Tin tức - Sự kiện

Quốc hội xem xét việc thi hành sớm Luật Đất đai và 3 luật khác từ 1/8/2024

Quốc hội sẽ xem xét điều chỉnh thời điểm có hiệu lực thi hành của 4 luật,.trong đó có Luật Đất đai sớm hơn 5 tháng, cụ thể là từ ngày 1/8/2024.

Kids Plaza và Bibo Mart sử dụng bản đồ sai lệch chủ quyền biển đảo Việt Nam / Ngăn ngừa, ứng phó với các bệnh truyền nhiễm liên quan đến biến đổi khí hậu

Chiều 8/6, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 với tỷ lệ 463/465 đại biểu có mặt tán thành (đạt tỷ lệ 95,07% tổng số ĐBQH).

Theo Nghị quyết, tại Kỳ họp thứ 7 sẽ trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua theo quy trình tại một kỳ họp và theo trình tự, thủ tục rút gọn với các dự án, dự thảo Luật gồm: dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Các tổ chức tín dụng (tên gọi chính thức của Luật sẽ được Quốc hội xem xét, quyết định khi xem xét, thông qua dự án Luật); Nghị quyết của Quốc hội quy định về việc giảm thuế giá trị gia tăng (báo cáo Quốc hội quyết nghị trong Nghị quyết kỳ họp thứ 7).

Theo đó, Quốc hội sẽ xem xét điều chỉnh thời điểm có hiệu lực thi hành của các luật sớm hơn 5 tháng, cụ thể là từ ngày 1/8/2024.

Quốc hội xem xét việc thi hành sớm Luật Đất đai và 3 luật khác từ 1/8/2024 - Ảnh 1.

Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024.

Quốc hội cũng sẽ cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8 với các dự án Luật Công nghiệp công nghệ số; Luật Điện lực (sửa đổi); Luật Nhà giáo; Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp; Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi); Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo. Trong đó, nếu trường hợp dự án Luật Điện lực (sửa đổi) được Chính phủ chuẩn bị tốt, quá trình thảo luận tại Quốc hội đạt sự đồng thuận cao thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, phối hợp với Chính phủ trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 8 theo quy trình tại một kỳ họp.

Đồng thời, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, thông qua các dự án Pháp lệnh Chi phí tố tụng (điều chỉnh về chi phí tố tụng hình sự, chi phí tố tụng dân sự, chi phí tố tụng hành chính và chi phí tố tụng cho Hội thẩm); dự án Pháp lệnh Quản lý, bảo vệ Khu Di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh (điều chỉnh công tác quản lý, bảo vệ Khu Di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh với tính chất là công trình đặc biệt quan trọng về an ninh quốc gia, đồng thời là di tích lịch sử - văn hóa đặc biệt quan trọng trong Cụm di tích Lịch sử - Văn hóa Ba Đình).

Năm 2025, tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội dự kiến xem xét thông qua 12 luật, 1 nghị quyết và cho ý kiến với 10 dự án luật. Còn tại Kỳ họp thứ Mười, Quốc hội dự kiến thông qua 10 dự án luật.

Tháo gỡ vướng mắc, đẩy mạnh phát triển nhà ở, nhất là nhà ở xã hội

Trước khi Quốc hội bấm nút thông qua Nghị quyết, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng đã trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024.

 

Quốc hội xem xét việc thi hành sớm Luật Đất đai và 3 luật khác từ 1/8/2024 - Ảnh 2.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng.

Ông Hoàng Thanh Tùng cho biết, có ý kiến đề nghị làm rõ thêm sự cần thiết, tính cấp bách, khả thi của việc ban hành Luật điều chỉnh thời điểm có hiệu lực thi hành của Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Các tổ chức tín dụng. Có ý kiến đề nghị chỉnh sửa tên Luật để chỉ rõ việc điều chỉnh thời điểm có hiệu lực của các luật chứ không nêu chung là sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, những vấn đề ĐBQH nêu cũng là những yêu cầu mà Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội đặt ra. Chính phủ đã tiếp thu, hoàn thiện hồ sơ trình Quốc hội, đồng thời đôn đốc các Bộ, chính quyền địa phương tích cực chuẩn bị đầy đủ điều kiện để triển khai thi hành các luật. Qua xem xét cho thấy, Luật Đất đai năm 2024, Luật Nhà ở năm 2023 và Luật Kinh doanh bất động sản năm 2023 có nhiều quy định đổi mới, tiến bộ, được người dân và xã hội kỳ vọng sẽ tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn mới.

Việc sớm triển khai thi hành các luật nêu trên sẽ góp phần tháo gỡ vướng mắc, bất cập, đưa các chính sách mới đã được Quốc hội quyết định vào cuộc sống, nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng đất đai, thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, ổn định, bền vững, đẩy mạnh phát triển nhà ở, nhất là nhà ở xã hội cho công nhân, người lao động có thu nhập thấp. Do đó, đề nghị Quốc hội cho bổ sung dự án Luật vào Chương trình năm 2024, trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến và biểu quyết thông qua ngay tại Đợt 2 của Kỳ họp này theo trình tự, thủ tục rút gọn như Chính phủ đề xuất; đồng thời, đề nghị Chính phủ nghiên cứu, chỉnh lý tên gọi của Luật cho phù hợp với phạm vi sửa đổi là chỉ điều chỉnh thời điểm có hiệu lực thi hành của các luật sớm hơn, cụ thể là từ ngày 1/8/2024.

Để bảo đảm chất lượng ban hành Luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ trong quá trình chỉ đạo soạn thảo dự án Luật cần nghiên cứu tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, ý kiến thẩm tra của các cơ quan của Quốc hội: đánh giá tác động kỹ lưỡng, nhất là những tác động bất lợi (nếu có) để đề xuất giải pháp khắc phục; tiếp tục rà soát kỹ các nội dung quy định chuyển tiếp tại 4 Luật này và các quy định tại các luật khác có liên quan chịu tác động của việc điều chỉnh hiệu lực thi hành sớm hơn 5 tháng để có phương án xử lý phù hợp; chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương khẩn trương xây dựng, ban hành đầy đủ các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành bảo đảm có hiệu lực đồng thời với các luật. Chính phủ chịu trách nhiệm bảo đảm các điều kiện cần thiết để triển khai thi hành các luật thông suốt, không để xảy ra vướng mắc do chậm ban hành văn bản quy định chi tiết, không tạo khoảng trống pháp lý, gây khó khăn cho địa phương, doanh nghiệp và người dân.

 

Về ý kiến đề nghị sớm sửa đổi Luật Bảo hiểm y tế, xây dựng Luật Dân số, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành với ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội về việc cần sớm xây dựng, ban hành các luật này để kịp thời thể chế hóa chủ trương của Đảng, khắc phục những tồn tại, vướng mắc trong thực tiễn. Trong đó, việc sớm sửa đổi Luật Bảo hiểm y tế còn để bảo đảm đồng bộ với các quy định có liên quan của Luật Khám bệnh, chữa bệnh đã có hiệu lực từ ngày 01/01/2024. Thực hiện Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15, Chính phủ đã lập đề nghị xây dựng 2 Luật này đưa vào Chương trình năm 2022, 2023 nhưng qua xem xét, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị tiếp tục nghiên cứu, làm rõ nội dung chính sách của các dự án Luật để bảo đảm tính khả thi.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, khẩn trương hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng 2 Luật trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định bổ sung vào Chương trình theo thẩm quyền.

Trước đó, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 72/NQ-CP ngày 17/5/2024 thống nhất thông qua Đề nghị xây dựng Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 252 Luật Đất đai số 31/2024/QH15 như đề nghị của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Chính phủ giao Bộ trưởng Bộ Tư pháp thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ ký Tờ trình của Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc đề nghị bổ sung Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 252 Luật Đất đai số 31/2024/QH15 vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2024; trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội để trình Quốc hội quyết định việc xây dựng, ban hành Nghị quyết theo trình tự, thủ tục rút gọn tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV (tháng 5 năm 2024) theo quy trình xem xét, thông qua tại một kỳ họp.

Theo đề xuất của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Luật Đất đai số 31/2024/QH15 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2024 thay vì ngày 1/1/2025 như trong Luật Đất đai đã quy định, mục đích nhằm xây dựng Nghị quyết của Quốc hội để cho phép Luật Đất đai số 31/2024/QH15 sớm đi vào cuộc sống, khơi thông nguồn lực đất đai, kịp thời giải quyết, xử lý dứt điểm các tồn đọng về đất.

 

Bên cạnh đó, hỗ trợ, thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển, phát huy tiềm năng, sử dụng hiệu quả cao nhất giá trị nguồn lực đất đai. Đồng thời, qua đó tháo gỡ được những khó khăn trong tiếp cận đất đai phục vụ sản xuất kinh doanh, thu hút đầu tư, đóng góp lớn cho việc hoàn thành mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra, ổn định về xã hội, lợi ích thiết thực cho nhân dân.

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm