Hỗ trợ doanh nghiệp

Đà Nẵng: Thu ngân sách 10 tháng giảm

DNVN - Theo Cục Thống kê Đà Nẵng, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn TP sơ bộ đến ngày 20/10/2023 đạt hơn 15.600 tỷ đồng, giảm hơn 20% so với cùng kỳ năm 2022; trong đó, thu ngân sách trung ương đạt gần 4.300 tỷ đồng, thu ngân sách địa phương đạt hơn 11.300 tỷ đồng.

Đà Nẵng: Thúc đẩy chuyển đổi số lĩnh vực năng lượng, sản xuất công nghiệp / Dự kiến khởi động đường bay nối Philippines - Đà Nẵng vào tháng 12

Thu ngân sách giảm nhưng phải bảo đảm các khoản chi

Theo Cục Thống kê Đà Nẵng, thu ngân sách nhà nước trên địa bàn 10 tháng năm 2023 giảm so với cùng kỳ 2022 do TP tiếp tục giải quyết các chính sách miễn, giảm thuế nhằm hỗ trợ người dân và doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh. Bên cạnh đó, tình hình kinh tế khó khăn dẫn đến nhu cầu tiêu dùng trong dân bị cắt giảm, một số ngành hàng chịu thuế suất cao sụt giảm doanh thu đáng kể.

Đà Nẵng tiếp tục giải quyết các chính sách miễn, giảm thuế nhằm hỗ trợ người dân và doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh.

Đà Nẵng tiếp tục giải quyết các chính sách miễn, giảm thuế nhằm hỗ trợ người dân và doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh.

Trong tổng thu ngân sách nhà nước của TP Đà Nẵng, hoạt động thu nội địa tiếp tục chiếm tỷ trọng chủ yếu (85,6%) và là cơ sở để thực hiện cân đối các nguồn chi trong năm. Tuy nhiên, thu nội địa của TP tính đến ngày 20/10/2023 ước gần 13.400 tỷ đồng, giảm gần 14% so với cùng kỳ 2022.

Hầu hết các khoản mục thu nội địa đều giảm sâu. Điển hình, khoản thu về nhà, đất giảm hơn 24% do thực hiện Quyết định 01/2023/QĐ-TTg ngày 31/01/2023 của Thủ tướng Chính phủ về giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước của năm 2022 đối với các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Một số khoản thu về thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế thu nhập cá nhân cũng bị ảnh hưởng khá lớn do nhu cầu tiêu dùng các loại mặt hàng như bia, thuốc lá... giảm mạnh. Trong khi chi phí nguyên, nhiên vật liệu đầu vào tăng cao làm giảm lợi nhuận dẫn đến số thuế phải nộp vào ngân sách giảm.

Cục Thống kê Đà Nẵng cũng cho biết, hoạt động xuất nhập khẩu 10 tháng qua đối mặt nhiều khó khăn, thách thức đã tác động trực tiếp đến nguồn thu cân đối xuất nhập khẩu. Cùng thời điểm năm 2022 (từ ngày 1/1 đến 20/10), khoản thu này trên địa bàn đạt gần 3.900 tỷ đồng thì năm 2023 chỉ hơn 1.900 tỷ đồng, giảm 50,3% tương đương giảm 1.939 tỷ đồng.

Trong khi đó, theo Cục Thống kê Đà Nẵng, các khoản chi vẫn phải bảo đảm nhằm khôi phục, phát triển kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội. Cụ thể, tổng chi ngân sách nhà nước trên địa bàn sơ bộ đến ngày 20/10 gần 21.400 tỷ đồng, tăng gần 10% so cùng kỳ 2022. Trong đó, chi đầu tư phát triển hơn 7.000 tỷ đồng, tăng hơn 8%; chi thường xuyên hơn 14.000 tỷ đồng, tăng 10% so cùng kỳ năm trước.

Cụ thể, chi sự nghiệp kinh tế (với tỷ trọng chiếm gần 9% trong tổng chi ngân sách) tăng 21%; chi cho quốc phòng (chiếm 24%) tăng 20,1%. Đáng chú ý, 10 tháng qua các khoản chi sự nghiệp bảo đảm xã hội chỉ bằng gần 80%; các khoản chi khác chỉ bằng 66,8% cùng kỳ 2022 do TP siết chặt các khoản chi chưa thực sự cần thiết để tập trung nguồn lực cho các nhiệm vụ chính, cấp thiết hơn.

Khó đạt tăng trưởng GRDP năm 2023 theo kế hoạch

Tại cuộc họp báo ngày 25/10 của UBND TP Đà Nẵng về tình hình kinh tế - xã hội quý III/2023, Phó Giám đốc Sở KH&ĐT Đà Nẵng Lê Minh Tường cho biết, trong bối cảnh đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, TP vẫn duy trì được tốc độ tăng GRDP (tổng sản phẩm xã hội) so với năm 2022 nhưng xu hướng tăng là đang giảm theo từng quý (quý I tăng 7,5%, 6 tháng tăng 3,1%, 9 tháng tăng 2,8%).

Sở KH&ĐT Đà Nẵng cũng dự kiến 3 tháng cuối năm 2023, tình hình sản xuất tiếp tục khó khăn do chuỗi giá trị tiếp tục bị đứt gãy, số lượng đơn hàng mới tiếp tục giảm, thu nhập người dân giảm sẽ tác động nhiều đến các lĩnh vực dịch vụ, tiêu dùng. Do vậy, khó có thể đạt được kế hoạch tăng trưởng GRDP 6 – 7% đề ra cho năm 2023.

Để giữ được đà tăng trưởng trong tình hình khó khăn hiện nay, Sở KH&ĐT Đà Nẵng kiến nghị chính quyền TP cần tập trung các giải pháp để duy trì và thúc đẩy các ngành, lĩnh vực dịch vụ chiếm tỷ trọng lớn có tốc độ tăng trưởng tốt (như du lịch, GTVT, thông tin truyền thông, ngân hàng…).

Tập trung hoàn thành chỉ tiêu giải ngân vốn đầu tư công, tháo gỡ một phần khó khăn hoạt động xây dựng của các tổ chức tư nhân nhằm bù đắp cho các ngành, lĩnh vực đang có xu hướng giảm sâu bởi tác động của tình hình kinh tế thế giới và trong nước.

Đồng thời khẩn trương hoàn thành việc kêu gọi, lựa chọn nhà đầu tư, xây dựng hạ tầng các khu, cụm công nghiệp; tổ chức gặp gỡ các doanh nghiệp hoạt động xuất nhập khẩu, các doanh nghiệp có tiềm năng, đóng góp lớn để có giải pháp, chính sách hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, khôi phục kinh tế TP.

Hải Châu
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm