Vĩnh Long: Cải thiện môi trường đầu tư để thu hút doanh nghiệp
Bình Định: Hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh phân phối sản phẩm qua thương mại điện tử / Vĩnh Long: Nhiều chính sách thúc đẩy doanh nghiệp phát triển
Theo UBND tỉnh, nguyên nhân dẫn đến sự sụt giảm chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) của tỉnh trong năm 2021 so với năm 2020 là do còn những hạn chế, có mặt chưa tốt về chất lượng công tác điều hành kinh tế và môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh, thể hiện rõ nhất là ở các lĩnh vực có chỉ số thành phần giảm điểm số hoặc giảm thứ hạng.
Do đó, cần có sự nỗ lực, quyết tâm, quyết liệt hơn của chính quyền các cấp, các sở ngành và các đơn vị có liên quan nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp, thu hút nhiều nhà đầu tư đến Vĩnh Long, đồng thời, cần phải có giải pháp hiệu quả khắc phục những hạn chế, yếu kém để cải thiện điểm số và thứ hạng đối với chỉ số năng lực cạnh tranh trong thời gian tới.
Trong Chỉ thị số 13/CT-UBND của UBND tỉnh vừa ban hành vào ngày 1/7 đã nêu rõ, để nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh, tỉnh này sẽ tập trung thực hiện nhiều nhóm giải pháp, đó là:
Tăng cường trách nhiệm, tính chủ động của các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã và thành phố: Lãnh đạo các Sở, ban, ngành và địa phương phải chủ động giải quyết theo thẩm quyền, xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu trong tổ chức triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách của nhà nước; phát huy tính năng động, sáng tạo, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp (DN); chủ động phối hợp, kịp thời giải quyết những kiến nghị đề xuất của DN, nhà đầu tư, đất đai, xây dựng, thuế theo đúng quy trình, quy định thời gian đã công bố. Tránh tình trạng xử lý công việc chồng chéo, tồn đọng hồ sơ làm phiền hà cho DN; bảo đảm bình đẳng, công bằng giữa các DN thuộc các thành phần kinh tế trong tiếp cận thụ hưởng các chính sách ưu đãi hỗ trợ đầu tư, tiếp cận tín dụng, tiếp cận đất đai; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi nhũng nhiễu, gây khó khăn, bức xúc cho DN.
Tại các cuộc gặp gỡ, đối thoại, các DN đã kiến nghị, đề xuất nhiều vấn đề liên quan đến công tác giải quyết thủ tục hành chính, tiếp cận nguồn vốn, cải thiện môi trường kinh doanh.
Đẩy mạnh cải cách hành chính, rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động đầu tư, kinh doanh của DN; đảm bảo cung cấp thông tin kịp thời, chính xác; niêm yết công khai, minh bạch tại trụ sở cơ quan, đơn vị các chủ trương, chính sách mới ban hành, đặc biệt là chính sách thu hút đầu tư, các thủ tục hành chính, các thông tin về quy hoạch, kế hoạch, dự án đăng công khai trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh nhằm tạo điều kiện cho các DN tiếp cận, nắm bắt kịp thời thông tin cần thiết liên quan đến lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, tiếp cận cơ hội đầu tư; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ thông tin trong việc hiện đại hóa nền hành chính của tỉnh, triển khai thực hiện các đề án, dự án, quy trình, quy định trong lĩnh vực đăng ký kinh doanh thuế, xây dựng, đất đai, tư pháp, quản lý DN.
Nhóm giải pháp tiếp theo được tỉnh xác định là nâng cao hiệu lực hiệu quả công tác quản lý nhà nước trong giải quyết khó khăn, hỗ trợ, phát triển DN: các Sở, ngành, UBND các địa phương phối hợp chặt chẽ để rà soát, nắm tình hình thực hiện các dự án của các doanh nghiệp, giải quyết dứt điểm các vướng mắc, kiến nghị của doanh nghiệp, tham mưu giải quyết triển khai có hiệu quả các chính sách của tỉnh đảm bảo bám sát nhu cầu và phù hợp với thực tiễn của DN; Sở Kế hoạch và Đầu tư rút ngắn thời gian giải quyết cho các DN về thủ tục đăng ký, thay đổi nội dụng đăng ký DN… phối hợp với địa phương thực hiện tốt quy chế trong quản lý nhà nước đối với DN sau đăng ký thành lập trên địa bàn.
Tăng cường tính minh bạch, giảm chi phí không chính thức, tạo cạnh tranh bình đẳng cho các DN: các Sở, ngành và địa phương tiếp tục thực hiện việc công khai minh bạch, khẩn trương hoàn thiện cơ sở dữ liệu đất đại trên địa bàn toàn tỉnh để tạo điều kiện thuận lợi cho DN tiếp cận đất đai. Công khai các tài liệu hướng dẫn, giải thích cho DN nắm điểm chưa rõ, còn khó hiểu trong quy định về thủ tục hành chính
Tăng cường gặp gỡ, đối thoại, giải quyết khó khăn, vướng mắc của các DN theo thẩm quyền, không đùn đẩy, né tránh trách nhiệm.
DN trên địa bàn đẩy mạnh phục hồi phát triển sản xuất kinh doanh sau 2 năm ảnh hưởng dịch COVID-19.
Hỗ trợ DN và khuyến khích DN khởi nghiệp sáng tạo: Lãnh đạo các Sở ngành; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung triển khai thực hiện nghiêm túc các Nghị quyết của Chính phủ, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ; Kế hoạch, Chương trình hành động của UBND tỉnh về các chính sách hỗ trợ DN vừa và nhỏ nhằm giúp DN tiếp cận các nguồn lực, góp phần giảm chi phí sản xuất kinh doanh; rà soát cơ cấu lại chương trình khoa học, công nghệ của tỉnh theo hướng xem DN là trung tâm của hệ thống đổi mới sáng tạo, tập trung giải quyết các vấn đề nâng cao năng lực của các thành phần kinh tế, đặc biệt là với DN nhỏ và vừa, hợp tác xã, hộ kinh doanh trên địa bàn; khuyến khích các cơ sở giáo dục dạy nghề tăng cường tổ chức các hoạt động sáng tạo, trải nghiệm khoa học, tạo môi trường thuận lợi để hỗ trợ học sinh, sinh viên hình thành và thực hiện ý tưởng các dự án khởi nghiệp …
“Thủ trưởng các Sở, ban, ngành và Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố xem việc cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh là nhiệm vụ trọng tâm ưu tiên, trực tiếp chỉ đạo và chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh kết quả cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh trên địa bàn, lĩnh vực quản lý", Chỉ thị nhấn mạnh.
End of content
Không có tin nào tiếp theo