Hỗ trợ doanh nghiệp

Chinh phục thị trường Đức: Cần bỏ tư duy sản xuất nhỏ lẻ

DNVN - Đức được biết đến là một trong số những thị trường tiêu dùng “khó tính” nhất thế giới. Người tiêu dùng Đức thường rất kỹ tính, bảo thủ và trung thành với các thương hiệu quen thuộc. Để chinh phục được thị trường này, Việt Nam cần có những nông trường lớn để sản xuất được những mặt hàng chất lượng tốt và đồng đều.

Miễn phí trưng bày sản phẩm đặc trưng Đà Nẵng tại Diễn đàn Routes Asia 2022 / Sắp diễn ra phiên tư vấn xuất khẩu sang thị trường Đức

Thị trường khó tính
Tại phiên tư vấn xuất khẩu sang thị trường Đức do Cục Xúc tiến thương mại tổ chức chiều 21/4, ông Lê Hoàng Tài - Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại cho biết, trong nhiều năm qua, Đức duy trì vị thế là một trong những đối tác xuất khẩu quan trọng nhất của Việt Nam tại thị trường EU nói riêng và thế giới nói chung. Đức cũng là cửa ngõ trung chuyển quan trọng của hàng hoá Việt Nam sang các thị trường khác ở Châu Âu.
Việt Nam xuất khẩu nhiều loại hàng hoá sang Đức, trong đó có nhiều mặt hàng nông sản, thực phẩm đang được hưởng những ưu đãi thuế từ Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA). Bên cạnh đó, một điểm lợi thế nữa của thị trường Đức là nước này có cộng đồng người Việt Nam đông đảo, đang sinh sống, làm việc và kinh doanh tại đây. Có hệ thống phân phối sản phẩm châu Á, trong đó phần lớn có xuất xứ từ Việt Nam rộng khắp tại Đức. Là các đầu mối tiêu thụ và trung chuyển tiềm năng của hàng hóa xuất khẩu Việt Nam không chỉ trong phạm vi nước Đức.

Theo ông Lê Hoàng Tài, một khi hàng hoá đã thâm nhập và được thị trường Đức đón nhận thì cũng đồng nghĩa với cơ hội vào được các thị trường khác trong khối EU.
"Để xuất khẩu các mặt hàng nông sản, thực phẩm vào Đức, có 3 nhóm vấn đề chính các doanh nghiệp (DN) cần hết sức chú trọng là chất lượng, vệ sinh an toàn sản phẩm và trách nhiệm xã hội. Một khi hàng hoá đã thâm nhập và được thị trường Đức đón nhận thì cũng đồng nghĩa với cơ hội vào được các thị trường khác trong khối EU", ông Tài lưu ý.
Nói sâu về thị trường này, ông Bùi Vương Anh - Tham tán thương mại Việt Nam tại Đức chia sẻ, Cộng hoà liên bang Đức được biết đến là một trong số những thị trường tiêu dùng “khó tính” nhất thế giới. Người tiêu dùng Đức thường rất kỹ tính, bảo thủ và trung thành với các thương hiệu quen thuộc.
Ước tính có khoảng 60% người tiêu dùng sẵn sàng mua nhiều lần cùng một nhãn hiệu đã sử dụng. Vì thế người Đức thường ưu tiên sử dụng các sản phẩm trong khu vực Châu Âu, sản phẩm quốc gia và địa phương. Tuy nhiên, thời gian gần đây, người tiêu dùng Đức cũng ngày càng cởi mở hơn với hàng hóa quốc tế.
Theo số liệu thống kê của Bộ Công Thương, tổng kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam – Đức năm 2021 đạt trên 11,13 tỷ USD, trong đó, xuất khẩu sang Đức đạt trên 7,25 tỷ USD, tăng 9,1% so với năm 2020. Nhập khẩu từ Đức đạt khoảng 3,88 tỷ USD, tăng 16% so với năm 2020.
3 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu của Việt Nam sang Đức đạt 2,12 tỷ USD, tăng 25,1%. Nhập khẩu của Việt Nam từ thị trường Đức đạt 929,4 triệu USD, tăng 10,6%.
Như vậy, năm 2021 Việt Nam xuất siêu sang Đức 3,37 tỷ USD, 3 tháng đầu năm nay xuất siêu gần 1,2 tỷ USD. Đây là một tín hiệu rất khả quan và nằm trong xu hướng tăng chung của tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa Việt Nam và EU sau hơn 1 năm thực thi Hiệp định thương mại tự do EVFTA.
Việt Nam và Đức hợp tác chủ yếu trong lĩnh vực năng lượng, da giày, dệt may. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu da giày sang Đức trung bình 900 triệu - 1 tỷ USD, kim ngạch xuất khẩu dệt may sang Đức trung bình 750 - 800 triệu USD.
Nhấn mạnh Đức là thị trường khó tính, ông Vũ Văn Long - Chủ tịch Hiệp hội DN Việt Nam tại Đức cho biết, quốc gia này kiểm tra nghiêm ngặt về thực phẩm để đảm bảo sức khỏe người dân.
"Đức có những nông trường lớn với chất lượng sản phẩm đồng đều. Trong khi đó, hàng Việt Nam có chất lượng không đồng đều do tư duy của người Việt Nam từ xưa là làm ăn nhỏ lẻ, manh mún, không tập trung. Qua đây, tôi mong muốn Việt Nam cần phải bỏ tư duy sản xuất nhỏ lẻ, theo đó cần có những nông trường lớn để sản xuất những mặt hàng chất lượng tốt và đồng đều; không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm. Khi sản phẩm đã vào được Đức thì sẽ dễ dàng chinh phục được các thị trường khác ở Châu Âu", ông Long chia sẻ.
Tránh tư tưởng kinh doanh ngắn hạn
Cũng theo ông Long, số lượng người Việt Nam sinh sống, học tập và làm việc tại Đức rất đông. Đây là cầu nối cho mối quan hệ giữa hai bên, là nơi để DN Việt Nam cùng kết hợp, đưa hàng hóa sang Đức qua con đường ngắn nhất và hiệu quả nhất.
Các DN Việt Nam nên kết hợp chặt chẽ với các cơ quan và Hiệp hội Doanh nghiệp Việt Nam, qua đó nắm bắt được thông tin cần thiết để hợp tác kinh doanh với đối tác hiệu quả.

Chủ tịch Hiệp hội DN Việt Nam tại Đức nhấn mạnh Đức là thị trường khó tính, muốn chinh phục cần phải bỏ tư duy sản xuất nhỏ lẻ.
Trong khi đó, chia sẻ về cách tiếp cận thị trường Đức, Tham tán thương mại Việt Nam tại Đức cho rằng, DN cần tìm hiểu kỹ thông tin về thị trường Đức, EU thông qua kênh Thương vụ Việt Nam tại Đức. Nghiên cứu các quy định về nhập khẩu hàng hóa, thuế, thủ tục hải quan, đặc biệt các quy định phi thuế quan như SPS và TBT. Lựa chọn phương thức thâm nhập thị trường và phương thức quảng bá sản phẩm phù hợp.
Tìm kiếm đối tác tin cậy, hợp tác bền vững tránh tư tưởng kinh doanh ngắn hạn. Xác minh đối tác kinh doanh trước khi thực hiện ký kết hợp đồng. Điều chỉnh sản phẩm, quy trình sản xuất (nếu cần) để đáp ứng yêu cầu của thị trường và của người mua.
Ngoài ra, cần tăng cường thiết lập và củng cố mối quan hệ đối tác lâu dài, tin tưởng lẫn nhau và hợp tác chặt chẽ với nhà nhập khẩu để nắm bắt những yêu cầu về chất lượng, mẫu mã, khuynh hướng thị trường.
Hiện Thương vụ đang phối hợp với một số đơn vị hỗ trợ DN trong việc cung cấp thông tin liên quan đến phân phối; tham dự hội chợ quốc tế, chuyên ngành; tiếp cận câu lạc bộ người mua; tư vấn về tài chính, thanh toán, luật và giải quyết tranh chấp.
Thu An
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm