Đưa nông dân lên sàn thương mại điện tử: Doanh nghiệp kêu khó tiếp cận
DNVN - Đại diện Bưu điện Việt Nam - một trong hai doanh nghiệp được Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) giao nhiệm vụ hỗ trợ đưa nông dân lên sàn thương mại điện tử - cho biết rất khó tiếp cận bà con nông dân để qua đó đào tạo, huấn luyện, hướng dẫn bà con mở tài khoản và tiêu thụ hàng hóa trên môi trường số.
Ra mắt Trung tâm Công nghệ phòng, chống dịch COVID-19 quốc gia / Huawei đạt doanh thu gần 50 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm 2021
Khó thuyết phục và tiếp cận
Thực hiện Quyết định 1034 phê duyệt Kế hoạch đưa hộ sản xuất nông nghiệp (SXNN) lên sàn thương mại điện tử (TMĐT), thúc đẩy kinh tế số nông nghiệp, nông thôn (Kế hoạch 1034), hiện Bộ TT&TT tập trung
đưa hộ nông dân SXNN lên sàn thương mại điện tử qua 2 sàn của Bưu điện Việt Nam (Postmart.vn) và Viettel Post (voso.vn), phát huy tối đa tiêu thụ trong nước và đẩy mạnh giới thiệu nông sản Việt Nam trên các kênh truyền thông.
Tại Hội nghị trực tuyến phổ biến, hướng dẫn triển khai kế hoạch đưa hộ sản xuất nông nghiệp (SXNN) lên sàn thương mại điện tử (TMĐT), thúc đẩy kinh tế số nông nghiệp, nông thôn do Bộ TT&TT tổ chức ngày 11/8, đại diện Bưu điện Việt Nam cho biết, theo chỉ đạo của Bộ TT&TT, Bưu điện Việt Nam đã xây dựng kịch bản với 3 trụ cột chính: Tiếp cận các hộ SXNN đến tận cấp xã; đào tạo, huấn luyện và hướng dẫn bà con mở tài khoản; Tiêu thụ hàng hóa trên môi trường số.
Bộ TT&TT đang tập trung triển khai Kế hoạch đưa hộ SXNN lên sàn TMĐT, thúc đẩy kinh tế số nông nghiệp, nông thôn. (Ảnh: Báo Công Thương).
Với trụ cột thứ nhất, Bưu điện Việt Nam xác định cần phải có cách tiếp cận hộ gia đình một cách nhanh nhất và đồng bộ nhất. Do tiếp cận này liên quan đến tận cấp xã nên chắc chắn doanh nghiệp phải triển khai lực lượng tới tận tuyến xã để hỗ trợ người dân. Cách tiếp cận được thực hiện qua hai kênh trực tiếp và online.
Trong đó, tiếp cận trực tuyến thông qua hội nghị, chương trình cũng như thông qua các nhóm nhỏ. Còn tiếp cận online là thiết lập các nhóm thông qua mạng xã hội, các kênh số và Bưu điện Việt Nam sẽ thiết lập cổng để đưa tài liệu hướng dẫn lên môi trường trực tuyến phục vụ bà con, cùng với đường dây điện thoại để hỗ trợ trực tiếp người tham gia cũng như hỗ trợ cho những người hướng dẫn tại tỉnh.
"Qua quá trình triển khai cấp tốc tại hai tỉnh Lạng Sơn và Bắc Giang trong giai đoạn trước, chúng tôi nhận thấy việc tiếp cận các hộ gia đình rất khó khăn. Do đó, chúng tôi mong muốn nhận được sự phối hợp hỗ trợ của UBND, các sở, đặc biệt là Sở TT&TT địa phương với vai trò là đầu mối chủ trì. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng sẽ kết hợp với các hiệp hội, các tổ chức phi Chính phủ có sự hiện diện trên toàn quốc để quá trình thực hiện thuận lợi", đại diện Bưu điện Việt Nam chia sẻ.
Trụ cột thứ 2 là chương trình đào tạo, huấn luyện và hướng dẫn bà con nông dân mở tài khoản (gồm tài khoản bán hàng và tài khoản thanh toán). Với trụ cột này, Bưu điện Việt Nam phải chuẩn bị các tài liệu đầy đủ, ngắn gọn, xúc tích nhất để tiếp cận bà con hiệu quả nhất bởi bà con chưa tiếp cận, tiếp xúc nhiều với công nghệ.
Trụ cột thứ ba là tiêu thụ hàng hóa. Theo Bưu điện Việt Nam, đây là vấn đề cũng rất khó bởi liên quan đến logistics trên địa bàn rộng, đối tượng hộ gia đình chưa có nhiều kỹ năng bán hàng online nên việc chuẩn bị về gói bọc sản phẩm cũng như các điều kiện khác để có thể vận chuyển và tiêu thụ hàng hóa từ điểm cầu đến điểm cuối rất khó khăn.
"Với trụ cột này, phía Bưu điện Việt Nam cần sự hỗ trợ của chính quyền địa phương các cấp để có thể huấn luyện, tuyên truyền và đào tạo cho bà con, thậm chí có những chương trình xuyên suốt của tỉnh để hoạt động bán hàng của bà con đạt hiệu quả tốt nhất", đại diện Bưu điện Việt Nam kiến nghị.
Ở nội dung này, khó khăn được Bưu điện Việt Nam này đưa ra là việc thuyết phục bà con đồng ý với bán số lượng nhỏ nhằm đáp ứng nhu cầu của khách hàng trên sàn.
"Chẳng hạn như Lạng Sơn và Bắc Giang rất khó để thuyết phục bà con nông dân đồng ý bán và đóng gói với số lượng nhỏ. Trong khi trên sàn, khách hàng chỉ mua 5 - 10 kg, thậm chí có loại chỉ 1 - 2 kg. Thông thường bà con chỉ đóng gói 20kg. Về vấn đề này, cần phải đào tạo, tập huấn tuyên truyền để họ chuẩn bị sẵn sàng trong việc tiêu thụ hàng hóa.
Cần sự phối hợp đồng bộ
Theo đánh giá của đại diện Bưu điện Việt Nam, để thực hiện hiệu quả các trụ cột trên, cần có sự phối hợp đồng bộ giữa doanh nghiệp, người dân và chính quyền. Để tiếp tục triển khai các hoạt động trong thời gian tới, đại diện Bưu điện Việt Nam đề nghị Bộ Công Thương, các Sở Công Thương và TT&TT bên cạnh việc chủ trì tổ chức triển khai kết nối với các hộ, các sở, cần hỗ trợ thêm Bưu điện Việt Nam trong công tác tuyên truyền từ cấp Trung ương đến cấp xã.
Cùng đó, đề xuất Bộ Công Thương và các Sở Công Thương hỗ trợ doanh nghiệp trong việc cung cấp thông tin về quy mô, thị trường tiêu thụ. Mặc dù bán online nhưng doanh nghiệp cần có sự tập trung vào từng thị trường để làm chiến dịch marketing, nhằm vào từng đối tượng khách hàng trên kênh online tại địa bàn mỗi tỉnh/thành. Đặc biệt 2 sàn đã bắt đầu xúc tiến xuất nhập khẩu nên cũng cần thông tin về thị trường tiêu thụ.
Với Bộ NN&PTNT và các sở NN&PTNT, Bưu điện Việt Nam mong muốn được hỗ trợ thông tin sản phẩm, quy cách đóng gói, bảo quản để có thể vận chuyển, phát hàng đến điểm đầu - cuối trong điều kiện dịch bệnh COVID-19 và hàng cần có thời gian bảo quản, tiêu thụ nhanh.
Với chính quyền địa phương các cấp, bao gồm UBND tỉnh, huyện, xã đồng hành cùng các bưu điện tỉnh, huyện, tổ chức các lớp đào tạo, đặc biệt vận động hộ nông dân tham gia chương trình.
"Kinh nghiệm từ Lạng Sơn cho thấy, sự vào cuộc chính quyền huyện, xã rất quan trọng. Khi chính quyền đứng ra đảm nhận nhiệm vụ này thì bà con mới chấp thuận cho hai sàn đào tạo, hướng dẫn cũng như mở hai loại tài khoản vì liên quan đến nhiều thông tin cá nhân. Quán triệt tinh thần tập huấn toàn quốc, chúng tôi cam kết đổ thêm nguồn lực vào để triển khai chương trình này một cách đồng bộ, hiệu quả, qua đó giúp bà con tiếp cận và thành công với phương thức kinh doanh mới", đại diện Bưu điện Việt Nam chia sẻ.
Với những phản ánh về đề xuất trên, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Anh Tuấn cho biết, cần phải xác định việc việc hỗ trợ người nông dân theo hình thức kinh doanh mới không phải chỉ là việc của DN, của hai sàn TMĐT, mà là việc lớn mang tính quốc gia.
"Các địa phương phải xác định đây không phải là nhiệm vụ đơn thuần của 2 sàn, mà đây là nhiệm vụ của tất cả hệ thống chính trị, qua đó giúp bà con tiếp cận với hình thức kinh doanh mới và làm giàu một cách thực chất trên sản phẩm của mình, để tất cả các hợp tác xã được tham gia. Điều quan trọng nhất là sự vào cuộc quyết liệt của các tỉnh, thành. Khi Trung ương gửi công văn về địa phương, Bộ mong muốn các tỉnh ý thức được việc chăm lo sản xuất nông nghiệp là việc của tỉnh, phải vào cuộc hỗ trợ bà con, coi đây là chiến lược, nhiệm vụ của tỉnh để làm sao có phương án triển khai chi tiết trên phương án khung Bộ TT-TT đưa ra", Thứ trưởng nhấn mạnh.
Theo Thứ trưởng Phạm Anh Tuấn, thời gian tới, Bộ sẽ làm việc cụ thể với Bưu điện Việt Nam và Viettel Post để phối hợp với 63 tỉnh, thành lên kịch bản chi tiết, phương án bài bản, rồi sau đó ra quân đồng loạt triển khai với mục tiêu trước mắt tất cả bà con đưa được sản phẩm lên sàn.
Tính từ đầu năm đến nay, toàn bộ mạng lưới của Bưu điện Việt Nam đã mở được gần 11.000 tài khoản bán hàng của các hộ SXNN, đào tạo cho 8.166 hộ, sản với 10.776 sản phẩm được đưa lên sàn. Trong khi đó, số lượng phát sinh đơn hàng trên sàn hơn 3 triệu đơn, tổng giá trị đơn hàng đạt 140 tỷ đồng, số lượng truy cập hàng ngày khoảng 50.000 lượt. |
Nguyệt Minh
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Hàng triệu cá nhân, tổ chức đang sống bằng thu nhập từ TikTok
Ghi nhận tại nhiều ngân hàng thương mại: Tỷ lệ giao dịch số tiệm cận mức tuyệt đối
Ngăn chặn thất thoát dữ liệu doanh nghiệp bằng công nghệ cao
Đà Nẵng đặt mục tiêu 90% doanh nghiệp du lịch ứng dụng công nghệ số vào năm 2030
Chương trình phòng chống lừa đảo trực tuyến 2024: Sân chơi mới, bổ ích cho các KOLs
Cột tin quảng cáo