Hỗ trợ doanh nghiệp

Kiến nghị nâng cao năng lực cạnh tranh của Doanh nghiệp Việt Nam

(DNVN) - Tại Diễn đàn Doanh Nghiệp Việt Nam (VBF) giữa kỳ 2015, nhiều đại biểu đại diện cho các Hiệp hội doanh nghiệp quốc tế tại Việt Nam đã đưa ra các kiến nghị nhằm Nâng cao năng lực cạnh tranh của Doanh nghiệp Việt Nam để hội nhập quốc tế.

Tại Diễn đàn, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc, cũng là Chủ tịch Liên minh Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam cho rằng vấn đề lớn nhất của nền kinh tế Việt Nam hiện nay chính là năng lực cạnh tranh của các công ty tư nhân trong nước.

Trên cơ sở đó, Chủ tịch VCCI đã kiến nghị một chương trình hành động tổng thể thúc đẩy phát triển khu vực kinh tế tư nhân trong thời gian tới. Có thể thấy, bao trùm những điểm nổi bật của kiến nghị này chính là việc thực thi nhất quán, đồng bộ và quyết liệt tinh thần cải cách đã được Chính phủ và Thủ tướng xác lập thời gian qua.

Về cải cách thủ tục hành chính, ông Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh vấn đề là cần có sự nỗ lực đồng bộ của tất cả các bộ ngành, từ tư duy, quan điểm đến hành động. Cũng liên quan đến thủ tục hành chính, cộng đồng doanh nghiệp đề nghị thực hiện nghiêm túc yêu cầu của Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư mới về các ngành nghề kinh doanh có điều kiện và các điều kiện kinh doanh, tránh tình trạng Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư thì mở ra nhưng các luật chuyên ngành và nghị định, thông tư hướng dẫn thì khép lại.

Quang cảnh Diễn đàn.
Quang cảnh Diễn đàn.

Đặc biệt, phải tiến hành rà xét và gỡ bỏ ngay các điều kiện kinh doanh và giấy phép kinh doanh không còn phù hợp trong hàng nghìn điều kiện kinh doanh của 267 ngành nghề kinh doanh có điều kiện được quy định trong Luật Đầu tư, đồng thời với việc xóa bỏ tất cả các giấy phép và điều kiện kinh doanh nằm ngoài danh mục 267 ngành nghề đó.

Đồng thời, cần thực hiện mạnh mẽ chủ trương xã hội hóa dịch vụ công được Chính phủ nhấn mạnh trong Nghị quyết 19. Theo quan sát của ông Vũ Tiến Lộc, thực tiễn hơn một năm qua cho thấy, các bộ, ngành chưa thực sự tích cực rà soát và thực hiện chuyển giao dịch vụ công cho các tổ chức xã hội và thị trường theo đúng yêu cầu của Nghị quyết 19 và chỉ đạo của Thủ tướng.

Đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ nhằm xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi, Chủ tịch VCCI cũng cho biết sự yếu kém của các thiết chế pháp lý bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của doanh nghiệp trong kinh doanh đang là một trong những điểm quan ngại hàng đầu hiện nay.

“Sự chậm trễ, hiện tượng oan sai trong xét xử, việc hình sự hóa các quan hệ kinh tế và hiệu lực thi hành các phán quyết của tòa án không nghiêm đang phát đi một tín hiệu về yêu cầu tăng cường cải cách tư pháp song hành với nỗ lực cải cách hành chính, nâng cao niềm tin và sự dấn thân của doanh nghiệp vào sự nghiệp kinh doanh trong thời gian tới”, Chủ tịch VCCI nhận xét.

Cộng đồng doanh nghiệp cũng mong muốn Quốc hội và Chính phủ sớm ban hành Luật Cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Nghị định về công nghiệp hỗ trợ, Nghị định về hiệp hội doanh nghiệp… để tăng cường cơ sở pháp lý, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng và thúc đẩy phát triển khu vực kinh tế tư nhân trong thời gian tới.

