Hỗ trợ doanh nghiệp

Doanh nghiệp gặp khó khi tìm hiểu thông tin giảm phát thải

DNVN - Theo phản ánh của các hiệp hội doanh nghiệp (DN), hiệp hội chưa nắm rõ, chưa đánh giá được vai trò cũng như các yêu cầu, quy định mới có khả năng ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh để đồng hành cùng Chính phủ trong việc thực hiện cam kết đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 mà Thủ tướng tuyên bố tại Hội nghị COP26.

Chủ tịch Savipharm Trần Tựu: Đề xuất chuyển khu chế xuất Tân Thuận thành khu công nghệ, đất ở có một số vấn đề không hợp lý / CEO Đỗ Khắc Hà: Tadi muốn "chia lửa" với tài xế taxi giữa lúc thị trường gặp khó khăn

Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV - thuộc Hội đồng Tư vấn Cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ) vừa có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về những khó khăn, thách thức của DN trong quá trình phục hồi sau đại dịch COVID-19.
Qua trao đổi, thảo luận, nắm bắt nhanh tình hình từ 16 tổ chức, hiệp hội DN trong nửa đầu tháng 8 vừa qua, Ban IV cho rằng, một trong những thách thức lớn được các DN phản ánh là khó khăn về tìm hiểu thông tin xung quanh chủ đề giảm phát thải.
Cam kết mạnh mẽ đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 mà Thủ tướng tuyên bố tại Hội nghị COP26 thể hiện quan điểm, chiến lược rõ ràng của Chính phủ Việt Nam trong vấn đề chống biến đổi khí hậu và phát triển bền vững. Ngay sau đó là sự cụ thể hóa cam kết bằng những hành động cụ thể của Chính phủ, thông qua việc thành lập Ban chỉ đạo Quốc gia Triển khai thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26, ban hành Nghị định số 06/2022/NĐ-CP và Quyết định số 01/2022/QĐ-TTg.

DN chưa có những kênh thông tin cung cấp các khía cạnh liên quan trực tiếp tới DN về giảm phát thải.
Tuy nhiên, quá trình này để đi tới thành công thì bên cạnh nỗ lực của Chính phủ với vai trò kiến tạo, dẫn dắt, người dân, DN cần đóng vai trò trung tâm và là chủ thể thực hiện. Trong đó, người dân cần nâng cao ý thức từ những việc nhỏ nhất như giảm thiểu rác thải sinh hoạt, giữ gìn vệ sinh môi trường. Đối với các DN trước hết cũng cần tuân thủ nghiêm các quy định về bảo vệ môi trường, đặc biệt là các dự án đầu tư phải đảm bảo đáp ứng đủ các yêu cầu, điều kiện cần thiết về môi trường mới được phép triển khai và hoạt động.
Ở góc độ khác, thách thức được các hiệp hội phản ánh bước đầu là DN, hiệp hội hiện còn chưa nắm rõ, chưa đánh giá được vai trò của mình cũng như các yêu cầu, quy định mới có khả năng ảnh hưởng tới sản xuất, kinh doanh để đồng hành với quyết tâm của Chính phủ. Hiện chưa có những kênh thông tin cung cấp các khía cạnh liên quan trực tiếp tới DN.
Thách thức ngày càng gia tăng khi thời gian gần đây, Mỹ và Liên minh châu Âu - các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam - đang đề xuất áp dụng một cơ chế mới, được gọi là Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (viết tắt là CBAM). Trong đó đưa ra các rào cản kỹ thuật, các quy định liên quan giảm phát thải.
Những quy định này buộc DN ở các nước xuất khẩu vào các thị trường này phải tuân theo và có thể đánh thuế carbon trong trường hợp không đáp ứng các quy định. Thời hạn áp dụng các cơ chế này, nếu được thông qua, sẽ là ngay đầu năm 2024 (đối với cơ chế của Mỹ) và 2026 (đối với cơ chế của EU). Như vậy, sẽ có ảnh hướng rất lớn và phức tạp tới hầu hết DN sản xuất xuất khẩu của Việt Nam.
Để hỗ trợ DN nâng cao nhận thức về vấn đề giảm phát thải để thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26 và thích ứng với thách thức từ các thị trường quốc tế, hiện Ban IV đang tiến hành khảo sát nhanh diện rộng DN nhằm đánh giá kĩ hơn nhận thức của cộng đồng DN xung quanh vấn đề này, sớm có thông tin, căn cứ chi tiết báo cáo Thủ tướng Chính phủ để đề xuất các giải pháp phù hợp.
Ban IV đề xuất Thủ tướng cho phép Ban làm việc cùng Bộ Tài nguyên & Môi trường trong quá trình này để có những tham mưu hiệu quả và thiết kế được các chương trình hữu ích cho DN.
Minh Thu
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm