Chuyển đổi số doanh nghiệp cần tránh "cạm bẫy công nghệ"
DNVN - Để chuyển đổi số, doanh nghiệp (DN) cần chuẩn bị các nguồn lực số hóa, xác định và loại bỏ các vấn đề tồn đọng, tập trung vào trọng tâm cốt lõi, tránh các "cạm bẫy công nghệ" không phù hợp. Đặc biệt, DN cần hướng tới sản xuất thông minh.
Viettel vận hành 2 phòng lab hiện đại nhất Đông Nam Á / World Bank: Việt Nam phải mất 25 năm mới bằng Thái Lan về kỹ năng số
Mặc dù COVID-19 tác động không nhỏ đến ngành sản xuất, nhưng lại là yếu tố thôi thúc các doanh nghiệp (DN) trong ngành phải đổi mới và áp dụng các giải pháp chuyển đổi số để ứng phó với thách thức, phục hồi sau những khó khăn và định hình lại tương lai.
Những thông tin này đã được các diễn giả đưa ra tại hội thảo trực tuyến “Giải pháp thực tiễn hỗ trợ chuyển đổi số cho doanh nghiệp sản xuất” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Microsoft tổ chức ngày 27/8.
Thách thức ngày càng gay gắt
Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI cho biết, chuyển đổi số trong ngành sản xuất không chỉ đơn thuần, là việc tự động hóa dây chuyền sản xuất hay phân tích tốt hơn dữ liệu hiện có. Nó còn liên quan đến sự thay đổi trong suy nghĩ, cách tiếp cận và giải quyết vấn đề mới. Việc sẵn sàng thay đổi tư duy và ứng dụng những công nghệ mới sẽ giúp các nhà quản lý nâng cao hiệu quả sản xuất trong doanh nghiệp (DN) của mình.
"Những thách thức mà các DN sản xuất Việt Nam đang phải đối mặt trong bối cảnh công nghệ đang thay đổi từng ngày và cạnh tranh ngày càng gay gắt. Khi quyết định chuyển đổi số, doanh nghiệp chấp nhận thay đổi quy trình, hệ thống, và cả con người. Điều này đòi hỏi một ngân sách đủ lớn để làm đồng bộ, toàn diện, không chắp vá", ông Phòng nói.
Ảnh minh họa.
Chuyển đổi số không phải là câu chuyện riêng của công nghệ mà là bài toán khó của chính con người. Cho dù sở hữu một hệ thống tiên tiến, hiện đại, nhưng tư duy lối mòn sẽ trở thành rào cản khiến công nghệ không được khai thác triệt để và ứng dụng hiệu quả. Bởi vậy, không ngừng học hỏi tri thức tiên tiến nếu DN muốn vượt qua rào cản về tư duy. Ngoài ra, lựa chọn công nghệ phù hợp với DN cũng chính là thách thức lớn mà DN phải đối mặt.
Đề cập đến thực trạng bức tranh chuyển đổi số của cộng đồng DN nhỏ và vừa, ông Lê Văn Khương, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa phía Bắc (Cục Phát triển Doanh nghiệp - Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, hiện vẫn còn hơn 70% DN nhỏ và vừa phản ứng thụ động trước những thay đổi của thị trường. Các DN sử dụng gần 80% máy móc công nghệ cũ có từ thập niên 1980 - 1990 nên gặp các rào cản không nhỏ trong quá trình chuyển đổi số. Thêm vào đó, đa phần các DN chưa có chiến lược chuyển đổi số phù hợp, có nhiều quan điểm sai lầm và lạc hậu về chuyển đổi số.
5 định hướng quan trọng mà DN sản xuất cần tập trung
Mặc dù COVID-19 gần như đã đóng băng ngành sản xuất, nhưng lại là yếu tố thôi thúc các doanh nghiệp trong ngành phải đổi mới để ứng phó với những thách thức trước mắt và chuẩn bị cho tương lai lâu dài. Không doanh nghiệp nào có thể vượt qua khó khăn một mình và đây là bước đầu tiên các nhà sản xuất có thể phục hồi sau những khó khăn cũng như định hình lại tương lai. Để thành công, doanh nghiệp cần có chiến lược chuyển đổi rõ ràng, xây dựng kế hoạch chi tiết cho từng giai đoạn và lượng hóa mọi tiêu chí để có một thước đo rõ ràng nhất.
Ông Lê Văn Khương đề xuất, DN cần xây dựng chiến lược chuyển đổi phù hợp, chuẩn bị cơ sở hạ tầng và văn hóa DN phù hợp cũng như chuẩn bị các nguồn lực số hóa và đào tạo nhân viên. DN cũng cần xác định và loại bỏ các vấn đề tồn đọng, tập trung vào trọng tâm cốt lõi, tránh các "cạm bẫy công nghệ" không phù hợp. Đặc biệt, DN cần hướng tới sản xuất thông minh.
Trong khi đó, ông Nguyễn Trung Kiên. Quản lý cấp cao từ đối tác Microsoft Việt Nam khẳng định, là một nhà sản xuất nhiều sản phẩm công nghệ và các thiết bị đầu cuối máy tính, Microsoft thấu hiểu những khó khăn và thách thức mà các doanh nghiệp sản xuất đang gặp phải. Theo đó, ông Kiên đã vạch ra 5 định hướng quan trọng mà các DN sản xuất cần tập trung.
Thứ nhất, phải chuyển đổi lực lượng lao động bằng cách triển khai những giải pháp và ứng dụng công nghệ giúp tăng năng suất lao động, từ đó thay đổi cách thức nhân viên giao tiếp, cộng tác và chia sẻ dữ liệu trong công việc.
Thứ hai, xây dựng các nhà máy linh hoạt bằng việc áp dụng công nghệ và IoT vào vận hành để đảm bảo chuỗi sản xuất, từ đó thúc đẩy chất lượng và năng suất lao động.
Thứ ba, kết nối với khách hàng theo những cách thức mới, đem lại những trải nghiệm khách hàng trên toàn bộ các kênh dịch vụ, bán hàng và marketing. Ví dụ, thiết lập các trợ lý ảo giúp kết nối với khách hàng trên nền tảng số, các dịch vụ hỗ trợ từ xa và bán hàng trực tuyến.
Thứ tư, xây dựng các chuỗi cung ứng bền vững để nâng cao khả năng truy xuất, trong đó cần thiết lập những kế hoạch đánh giá rủi ro, xử lý khủng hoảng, và triển khai chuỗi cung ứng tự chủ.
Thứ năm, đổi mới và tạo ra những dịch vụ mới bằng việc khám phá các giá trị kinh doanh khác biệt với dịch vụ số và sản phẩm bền vững.
Việc DN sản xuất cần phải liên tục đầu tư vào nghiên cứu, phát triển sản phẩm mới hướng tới sự chuyên nghiệp và tạo dựng sự khác biệt trên thị trường. Hiện có rất nhiều công nghệ và nền tảng có thể hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất chuyển đổi số, với nhiều nhà cung cấp và dịch vụ về công nghệ số khác nhau. Việc lựa chọn giải pháp tối ưu và phù hợp sẽ giúp DN chuyển đổi số thành công và phát triển bền vững trong bối cảnh đại dịch COVID-19.
Nguyệt Minh
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Đà Nẵng đặt mục tiêu 90% doanh nghiệp du lịch ứng dụng công nghệ số vào năm 2030
Ghi nhận tại nhiều ngân hàng thương mại: Tỷ lệ giao dịch số tiệm cận mức tuyệt đối
Ngăn chặn thất thoát dữ liệu doanh nghiệp bằng công nghệ cao
Chương trình phòng chống lừa đảo trực tuyến 2024: Sân chơi mới, bổ ích cho các KOLs
Cột tin quảng cáo