 

Cùng với đó, xây dựng và thực hiện “Chương trình quốc gia khởi nghiệp” để định hướng nghề nghiệp cho học sinh, sinh viên và trợ giúp thành lập các doanh nghiệp mới sáng tạo và doanh nghiệp hỗ trợ hoạt động trong các ngành và lĩnh vực Việt Nam có lợi thế cạnh tranh…

Phát biểu tại diễn đàn, bà Sherry Boger, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hoa Kỳ tại Việt Nam AmCham, khẳng định: Việt Nam đã rất thành công trong hội nhập kinh tế quốc tế nói chung và hội nhập kinh tế với Mỹ nói riêng, Năm ngoái tổng kinh ngạch thương mại giữa hai quốc gia tăng 20%, đặt 36.6 tỷ USD và tính đến năm 2020, con số này có thể tăng lên 72 tỷ USD nếu xu thế này tiếp tục duy trì và có thể cao hơn với Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương TPP.

Trong khi đó, đại diện cho Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (KoCham), ông Ryu Hang Ha, Chủ tịch của KoCham đã nêu những khó khăn vướng mắc mà các doanh nghiệp Hàn Quốc đang gặp phải đồng thời đưa ra những kiến nghị với Chính phủ nhiều vấn đề như: Nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc gặp khó khăn khi nhập khẩu máy móc thiết bị đã qua sử dụng theo hướng dẫn của Thông tư 20 do Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành; Cần rút ngắn quá trình phê duyệt dự án điện tại khu vực miền Nam Việt Nam; Không áp dụng truy thu thuế nhập khẩu với các hàng hóa được nhập khẩu trước khi Thông tư 164/2013/TT-BTC có hiệu lực.

Nêu ra những kiến nghị của mình, ông Tomaso Andreatta - Phó chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Châu Âu (EuroCham) cho biết, về tái cấu trúc DNNN và tính cạnh tranh của thị trường, Việt Nam cần tiếp tục tái cấu trúc DNNN thêm nữa, điều này có thể góp phần tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài nhờ tăng tính cạnh tranh của nền kinh tế, thúc đẩy hội nhập của Việt Nam trong nền kinh tế toàn cầu, và thậm chí giúp Việt Nam được công nhận là nền kinh tế thị trường. Ngoài ra, có thể thấy từ quá trình tư nhân hóa tại châu Âu năm 1990 rằng doanh thu của các DNNN lớn và hoạt động tốt là một nguồn lực tài chính góp phần cải thiện tình hình nợ công hoặc để đầu tư cơ sở hạ tầng cần thiết. 

So với các công ty tư nhân, tỷ lệ hiệu quả sử dụng vốn của DNNN tại Việt Nam còn ở mức rất thấp, nợ của DNNN vẫn đang đè nặng lên ngân sách Nhà nước. Hơn nữa, khó khăn còn tồn tại trong việc tách biệt chức năng của Nhà nước khi Nhà nước nắm vai trò là người sở hữu và điều tiết thị trường, cũng như khó khăn trong việc công khai thông tin với công chúng. Trên thực tế, DNNN tiếp tục nhận được nhiều ưu đãi (ví dụ trong tiếp cận vốn, đất đai và các khoản trợ cấp), dẫn đến việc bóp méo thị trường và cạnh tranh không lành mạnh giữa khu vực tư nhân và khu vực nhà nước. Mặc dù DNNN độc lập về pháp lý và tài chính, Nhà nước vẫn thường giữ quyền kiểm soát như thông qua quyền bổ nhiệm phần lớn các thành viên hội đồng quản trị. Điều đáng tiếc là chúng ta không thể nhận thấy có một "sân chơi bình đẳng" giữa các công ty tư nhân và các DNNN. Một ví dụ liên quan khác trong lĩnh vực dược phẩm là việc các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và một số sản phẩm dược phẩm nhập khẩu hiện không phải lúc nào cũng được phép tham gia (trực tiếp) vào thủ tục đấu thầu. 

 

"Dù Chính phủ Việt Nam đang theo đuổi kế hoạch đầy tham vọng để cổ phần hóa 289 DNNN vào năm 2015, EuroCham nhận thấy rằng cổ phần hóa DNNN trong thực tế vẫn chưa đạt đến hiệu quả tiềm năng cao nhất. Ví dụ, số lượng cổ phiếu dành cho các nhà đầu tư tư nhân thường được đánh giá là quá thấp để thu hút đầu tư chiến lược từ khối tư nhân một cách hiệu quả (ví dụ chỉ từ 5% đến 20% cổ phiếu được chào bán ra thị trường). Trong thực tế, các nhà đầu tư nước ngoài thường chỉ quan tâm đến việc mua cổ phần DNNN nếu họ có thể nắm quyền ra quyết định trong doanh nghiệp. Tuy nhiên, thay vào đó, Nhà nước có xu hướng giữ quyền bổ nhiệm tất cả hoặc một phần lớn thành viên hội đồng quản trị và - như đã đề cập từ trước - DNNN tiếp tục được hưởng ưu đãi hơn các doanh nghiệp tư nhân. Hơn nữa, trong thực tế, cổ phần hóa thường có nghĩa là cổ phiếu được bán cho chính người lao động của các DNNN đó. Với những lý do này, cho đến nay, sự quan tâm từ khu vực tư nhân nước ngoài trong việc đầu tư vào DNNN vẫn còn khá thấp".

EuroCham tin rằng cổ phần hoá và cải cách quản trị doanh nghiệp của các DNNN chỉ có thể hiệu quả khi có một tầm nhìn rõ ràng từ Chính phủ Việt Nam và khi có một cam kết thật sự để hiện thực hóa những cải cách này. Chúng tôi thừa nhận và đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ trong việc cải cách quản trị doanh nghiệp của các DNNN theo Luật Doanh nghiệp mới ban hành. Tuy nhiên, Eurocham đồng thời cũng khuyến khích những nỗ lực hơn nữa để thực sự tạo ra một sân chơi bình đẳng trong tất cả các lĩnh vực kinh doanh giữa các DNNN và các công ty tư nhân. Cải cách quan trọng nhất là mở cửa thị trường năng lượng mà hiện nay hầu hết vẫn đang được đặt dưới sự kiểm soát của các công ty độc quyền nhà nước. Sự cạnh tranh trong thị trường này sẽ mang lại tính minh bạch cũng như tăng thêm nguồn vốn đầu tư dồi dào đến từ cả trong nước và quốc tế. 

Ông Shimon Tokuyama, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam đánh giá cao sự lãnh đạo, điều hành ổn định kinh tế với mức tăng trưởng cao 6%, bình ổn giá cả và cán cân xuất nhập khẩu trong suốt 4-5 năm qua của Chính phủ Việt Nam. Ông Shimon Tokuyama cũng đại diện cho các doanh nghiệp Nhật Bản đề xuất với Chính phủ Việt Nam về quy chế tài chính và phát triển cơ sở hạ tầng hộ trợ tăng trương dài hạn, cải thiện ngành công nghiệp chế tạo; Hoàn thiện nghị định hướng dẫn Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp mới; Nới lỏng quy chế cấp thị thực...

Đề cập tới chính sách phát triển ngành du lịch, các diễn giả cho biết, tình hình khách du lịch sụt giảm những tháng đầu năm nay cho thấy, Việt Nam đang mất đi lợi thế cạnh tranh với các quốc gia trong khu vực. 

Muốn nâng đóng góp của ngành du lịch vào GDP, Việt Nam nên mở rộng danh sách miễn thị thực cho công dân các nước thành viên Liên minh châu Âu và các nước trong hiệp định đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương như Mỹ, Peru, Canada… Việt Nam cũng cần xây dựng một hệ thống cấp thị thực quá cảnh để phát triển Việt Nam  như một trung tâm trung chuyển của khu vực.

 

Trình bày kiến nghị của mình, ông Trần Anh Vương - Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội doanh nghiệp trẻ Hà Nội (HanoiBA) cho rằng, Chính phủ cần thực hiện nhanh và thực tế những nội dung ưu việt mà Luật Khoa học và Công nghệ đã đưa ra. Khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào công nghiệp hỗ trợ và xác định chỗ đứng "chủ đạo" cho công nghiệp hỗ trợ. Vị đại diện HanoiBA cũng mong muốn Chính phủ đưa ra các chính sách phù hợp, đặc biệt để hỗ trợ sự phát triển của doanh nghiệp nhỏ và vừa. 

"Hiện tại chỉ còn 6 tháng nữa sẽ kết thúc năm hội nhập, phần lớn các doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn hầu như chưa được chuẩn bị hành trang cho cuộc hội nhập này, họ vẫn thụ động điều chỉnh mình nhiều hơn là chủ động hội nhập, lo lắng cho những công cụ bảo vệ thị trường nội địa trước hàng nhập khẩu. Đồng thời với việc vấp phải những rào cản phòng vệ từ ngay những thị trường gần gũi trong khối sẽ khiến cho việc thị trường được mở ra nhưng khó tiếp cận, sẽ phản tác dụng và thậm chí còn bị thu hẹp lại khi phải chia sẻ tuyệt đối thị trường trong nước", vị đại diện HanoiBA chia sẻ.

HÒA HẬU
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo