Chuyển đổi số

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông: Hỗ trợ nông dân lên sàn thương mại điện tử không chỉ là việc của doanh nghiệp

DNVN - Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) Phạm Anh Tuấn khẳng định, việc hỗ trợ bà con nông dân lên sàn thương mại điện tử không chỉ là việc của doanh nghiệp mà là việc lớn mang tính quốc gia, là nhiệm vụ của tất cả hệ thống chính trị, trong đó quan trọng nhất là sự vào cuộc chủ động và quyết liệt của địa phương.

Chuyên gia chia sẻ cách sớm loại bỏ kịch bản bán hàng và marketing thủ công để tăng doanh số / Ra mắt Trung tâm Công nghệ phòng, chống dịch COVID-19 quốc gia

Cần sự chủ động và quyết liệt

Thông điệp trên đã được Thứ trưởng Phạm Anh Tuấn đưa ra tại Hội nghị trực tuyến phổ biến, hướng dẫn triển khai Kế hoạch đưa hộ sản xuất nông nghiệp (SXNN) lên sàn thương mại điện tử (TMĐT), thúc đẩy kinh tế số nông nghiệp, nông thôn (Kế hoạch 1034) do Bộ TT-TT tổ chức ngày 11/8.
Với mục tiêu hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp tiêu thụ sản phẩm và tiếp nhận thông tin, mua sắm nguyên vật liệu phục vụ sản xuất kinh doanh từ các sàn TMĐT, ngày 21/7 vừa qua, Bộ TT-TT đã ban hành Quyết định 1034/QĐ-BTTTT phê duyệt Kế hoạch 1034.
Tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ TT-TT Phạm Anh Tuấn cho biết, thực hiện Quyết định 1034/QĐ-BTTTT, Bộ TT-TT yêu cầu triển khai quyết liệt Kế hoạch 1034, theo đó các Cơ quan Trung ương, địa phương, sàn TMĐT, tổ chức/DN cần phối hợp chặt chẽ cũng như làm tốt công tác truyền thông, thông tin trên mọi phương tiện thông tin...
Bộ TT-TT tập trung chỉ đạo các doanh nghiệp (DN) bưu chính đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn TMĐT của Bưu điện Việt Nam (Postmart.vn) và Viettel Post (voso.vn), tập trung phát huy tối đa tiêu thụ trong nước.
Trong khi nhiều địa phương than khó khi đưa các hộ SXNN lên sàn TMĐT, Thứ trưởng Phạm Anh Tuấn nhấn mạnh, cần phải xác định việc việc hỗ trợ người nông dân theo hình thức kinh doanh mới không phải là việc của DN, của hai sàn TMĐT, mà là việc lớn mang tính quốc gia.

Thứ trưởng Bộ TT-TT Phạm Anh Tuấn phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: MIC)
Theo Thứ trưởng, vấn đề đặt ra không phải là cứ đợi địa phương phải có nông sản chủ lực, phải có sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã, phường một sản phẩm), phải có sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGap thì mới lên sàn. Có thể bà con chưa tham gia VietGap, chưa có OCOP nhưng bà con vẫn lên sàn, phản ảnh trung thực sản phẩm của mình. Từ đó bà con ý thức được rằng khi lên sàn, nếu chất lượng sản phẩm không bảo đảm thì không bán được hàng, sau đó bà con sẽ điều chỉnh. Khi đó, không cần tuyên truyền, mà các hộ SXNN sẽ chủ động đề nghị Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn muốn tham gia VietGap, OCOP. Chỉ những sản phẩm chủ lực và đạt tiêu chuẩn thì Bộ TT-TT mới truyền thông rộng rãi đến tất cả các kênh.
"Ngay như na Lạng Sơn nếu làm tốt thì không cần xuất khẩu, chỉ cần tiêu thụ trong nước. Chỉ cần tích cực quảng bá và cố gắng bảo đảm chuỗi cung ứng thông suốt để sản phẩm được tươi ngon khi đến tay người tiêu dùng với giá cả hợp lý thì mọi việc sẽ dễ dàng", Thứ trưởng cho hay.
Theo Thứ trưởng Phạm Anh Tuấn, theo chỉ đạo của Bộ, hai sàn voso và postmart sẽ làm việc và hỗ trợ tất cả các HTX và bà con nông dân trên toàn. Với cách làm này, hai sàn đang bị lỗ và đang phải bổ sung nguồn lực khác để thực hiện nhiệm vụ được bộ giao.
"Các địa phương phải xác định đây không phải là nhiệm vụ đơn thuần của 2 sàn, mà đây là nhiệm vụ của tất cả hệ thống chính trị, qua đó giúp bà con tiếp cận với hình thức kinh doanh mới và làm giàu một cách thực chất trên sản phẩm của mình, để tất cả các hợp tác xã được tham gia. Điều quan trọng nhất là sự vào cuộc quyết liệt của các tỉnh, thành. Khi Trung ương gửi công văn về địa phương, Bộ mong muốn các tỉnh ý thức được việc chăm lo sản xuất nông nghiệp là việc của tỉnh, phải vào cuộc hỗ trợ bà con, coi đây là chiến lược, nhiệm vụ của tỉnh để làm sao có phương án triển khai chi tiết trên phương án khung Bộ TT-TT đưa ra", Thứ trưởng nhấn mạnh.
Thứ trưởng cho biết, Chương trình của Bộ TT-TT được thực hiện đồng loạt trên 63 tỉnh, thành cả nước với hơn 11.000 xã với mục tiêu trước mắt tất cả bà con đưa được sản phẩm lên sàn. Vấn đề mấu chốt là các tỉnh phải xây dựng được các phương án cụ thể với các sàn và trên cơ sở phương án khung Bộ TT-TT đưa ra. Ngoài sự hỗ trợ của hai sàn TMĐT, các lực lượng khác của tỉnh phải hỗ trợ như Đoàn Thanh niên, hội phụ nữ... Có như vậy chương trình mới được triển khai thành công.
Kinh nghiệm từ Bắc Giang
Nhấn mạnh sự chủ động vào cuộc của tỉnh trong việc hỗ trợ nông dân lên sàn TMĐT, Thứ trưởng Phạm Anh Tuấn lấy ví dụ thực tế từ tỉnh Bắc Giang.
"Với Bắc Giang, chúng tôi không phải đưa ra nhiều ý kiến chỉ đạo vì tỉnh đã chủ động sau những kinh nghiệm thu được từ vụ vải thiều vừa qua. Có thể sản lượng tiêu thụ trên sàn chưa được nhiều, ngay như Bắc Giang mới chỉ đạt 5%. Nhưng thông qua các sàn TMĐT sẽ giúp ích được rất nhiều cho bà con nông dân biết được giá cả, qua đó giới thiệu sản phẩm, kênh truyền thông hỗ trợ tạo thành lực mạnh để hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm, giúp đầu vào, đầu ra của các hộ nông dân được tốt hơn", Thứ trưởng chia sẻ.
Cũng đề cập đến kinh nghiệm của Bắc Giang trong việc hỗ trợ người dân áp dụng hình thức kinh doanh mới, ông Nguyễn Trọng Đường- Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Quản lý doanh nghiệp (Bộ TT-TT) cho biết, việc tiêu thụ vải cho Bắc Giang hồi tháng 5/2021 là bài học mà các tỉnh có thể tham khảo.
Đúng lúc vải thiều vào vụ thu hoạch thì dịch COVID-19 bùng phát ở Bắc Giang. Nhưng với sự chủ động của chính quyền địa phương, hơn 8.000 tấn vải thiều đã được tiêu thụ ở 63 tỉnh, thành phố qua 2 sàn Postmart và Voso. Lần đầu tiên người dân ở một số tỉnh được ăn vải tươi Bắc Giang bởi cam kết của các sàn là 48 tiếng đến tay người tiêu dùng kể từ khi đặt hàng.
Và đây cũng là lần đầu tiên Việt Nam đã xuất khẩu nông sản theo mô hình TMĐT xuyên biên giới trên nền tảng TMĐT 'Make in Vietnam', hơn 1000 hộ gia đình người Việt xa quê tại Bỉ, Đức, Séc được thưởng thức trái vải tươi ngon trong 96 giờ kể từ lúc thu hoạch với tổng doanh thu 4 tỷ đồng.
"Ngoài sự chủ động của tỉnh, kết quả trên là sự vào cuộc của các Bộ: Bộ NN&PTNT, Bộ TT-TT, Bộ GTVT, Bộ Công thương, Bộ Ngoại giao và các tỉnh, thành phố. Trong đó, Bộ NN&PTNT xây dựng quy trình chuẩn, Bộ TT-TT chỉ đạo 2 sàn TMĐT Postmart.vn, Voso.vn vào cuộc và triển khai chương trình truyền thông rộng rãi trên khắp cả nước và truyền thông ra nước ngoài", ông Đường nhìn nhận.
Nguyệt Minh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm