Hỗ trợ doanh nghiệp

Xuất khẩu thuốc, mỹ phẩm chưa đáp ứng kỳ vọng

DNVN – Việt Nam là nước có nguồn tài nguyên dược liệu phong phú, thuận lợi để phát triển các sản phẩm thuốc, mỹ phẩm xuất khẩu. Tuy nhiên trong thời gian qua, kim ngạch xuất khẩu chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh.

3 dòng sản phẩm của Sao Thái Dương đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam năm 2022 / Doanh nghiệp Mông Cổ mong muốn hợp tác với Sao Thái Dương trong nhiều lĩnh vực

Như Doanh nghiệp Việt Nam đã đưa tin, ngày 11/3, tại TP Đà Lạt (Lâm Đồng), Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) đã tổ chức Diễn đàn thúc đẩy hoạt động xuất khẩu thuốc, mỹ phẩm, thu hút hơn 20 doanh nghiệp dược, mỹ phẩm xuất khẩu hàng đầu Việt Nam tham dự. Tại Diễn đàn, các đại biểu đã chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn và thảo luận các vấn đề liên quan đến quá trình triển khai hoạt động xuất khẩu thuốc, mỹ phẩm.

PGS-TS. Lê Việt Dũng – Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược, chia sẻ về thực trạng và giải pháp xuất khẩu dược phẩm.

PGS-TS. Lê Việt Dũng – Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược chia sẻ về thực trạng và giải pháp xuất khẩu dược phẩm.

Theo PGS-TS. Lê Việt Dũng – Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược, hiện nay, ngành công nghiệp sản xuất dược phẩm trong nước có quy mô khá lớn với 230 nhà máy đạt tiêu chuẩn GMP (khoảng 20 nhà máy đạt EU-GMP) của khoảng 180 doanh nghiệp. Các doanh nghiệp đã tham gia toàn diện trong chuỗi cung ứng trong nước và bước đầu tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Hiện nay, các quy định về dược đã bảo đảm thông thoáng để tạo thuận lợi để các cơ sở đầu tư sản xuất thuốc xuất khẩu. Đối với thuốc không thuộc danh mục kiểm soát đặc biệt được xuất khẩu không yêu cầu giấy phép xuất khẩu bao gồm cả thuốc chưa có giấy đăng ký lưu hành tại Việt Nam.

Trị giá xuất khẩu trong 10 năm vừa qua có sự tăng trưởng ổn định, nhưng trong những năm gần đây tốc độ tăng trưởng không cao. Kim ngạch xuất khẩu dược phẩm năm 2022 của Việt Nam đạt khoảng 216 triệu USD và không có “thương hiệu thuốc Việt” trên thị trường thế giới.

Thị trường xuất khẩu chủ yếu vẫn tại các nước châu Á, trong đó có 2/3 số lượng doanh nghiệp có xuất khẩu sang các nước Đông Nam Á. Trong thời gian vừa qua, có 1 số doanh nghiệp đã xuất khẩu đến được thị trường Trung Á (Uzbekistan, Tazikistan…) và 1 số thị trường lâu nay vẫn xuất khẩu thuốc sang Việt Nam như Pakistan, Bangladesh. Thị trường châu Âu, Mỹ, Nhật chủ yếu là các đối tác của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Các thị trường tiềm năng là châu Phi và Nam Mỹ chưa được phát triển.

 

Cũng theo ông Lê Việt Dũng, Việt Nam có thế mạnh từ nguồn tài nguyên trong nước đối với các sản phẩm từ dược liệu hoặc sản phẩm quốc gia là vắc xin nhưng chưa tận dụng, phát huy được lợi thế về chất lượng và các chính sách ưu đãi của Nhà nước.

Nguyên nhân khách quan là do thương mại toàn cầu tiềm ẩn nhiều rủi ro, biến động khó lường; chủ nghĩa bảo hộ đang xuất hiện trở lại và thể hiện rõ ràng; cạnh tranh trên thị trường thế giới ngày càng trở nên gay gắt.

Nguyên nhân chủ quan là do doanh nghiệp dược Việt Nam còn tập trung ở thị trường trong nước. Các doanh nghiệp có đủ năng lực sản xuất nhưng chưa tự tin trong việc phát triển ra thị trường nước ngoài. Bên cạnh đó doanh nghiệp còn thiếu thông tin về thị trường, hàng rào kỹ thuật, về các hiệp định thương mại tự do, chưa có sự chia sẻ thông tin giữa các nhà xuất khẩu…

“Nguyên nhân quan trọng nữa là việc triển khai nghiên cứu và phát triển (R&D) trong ngành dược chưa quyết liệt và có chiều sâu. Sản xuất thuốc dược liệu chưa có hàm lượng kỹ thuật cao; chưa tự chủ được nguyên liệu sản xuất thuốc; thiếu lực lượng lao động có tay nghề và trình độ ngoại ngữ”, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược phân tích.

TS. Chu Quốc Thịnh – Trưởng Phòng Quản lý mỹ phẩm, chia sẻ về thực trạng sản xuất và xuất khẩu mỹ phẩm.

TS. Chu Quốc Thịnh – Trưởng Phòng Quản lý mỹ phẩm, chia sẻ về thực trạng sản xuất và xuất khẩu mỹ phẩm.

 

Về thực trạng sản xuất và xuất khẩu mỹ phẩm, TS. Chu Quốc Thịnh – Trưởng Phòng Quản lý mỹ phẩm (Cục Quản lý Dược), cho biết, quy mô thị trường mỹ phẩm Việt Nam có xu hướng phát triển, với tốc độ tăng trưởng trung bình là 6%/năm, từ 2 tỉ USD năm 2016 lên đến gần 2,7 tỉ USD năm 2021 và dự đoán đến năm 2026, tổng doanh thu ngành hàng mỹ phẩm lên tới 3,5 tỉ USD.

Giai đoạn 2020 đến đầu 2022, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, ngành mỹ phẩm phải đối mặt với tác động của một số gián đoạn đối với chuỗi cung ứng và áp lực lạm phát. Trong khi trị giá nhập khẩu mỹ phẩm ngày càng tăng với tốc độ tăng trưởng trung bình 11% thì trị giá xuất khẩu những năm gần đây lại có xu hướng giảm.

Cũng theo TS. Chu Quốc Thịnh, những thuận lợi của việc phát triển sản xuất mỹ phẩm trong nước để hướng tới xuất khẩu, đó là phù hợp với chủ trương của cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. ASEAN là thị trường đích mà mỹ phẩm xuất khẩu cần hướng tới. Các sản phẩm mỹ phẩm xuất khẩu rất đa dạng về dạng sản phẩm.

Việt Nam là nước có nguồn dược liệu phong phú, thuận lợi để phát triển các sản phẩm mỹ phẩm có nguồn gốc từ thiên nhiên, phù hợp với xu hướng tiêu thụ mỹ phẩm sử dụng các thành phần tự nhiên và hữu cơ tốt cho sức khỏe và môi trường, sau đại dịch COVID-19.

 

Việc chuyển đổi từ các kênh bán lẻ truyền thống sang thương mại điện tử trong lĩnh vực mỹ phẩm trong và sau đại dịch COVID-19 đã thúc đẩy hoạt động xuất khẩu mỹ phẩm xuyên quốc gia và đi đúng kế hoạch phát triển thương mại điện tử quốc gia. Đồng thời, việc áp thuế suất thấp hoặc bằng 0% đối với hàng Việt Nam như thỏa thuận trong tổng số 17 FTA Việt Nam đã và đang đàm phán ký kết, thực thi là động lực thúc đẩy hoạt động xuất khẩu của doanh nghiệp.

“Tuy nhiên, doanh nghiệp sản xuất mỹ phẩm tại Việt Nam là doanh nghiệp vừa và nhỏ do đó việc triển khai áp dụng nguyên tắc, tiêu chuẩn của “Thực hành tốt sản xuất mỹ phẩm” (CGMP - ASEAN) vẫn còn nhiều trở ngại. Bên cạnh đó, doanh nghiệp vẫn thiếu thông tin về thị trường các nước. Nhiều doanh nghiệp chưa kịp thích nghi với hình thức kinh doanh qua nền tảng thương mại điện tử”, TS. Chu Quốc Thịnh đánh giá.

Đại diện Công ty Cổ phần Sao Thái Dương thảo luận với đại diện Cục Xúc tiến thương mại bên lề diễn đàn.

Đại diện Công ty Cổ phần Sao Thái Dương (bìa trái) thảo luận với đại diện Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) bên lề diễn đàn.

Theo ông Vũ Tuấn Cường – Cục trưởng Cục Quản lý Dược, trước thực trạng đó, Cục phối hợp với Cục Xúc tiến thương mại, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương); Vụ tổng hợp kinh tế (Bộ Ngoại giao); các Hiệp hội và doanh nghiệp tổ chức Diễn đàn thúc đẩy hoạt động xuất khẩu thuốc, mỹ phẩm.

 

“Đây là diễn đàn để cơ quan quản lý nhà nước cung cấp đến doanh nghiệp những đánh giá tổng quan về tình hình xuất khẩu thuốc, mỹ phẩm. Đồng thời lắng nghe doanh nghiệp chia sẻ những kinh nghiệm thực tiễn và thảo luận, hiến kế để thúc đẩy hoạt động xuất khẩu thuốc, mỹ phẩm”, Cục trưởng Cục Quản lý Dược Vũ Tuấn Cường kỳ vọng.

Viên Hữu
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm