Bám sát vướng mắc hiện tại để gỡ khó cho doanh nghiệp
DNVN - Chính phủ sắp sửa ban hành nghị quyết về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp (DN) đến năm 2025. Theo đó, trong giải pháp ngắn hạn sẽ bám sát vào những vướng mắc hiện tại của DN để tháo gỡ nguồn vốn, giải quyết câu chuyện về thị trường, lao động...
9.000 cửa hàng bán lẻ xăng dầu "than" nhiều quy định không phù hợp / Diễn đàn kết nối nông sản 970 cần mở rộng sự tham gia của doanh nghiệp
Trong năm 2022, việc triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội được thực hiện quyết liệt. Chính phủ đã có những hành động quyết liệt để duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Các giải pháp tháo gỡ khó khăn về nguồn cung xăng dầu trong nước, giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu đã được thực hiện khẩn trương, hiệu quả nhằm giảm chi phí sử dụng xăng dầu cho DN và người dân. Việt Nam đã tiếp tục cải cách thể chế kinh tế nhằm tạo không gian kinh tế lớn hơn, thuận lợi hơn cho khu vực DN và kinh tế tư nhân.
Chia sẻ về câu chuyện cải cách thể chế và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, bà Trịnh Thị Hương - Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch & Đầu tư) khẳng định, câu chuyện cải cách thể chế, cải thiện điều kiện kinh doanh, tạo thuận lợi cho khu vực DN và kinh tế tư nhân phát triển luôn là nhiệm vụ trọng tâm và xuyên suốt trong các nhiệm kỳ của Chính phủ.
Trước đây là Nghị quyết 19, Nghị quyết 02 và hiện là Nghị quyết số 01, trong đó gộp cả nội dung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Chính phủ liên tục có những bước rà soát và sửa đổi các quy định pháp lý để làm sao giảm bớt sự chồng chéo, tạo được sự thống nhất, minh bạch, thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh của DN.
Bà Trịnh Thị Hương - Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch & Đầu tư).
Theo đó đã tiến hành sửa đổi Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp. Đầu năm 2022 Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 9 luật . Bước đi này được cộng đồng DN đánh giá rất cao bởi đã giúp tháo gỡ những điểm nghẽn và có thể huy động, khơi thông được các nguồn lực để phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
Ngay trong bối cảnh bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19, Chính phủ đã kịp thời tham mưu cho Quốc hội cũng như cấp thẩm quyền cao hơn để có thể có những định hướng và chủ trương, chính sách, giải pháp rất kịp thời như Nghị quyết 105, Nghị quyết 128. Đây là những chính sách đã giúp nền kinh tế đạt được những kết quả đáng khích lệ trong năm vừa qua.
Tuy nhiên, theo Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp, cần nhìn nhận thẳng thắn rằng trong năm 2023, với nền kinh tế quy mô còn nhỏ bé nhưng độ mở lớn, trong khi tình hình địa - chính trị thế giới có nhiều bất ổn, thách thức, nguy cơ và cơ hội đan xen nhau. Do đó, Chính phủ vẫn tiếp tục khẳng định tinh thần kiến tạo, đồng hành cùng DN để tạo lập môi trường kinh doanh ngày càng thuận lợi cho DN.
Một số vấn đề nổi cộm hiện nay về lãi suất, tỷ giá hay trái phiếu DN, thị trường chứng khoán, thị trường bất động sản cũng đang được các bộ, ngành nắm bắt, tham mưu cho Chính phủ để kịp thời sửa đổi các quy định pháp lý. Chẳng hạn sửa đổi Nghị định 65 về thị trường trái phiếu dựa trên những vướng mắc từ thực tiễn để kịp thời sửa đổi.
Dù vậy, công tác quản lý về Nhà nước sửa đổi, hay ban hành 1 chính sách cũng cần phải bảo đảm thị trường phát triển một cách lành mạnh, vừa hỗ trợ hoạt động của DN nhưng cũng bảo đảm ngăn chặn các hành động có thể bị lợi dụng, xâm phạm lợi ích của các nhà đầu tư. Từ đó ảnh hưởng đến hệ thống tài chính, tiền tệ cũng như những hệ lụy về xã hội.
Trong năm 2023, câu chuyện về cải cách thể chế, cải thiện điều kiện môi trường kinh doanh tiếp tục là vấn đề trọng tâm. Trong chương trình xây dựng văn bản, luật và pháp lệnh năm 2023 rất nhiều luật quan trọng sẽ được đưa ra thảo luận và thông qua trong các kỳ họp Quốc hội thời gian tới như Luật Đất đai, Luật Giá, Luật Đấu thầu, Luật Hợp tác xã, Luật Kinh doanh Bất động sản, Luật Nhà ở.
Chính phủ cũng sắp sửa ban hành nghị quyết về hỗ trợ và phát triển DN đến năm 2025, trong đó có các giải pháp ngắn hạn và nhóm giải pháp dài hạn.
Trong giải pháp ngắn hạn sẽ bám sát vào những vướng mắc hiện tại của DN để tháo gỡ nguồn vốn cho DN, giải quyết câu chuyện về thị trường, lao động...
"Là cơ quan hỗ trợ phát triển DN nên chúng tôi thường xuyên phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành cũng như các hiệp hội DN để nắm bắt được tình hình của DN. Qua phản ánh của DN, 1 trong những kiến nghị mà DN rất nhấn mạnh thời gian gần đây là bên cạnh việc sửa đổi chính sách, câu chuyện thực thi chính sách là vô cùng quan trọng", bà Trịnh Thị Hương chia sẻ.
Các DN kiến nghị cần đảm bảo tính nhất quán trong thực thi, minh bạch, rõ ràng và có thái độ phục vụ mang tính chất đồng hành cùng DN. Do đó, trong thời gian tới, bên cạnh việc sửa đổi, hoàn thiện các cơ chế chính sách, chúng ta cần đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả thực thi chính sách để tiếp tục tạo điều kiện cho DN phục hồi và phát triển.
Nguyệt Minh
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo