Hỗ trợ doanh nghiệp

Đồng Tháp: Nuôi cá linh trên ruộng lúa thu hàng trăm triệu đồng

DNVN - Từ dự án sinh kế mùa lũ, Phòng Kinh tế TP Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp đã triển khai mô hình nuôi cá linh non trên ruộng lúa. Loại cá đặc sản này giúp người dân thu hàng trăm triệu đồng.

Đồng Tháp: Duy trì tỉ lệ thất nghiệp chung ở mức dưới 1% / Đồng Tháp: Làng bột 100 năm tuổi điêu đứng vì COVID-19

Cá linh xuất hiện khi nước lũ từ thượng nguồn sông Mê Kông ở Campuchia đổ về. Khi đó người dân ở các tỉnh đầu nguồn như An Giang, Đồng Tháp có thể đánh bắt cá linh bằng nhiều phương tiện như: Vó, chài, vợt, lưới thả, lưới giăng, đặt dớn (loại ngư cụ đánh bắt cá). Những năm gần đây, nước lũ về muộn và mực nước thấp hơn nhiều so với những năm về trước nên con cá đặc sản mùa lũ ít dần.

Mô hình nuôi cá linh và tôm càng xanh trên ruộng lúa.

Mô hình nuôi cá linh và tôm càng xanh trên ruộng lúa.

Ông Dương Phú Xuân, Trưởng phòng Kinh tế TP Hồng Ngự cho biết, cá linh, nhất là cá linh non là một đặc sản chỉ có vào thời điểm đầu mùa lũ ở Đồng bằng sông Cửu Long. Từ nhu cầu thực tế, Trường Đại học Đồng Tháp đã nghiên cứu cho cá linh đẻ trứng thành cá bột nhỏ như sợi tóc và sau đó nuôi thử nghiệm trên đồng ruộng.

Mùa lũ năm nay, anh Bùi Trí Nhân (27 tuổi, phường An Bình B, TP Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp), sau khi được hướng dẫn kỹ thuật đã quyết định thả nuôi cá linh non và tôm càng xanh trên ruộng lúa. Với hơn 8h mặt nước, thả 5 triệu con cá linh bột (giá 3 đồng/con) sau 30 ngày thu được gần 2,2 tấn cá linh non.

Theo anh Nhân, việc thả nuôi cá linh trên ruộng lúa không phải lo chi phí thức ăn chỉ cần dẫn nước vào và chờ đến ngày thu hoạch nên vốn đầu tư rất thấp. Từ 5 triệu con cá bột nhỏ như sợi tóc, sau 30 ngày nuôi trên ruộng lúa sẽ thành cá linh non to bằng đầu đũa. Cá linh non là loại ngon nhất bởi thịt cá mềm, ngọt làm được nhiều món ngon như: Nấu canh chua, nấu ngót, chiên giòn, làm mắm… Thời điểm thu hoạch và xuất bán đạt khoảng 130.000 đồng/kg, anh Nhân thu hàng trăm triệu đồng.

Nông dân thả tôm càng xanh vào ruộng lúa

Nông dân thả tôm càng xanh vào ruộng lúa.

Ông Dương Phú Xuân cho biết, thành công từ mô hình nuôi cá linh của anh Nhân, mùa nước nổi năm tới địa phương sẽ mở rộng mô hình này để bà con vùng lũ tận dụng mặt nước ruộng để nuôi cá linh hay các loại các nước ngọt khác.

Sau khi thu hoạch cá linh, anh Nhân tiếp tục tận dụng nguồn lợi có sẵn để trồng lúa và nuôi tôm càng xanh. Giống lúa được sử dụng trong dự án này là lúa mùa, có đặc tính mạnh, chống chịu sâu bệnh tốt, nước cao đến đâu cũng có thể vượt lên được.

Cùng thời điểm xuống giống lúa, anh Nhân cũng thả khoảng 300.000 con tôm càng xanh ở ao bên cạnh. Sau 3 tháng, anh Nhân sẽ lựa những con tôm to bằng ngón tay, bẻ bớt càng để tôm phát triển phần thịt và thả vào ruộng lúa. Số tôm nhỏ sẽ tiếp tục nuôi trong ao.

Thu hoạch cá linh non sao 30 ngày thả nuôi.

Thu hoạch cá linh non sao 30 ngày thả nuôi.

Đến cuối tháng 11, khi nước lũ rút cũng là lúa trổ bông, số tôm thả vào ruộng lúa sẽ không cần phải lo chi phí thức ăn, tôm càng xanh phát triển tốt cùng với lúa. Tôm sẽ tự tìm thức ăn là ấu trùng quanh gốc lúa, các loại rong tảo khác.

Dự án sinh kế mùa lũ, do Phòng Kinh tế TP Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp triển khai từ tháng 6/2021 trên diện tích 11ha kết hợp trồng lúa nuôi cá linh và tôm càng xanh, trong đó có một ao rộng một ha dùng để nuôi tôm giống và 10 ha trồng lúa.

Tính Lập
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm