Quốc tế

Nga tiếp tục giáng 'đòn mạnh tay' trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ sau vụ Su-24

(DNVN) - Sau động thái F-16 Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi Su-24 của Nga, quan hệ hai nước láng giềng ngày càng chuyển biến xấu khi Moscow ngày càng mạnh tay áp đặt lệnh trừng phạt Ankara.

Ngày 27/11, Nga tuyên bố mọi công dân Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không còn được hưởng quyền miễn thị thực như trước đây nữa. Quyết định trên của Moscow được cho là nhằm để trả đũa Ankara trong vụ máy bay Su – 24 của nước này bị bắn rơi hôm 24/11.

Hai nguyên thủ Nga - Thổ trong lần tổng thống Putin thăm Ankara, tháng 12/2014.

Cụ thể, quyết định nói trên sẽ được phía Nga áp dụng bắt đầu từ tháng 1/2016. Phát biểu về quyết định này, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov khẳng định: “Tổng thống Putin đã ký và theo như kế hoạch vào tháng một tới mọi công dân người Thổ Nhĩ Kỳ sẽ phải thực hiện mọi thủ tục thị thực nếu muốn vào nước Nga”.

Ngoài ra, nhiều đại lý du lịch lớn của Nga tạm dừng bán các gói du lịch tới Thổ Nhĩ Kì sau khi chính phủ Nga cảnh báo du lịch.

Hành động nói trên của Nga được đưa ra ngay sau khi Tổng thống Recep Tayyip Erdogan tuyên bố trên sóng truyền hình nước này rằng Ankara sẽ tiếp tục bắn hạ mọi mục tiêu nếu không phận bị xâm phạm.

Cùng ngày, ông chủ điện Kremlin cũng lên tiếng yêu cầu Thổ Nhĩ Kỳ phải công khai xin lỗi sau vụ bắn hạ chiến đấu cơ Su – 24.

Đồng thời, Moscow cũng cáo buộc Ankara đang có những hành động trợ giúp cho các lực lượng khủng bố, đặc biệt là các phần tử của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS xâm nhập vào Nga thông qua biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ.

 

Trước đó, Nga đã tuyên bố sẽ có những quyết định cứng rắn đối với Thổ Nhĩ Kỳ tương thích với cảnh báo của Tổng thống Vladimir Putin rằng hành động bắn hạ máy bay Su-24 của Ankara sẽ có những tác động nghiêm trọng đến mối quan hệ Nga - Thổ trong nhiều lĩnh vực như năng lượng, du lịch, thương mại, quân sự,...

Điển hình là Tập đoàn dầu khí khổng lồ Gazprom của Nga sẽ đánh giá lại rằng có nên tiếp tục dự án “Dòng chảy Thổ Nhĩ Kì” trị giá nhiều tỷ USD hay không? Ngoài ra, dự án của Tập đoàn Rosatom xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên cho Thổ Nhĩ Kỳ với công suất dự kiến 4.800 MW cũng đang nằm trong kế hoạch phải huỷ bỏ.

Nếu Tổng thống Putin ký lệnh trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ về lĩnh vực năng lượng, quốc gia này sẽ vấp phải rất nhiều khó khăn trong việc tìm nguồn cung năng lượng cho nhu cầu phát triển trong khoảng thời gian tới. 

Thu Phương
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo