VASEP kiến nghị xem xét ngưỡng kháng sinh cho phép trong thuỷ sản tiêu thụ nội địa
DNVN - Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) vừa gửi công văn tới Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đề nghị xem xét ngưỡng kháng sinh cho phép trong thuỷ sản tiêu thụ nội địa.
VASEP kiến nghị một loạt giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp thủy sản "sống chung với đại dịch" / VASEP: Nhiều doanh nghiệp thủy sản kiệt quệ, khó có khả năng phục hồi
Nguồn tin từ VASEP cho biết, thực hiện Chỉ thị 28/CT-TTg ngày 26/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trong tình hình mới, các doanh nghiệp thủy sản đã đẩy mạnh hoạt động tiêu thụ hàng thủy sản tại thị trường nội địa thời gian qua. Đặc biệt, trong bối cảnh xuất khẩu gặp nhiều khó khăn do COVID -19 và hiện là thời điểm các siêu thị, cửa hàng bán lẻ tích cực nhập hàng để phục vụ tiêu dùng của người dân dịp cuối năm, nhu cầu tiêu thụ hàng thủy sản tại thị trường nội địa càng được tăng cao, tạo động lực thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp thủy sản.
Tuy nhiên, một số mặt hàng thủy sản đang gặp khó khăn do không đưa được vào các siêu thị tại thị trường nội địa với lý do có sự hiện diện của dư lượng Enrofloxacin và Ciprofloxacin (là hai kháng sinh bị cấm sử dụng trong thủy sản) mặc dù mức dư lượng của cả hai kháng sinh này trong các lô sản phẩm thủy sản có mức phát hiện rất thấp.
Một số mặt hàng thủy sản không đưa được vào các siêu thị vì dư lượng Enrofloxacin và Ciprofloxacin.
Đối với mặt hàng thủy sản tiêu thụ nội địa, Thông tư 28/2019/TT-BNNPTNT ngày 31/12/2019, quy định về yêu cầu kỹ thuật kiểm nghiệm hóa chất, kháng sinh cấm trong thực phẩm thủy sản (điều 6) đã cho phép sản phẩm thủy sản “được phép lưu thông, tiêu thụ” nếu các sản phẩm có kết quả phân tích nhỏ hơn ngưỡng MRPL (giới hạn hiệu năng phân tích tối thiểu) đối với các chỉ tiêu kháng sinh cấm sử dụng.
Tuy nhiên, theo VASEP, Thông tư 28/2019/TT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chưa ban hành mức MRPL của 2 kháng sinh kể trên trong sản phẩm thủy sản, nên các lô hàng thủy sản có sự hiện diện của dư lượng hai kháng sinh nói trên dù mức dư lượng rất nhỏ nhưng vẫn bị các siêu thị, chuỗi cửa hàng bán lẻ từ chối.
Cũng theo VASEP, thực tế tại Quyết định 1471/QĐ-BNN-QLCL ngày 20/6/2012 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sửa đổi danh mục chỉ tiêu hóa học chỉ định kiểm nghiệm đối với lô hàng thủy sản xuất khẩu kèm theo Quyết định 2864/QĐ-BNN-QLCL ngày 14/11/2011 đã ban hành mức MRPL đối với Enrofloxacin là 10 µg/kg.
Để đồng bộ hóa hệ thống các văn bản pháp quy về mức MRPL trong sản phẩm thủy sản, đồng thời tạo điều kiện cho việc lưu thông, tiêu thụ sản phẩm thủy sản tại thị trường nội địa, góp phần thúc đẩy chủ trương “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, Hiệp hội VASEP đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét bổ sung quy định về ngưỡng MRPL đối với Enrofloxacin và Ciprofloxacin trong Thông tư 28/2019/TT-BNNPTNT ở mức 10 µg/kg, hỗ trợ các doanh nghiệp thuỷ sản mở rộng thị phần tại thị trường nội địa.
Hà Anh
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo