.
"Trong trường hợp DN có vướng mắc với lô hàng tại nước NK thì ngay lập tức thông báo với tổ chức cấp C/O và đồng thời thông báo với Cục XNK, chúng tôi có thông tin trao đổi với đầu mối các nước để làm sao có hướng giải pháp phù hợp có lợi nhất với DN Việt Nam", bà Hiền chia sẻ.
Cuối cùng, theo bà Hiền, DN cần thận trọng trong việc lưu trữ hồ sơ, không chỉ hồ sơ bản cứng mà cả hồ sơ bản mềm. Bà lấy ví dụ có thật về một công ty nhôm ở Bắc Ninh.
"Khi cơ quan hải quan Hàn Quốc sang kiểm tra thì DN này không thể nào chứng minh được hàng hóa đáp ứng được quy tắc xuất xứ. Bởi vì, trước đấy vài ba năm công ty đã bị cháy toàn bộ nhà xưởng, toàn bộ máy móc. Công ty nhôm đã rất cẩn thận là lưu bản cứng và bản mềm hồ sơ chứng minh xuất xứ hàng hóa. Tuy nhiên, bản mềm hồ sơ được lưu trong máy tính mà máy tính bị cháy cách đây mấy năm nên khi cơ quan Hải quan Hàn Quốc sang kiểm tra xác minh xuất xứ thì cơ quan này không có khả năng chứng minh hàng hóa đáp ứng được yêu cầu xuất xứ.
Tuy nhiên, trong trường hợp này, khi đám cháy được chứng minh là bất khả kháng thì lúc đấy hải quan Hàn Quốc không còn cách nào khác là tiếp tục cho hàng hóa Việt Nam được hưởng ưu đãi thuế quan bởi vì việc cháy là sự việc không ai mong muốn xảy ra", bà Hiền cho biết.
Với ví dụ có thật này, bà Hiền không muốn chia sẻ cách để DN có thể "thoát" việc chứng minh xuất xứ hàng hóa mà muốn khuyến nghị DN là ngoài việc lưu bản cứng, bản mềm, giờ DN có thể áp dụng công nghệ đám mây. DN cần phải cẩn thận để nếu sau này khi không chứng minh được là bất khả kháng thì DN còn hồ sơ ở "đám mây" để có đảm bảo hàng hóa đạt yêu cầu về quy tắc xuất xứ và được hưởng ưu đãi thuế quan.
Minh Thu
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm