Khám phá

“Lựa chọn khó khăn” của Hải quân Mỹ

Hải quân Mỹ có kế hoạch tăng chi tiêu trong tài khóa 2022, song điều đáng chú ý là lực lượng này lại cắt giảm mạnh ngân sách mua tàu chiến và máy bay chiến đấu mới.

F-35B trở thành tiêm kích hạm ‘xương sống’ của hải quân Anh / Năng lực hải quân Đông Nam Á: Tàu ngầm Kilo đưa Việt Nam vươn lên top đầu

“Bỏ lỡ” mục tiêu

Theo USNI News, Bộ Hải quân Mỹ đã trình đề xuất lên Quốc hội nước này về khoản ngân sách có tổng trị giá 211,7 tỷ USD cho tài khóa 2022, tăng 3,8 tỷ USD so với con số 207,9 tỷ USD mà cơ quan này nhận được trong tài khóa 2021. Tờ Business Insider cho biết, khoản ngân sách đề xuất lần này “chú trọng nhiều vào khả năng sẵn sàng chiến đấu hơn là phát triển hạm đội”.

Theo đó, trong tài khóa 2022, Hải quân Mỹ dự kiến sẽ dành 22,6 tỷ USD cho việc mua tàu mới, giảm 700 triệu USD so với tài khóa 2021. Trong số 8 tàu mua mới sẽ chỉ có 4 chiếc là tàu chiến: 2 tàu ngầm tấn công nhanh lớp Virginia Block V, 1 khu trục hạm mang tên lửa dẫn đường lớp Arleigh Burke, 1 khinh hạm mang tên lửa dẫn đường lớp Constellation và một tàu chiến lớp mới. Trong đề xuất ngân sách của mình, không chỉ mua thêm ít tàu chiến mới, Hải quân Mỹ còn có kế hoạch “cho về vườn” 15 tàu, trong số này có 4 tàu tác chiến ven bờ, 2 tàu ngầm và 7 tàu tuần dương. Đến cuối tài khóa 2022, Hải quân Mỹ dự kiến sở hữu tổng cộng 296 tàu.

USS William P.Lawrence - khu trục hạm mang tên lửa dẫn đường lớp Arleigh Burke của Hải quân Mỹ. Ảnh: Business Insider .

Tờ Business Insider dẫn lời Chuẩn đô đốc John Gumbleton, Phó trợ lý Bộ trưởng Hải quân Mỹ phụ trách vấn đề ngân sách nêu rõ Hải quân nước này đã phải đưa ra “lựa chọn khó khăn”. Theo ông, “lựa chọn khó khăn” là việc “Hải quân Mỹ đã chọn lấy chi phí của một tàu khu trục để đầu tư cho sự kết hợp giữa khả năng sẵn sàng chiến đấu, hiện đại hóa và năng lực cho tương lai”.

Tờ Asia Times cho biết, trong kế hoạch mua sắm gần đây nhất được Lầu Năm Góc công bố vào cuối năm ngoái, dự kiến Hải quân Mỹ sẽ sở hữu 316 tàu vào năm 2026, 355 chiếc vào đầu những năm 2030 và 400 chiếc vào đầu những năm 2040. Chính vì vậy, nếu Hải quân Mỹ tiếp tục xu hướng chỉ mua thêm 8 tàu mỗi năm, theo Chuẩn đô đốc John Gumbleton, lực lượng này sẽ “bỏ lỡ” mục tiêu sở hữu 355 tàu vào đầu những năm 2030. “Năm ngoái, chúng tôi đề xuất mua thêm 8 tàu và năm nay cũng vậy. Câu chuyện ở đây xoay quanh việc không để có một lực lượng rỗng tuếch mà phải bảo đảm rằng chúng tôi trong trạng thái sẵn sàng hôm nay, hiện đại hóa vì ngày mai và đầu tư vì tương lai. Với nguồn ngân sách như vậy thì đây là một sự kết hợp đúng đắn”, Defense News dẫn lời Chuẩn đô đốc John Gumbleton.

Không chỉ giảm ngân sách mua tàu, Hải quân Mỹ cũng có kế hoạch tương tự với các máy bay chiến đấu. Theo đó, trong tài khóa 2022, ngân sách mua máy bay chiến đấu của Hải quân Mỹ dự kiến là 16,5 tỷ USD, giảm so với con số 19,5 tỷ USD trong tài khóa 2021. Theo USNI News, Hải quân Mỹ giải thích rằng, sự sụt giảm này là do không mua thêm máy bay tiêm kích F/A-18 Super Hornet, máy bay tuần tra P-8A Poseidon, trực thăng VH-92A và máy bay “ngày tận thế” E-6B Mercury. Được biết Hải quân Mỹ đã đề xuất mua thêm 107 máy bay chiến đấu, ít hơn 37 chiếc so với đề xuất hồi năm ngoái.

Cùng với đó, Hải quân Mỹ sẽ cắt giảm 300 triệu USD ngân sách mua sắm vũ khí so với kế hoạch ban đầu, xuống còn 4,2 tỷ USD. “Nhìn chung, tổng ngân sách mua sắm trong tài khóa 2022 dự kiến giảm 5,7% do Hải quân Mỹ phân bổ lại ngân sách cho các chiến dịch và bảo dưỡng, nguồn nhân lực, nghiên cứu và phát triển, cùng với cơ sở hạ tầng. Một vài trong số các lĩnh vực đầu tư nói trên, đặc biệt là bảo dưỡng, lâu nay đã gây bất lợi cho khả năng sẵn sàng chiến đấu của Hải quân Mỹ và rất cần bổ sung tài chính”, tờ Business Insider nhấn mạnh.

Trở ngại nghiêm trọng

 

Như đã đề cập ở trên, năng lực bảo dưỡng sẽ là một trong những lĩnh vực mà Hải quân Mỹ có kế hoạch ưu tiên đầu tư trong tài khóa 2022. Điều đó cũng là dễ hiểu trong bối cảnh năng lực bảo dưỡng vũ khí, trang bị kỹ thuật của Hải quân Mỹ bị đánh giá là “gặp nhiều vấn đề trong những năm qua, là trở ngại nghiêm trọng đối với khả năng sẵn sàng chiến đấu”.

Trong một báo cáo mới nhất, Văn phòng Kiểm toán Liên bang Mỹ (GAO)-một cơ quan giám sát của Quốc hội Mỹ cho rằng Hải quân nước này “chưa sẵn sàng tiến hành sửa chữa những tàu chiến bị hư hại trong trường hợp xảy ra giao tranh với các cường quốc”. Nhấn mạnh năng lực bảo dưỡng tàu chiến đóng vai trò quan trọng trong duy trì khả năng sẵn sàng chiến đấu của Hải quân Mỹ, GAO khẳng định năng lực quan trọng này hiện “không hiện diện ở nơi cần thiết, nhất là liên quan tới việc sửa chữa tàu bị hư hại khi chiến đấu và đưa chúng quay trở lại chiến trường”.

Theo GAO, tùy vào bản chất của một cuộc xung đột, Hải quân Mỹ không phải lúc nào cũng có thể trông chờ vào các tàu bổ sung để thay thế những tàu bị hư hại. Điều này cho thấy, việc nâng cao năng lực bảo dưỡng ngày càng trở nên quan trọng. Giới chức Hải quân Mỹ nói với GAO rằng, lực lượng này “có thể xử lý một vụ hư hại đơn lẻ trong giao tranh” nhưng họ lại “không chắc chắn làm sao xử lý nhiều vụ hư hại xảy ra cùng lúc hay gần như cùng lúc”.

Tờ Business Insider cho biết, trong những năm gần đây, Hải quân Mỹ đã phải hứng chịu một số “tình huống sửa chữa lớn bất ngờ” mà trong đó tàu chiến bị hư hại nghiêm trọng. Ví dụ như vào năm 2017, hai khu trục hạm USS Fitzgerald và USS John S.McCain đã bị hư hại trong các vụ va chạm. Công việc sửa chữa hai tàu này đã mất tới vài năm và tốn hàng trăm triệu USD. Năm ngoái, tàu tấn công đổ bộ USS Bonhomme Richard cũng bị hư hại do hỏa hoạn, nhưng thay vì sửa chữa, Hải quân Mỹ lại quyết định “khai tử” tàu USS Bonhomme Richard và bán làm sắt vụn.

Vũ khí - Khí tài
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm