Hỗ trợ doanh nghiệp

Doanh nghiệp nhỏ chọn ‘ăn chắc, mặc bền’ cho xuất khẩu

Chọn việc chế biến để gia tăng giá trị nông sản, có thương hiệu chuyên nghiệp, “bắt sóng” nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng quốc tế, đáp ứng các tiêu chuẩn ngặt nghèo... là cách mà một số doanh nghiệp nhỏ đang làm để “ăn chắc, mặc bền” cho xuất khẩu.

Biệt thự đơn lập Sun Grand City Feria hấp dẫn nhà đầu tư sành sỏi / 10 yếu tố quyết định sự tồn, vong của một doanh nghiệp

Nói về kinh nghiệm chào hàng sản phẩm ra nước ngoài ở một doanh nghiệp (DN) thuộc dạng nhỏ, chị Nguyễn Ngọc Hương, Giám đốc công ty TNHH Thiên Nhiên Việt (Tp.HCM), cho biết đã đưa ra một list (danh sách) các sản phẩm và nói với phía đối tác đó là những sản phẩm chủ lực của công ty phù hợp với thị trường của họ.

Căn cơ từ sản xuất đến chào hàng

Khi đó, phía đối tác sẽ được định hướng và họ cũng sẽ kiểm tra lại thông tin về thế mạnh của DN đối với nhóm sản phẩm chủ lực này, cũng như xác định rõ là liệu người tiêu dùng của nước họ thực sự có nhu cầu về những sản phẩm đó hay không.

“Nếu họ thực sự có nhu cầu thì họ sẽ đặt đơn hàng cao cho sản phẩm. Trong list của mình, nếu đối tác quan tâm đến sản phẩm nào thì chúng ta hãy chăm sóc cái đó”, chị Hương nói.

HINH-6221-1599212879.jpg

Các DN nhỏ cần nắm bắt nhu cầu và yêu cầu của người tiêu dùng ngoại cho sản phẩm thực phẩm xuất khẩu.

Chẳng hạn như việc đặt ra câu hỏi tại thị trường châu Âu thì người Hà Lan có sử dụng nước rau má hay không ? Chị Hương khẳng định là có. Theo phía đối tác tại Hà Lan đang nhập khẩu sản phẩm bột rau má sấy của công ty chị thì người tiêu dùng tại đây đang rất thích ưa chuộng sản phẩm này.

Được biết, riêng thị trường Hà Lan, thời gian gần đây DN của chị Hương đã xuất khẩu (XK) gần 20.000 sản phẩm mang thương hiệu Quảng Thanh, như: Bột rau má, tía tô, diếp cá, chùm ngây, lá sen và trà xanh, cần tây…

Và ngoài thị trường này thì phía công ty cũng chuẩn bị XK sang thị trường Mỹ, đơn hàng 5.000 sản phẩm theo dạng gia công (đang chờ đối tác ở Mỹ gửi bao bì và làm các thủ tục thông qua cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ – FDA).

Trong khoảng một năm trở lại đây, đều đặn hàng tháng Công ty Thiên Nhiên Việt XK 500kg bột rau sấy lạnh các loại sang thị trường Ấn Độ và Hàn Quốc. Và trong tương lai gần thì công ty đang nhắm đến thị trường Nhật Bản.

Có thể thấy, với một DN nhỏ, thành lập trong khoảng thời gian chưa lâu như nêu trên, đang thể rõ sự tích cực trong việc đưa các sản phẩm chủ lực của mình ra thị trường nước ngoài. Và họ đang chọn cách làm căn cơ từ sản xuất cho đến chào hàng theo hướng “ăn chắc, mặc bền”.

 

Như chia sẻ của chị Nguyễn Ngọc Hương: Cần giữ đẳng cấp cho hàng Việt khi ra thị trường thế giới khi chúng ta có nhiều lợi thế với nguồn rau quả ngon không kém quốc gia nào cả. Điều này đòi hỏi việc tạo ra những sản phẩm chế biến từ nông sản trong nước với đầy đủ các thông tin mà người tiêu dùng quốc tế cần đến.

Theo giới chuyên gia, để sản phẩm của DN vừa và nhỏ trong nước “ăn chắc, mặc bền”, tránh bị coi là sản phẩm thô và chỉ cạnh tranh được bằng giá thành, thì sản phẩm đó phải được chế biến, đóng gói và có thương hiệu chuyên nghiệp.

Cạnh tranh sòng phẳng

Đồng thời, các DN nhỏ cần phải đáp ứng được các tiêu chuẩn cần thiết khi đưa sản phẩm xuất ngoại. Mục đích cuối cùng là thu được lợi nhuận lớn hơn, bởi lẽ người tiêu dùng quốc tế thường sẵn sàng trả giá cao hơn cho hương vị, hình ảnh và thương hiệu tốt.

Như việc tiếp cận với thị trường châu Âu, ông Nguyễn Huy - một chuyên gia về tiêu chuẩn hàng Việt XK, cho rằng việc XK sang EU thì các DN Việt đang có được lợi thế về mặt thuế suất, nhưng nếu không đảm bảo chất lượng thì sẽ không bền vững, và khi đó cơ hội để tận dụng Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) chưa hẳn đã là cơ hội.

 

Theo ông Huy, từng nhiều năm làm chuyên gia đánh giá an toàn thực phẩm cho các nhà máy chế biến thực phẩm đi EU, thì thấy rằng các DN cần đáp ứng tiêu chuẩn điển hình là BRC (một tiêu chuẩn toàn cầu được đưa ra bởi Hiệp hội bán lẻ Anh Quốc hiện đang được phổ biến).

Ông Huy cho biết tại Việt Nam hiện đang có trên 400 giấy chứng nhận BRC cho các DN. Để ra được một thực phẩm đến tay người tiêu dùng thì có các công đoạn từ trồng trọt, chăn nuôi, rồi sau đó đến chế biến. Với tiêu chuẩn BRC thì họ lại tập trung nhiều ở các công đoạn sau liên quan đến các nhà máy chế biến thực phẩm.

Với góc nhìn của một chuyên gia kinh doanh quốc tế thuộc Đại học RMIT, Ts. John Walsh nhấn mạnh EU áp dụng các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật thuộc hàng cao nhất trên thế giới. Những tiêu chuẩn này có thể sẽ ngặt nghèo hơn nữa sau đại dịch Covid-19.

Ngoài ra, các DN nhỏ nên biết một số chuỗi bán lẻ cao cấp có thể có tiêu chuẩn riêng, thậm chí còn cao hơn các tiêu chuẩn chung, bởi chất lượng sản phẩm là lợi thế cạnh tranh của họ.

Nhiều người tiêu dùng châu Âu cũng đưa ra quyết định mua hàng dựa trên các tiêu chí như mức sử dụng hóa chất, các vấn đề thương mại công bằng và đối xử nhân đạo với vật nuôi.

 

Tất nhiên, số người mua hàng dựa trên giá cả vẫn đông đảo hơn và nhiều nhà bán lẻ giá rẻ đang phục vụ cho những khách hàng này. Song những nhà bán lẻ như vậy không mang lại lợi nhuận cao cho các nhà cung cấp dạng nhỏ tại Việt Nam.

“Để đáp ứng các tiêu chuẩn cần thiết cho XK, các nhà sản xuất Việt cần xem xét tất cả các khía cạnh của quá trình sản xuất. Điều hợp lý cần làm là hãy nhắm đến các tiêu chuẩn cao nhất nhằm đảm bảo sản phẩm có thể cạnh tranh trên thị trường quốc tế”, ông Walsh nói.

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm