Hỗ trợ doanh nghiệp

Thủ tướng sắp đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp

DNVN - Với mục tiêu tiếp tục khơi gợi, thôi thúc lòng tự hào dân tộc của các doanh nhân Việt Nam, lắng nghe ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và các thành viên Chính phủ sẽ đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp vào ngày 23/12 tới tại Hà Nội.

Lần đầu tiên VINASME thảo luận về “kinh tế ban đêm” / Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa: Tồn tại khoảng cách lớn giữa chính sách và thực thi

Thông tin quan trọng này đã được Thứ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư Vũ Đại Thắng đưa ra tại cuộc họp báo sáng 19/12 thông tin về Tổ chức "Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp" với chủ đề "Phát triển mạnh mẽ doanh nghiệp - Hội nhập, hiệu quả, bền vững".
Theo Thứ trưởng Vũ Đại Thắng, năm 2019, kinh tế nước ta đạt nhiều thành tựu đáng khích lệ, thể hiện sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp (DN) và người dân, trong đó sự đóng góp của cộng đồng DN từ DN Nhà nước, DN tư nhân đến các DN FDI là rất tích cực.
"Dù môi trường đầu tư kinh doanh của nước ta đã có nhiều chuyển biến, nhiều cải cách nhưng Thủ tướng Chính phủ vẫn chỉ đạo phải cải cách hơn nữa để đáp ứng với nhu cầu mới. Thời gian tới, chúng ta sẽ tiếp tục truyền thống các Nghị quyết của Chính phủ về cải thiện môi trường đầu kinh doanh. Để có nghị quyết sát với thực tiến, khơi gợi sự tham gia của cộng đồng doanh nhân, DN, Thủ tướng Chính phủ quyết định tổ chức đối thoại với cộng đồng DN vào ngày 23/12 tới tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Hà Nội", ông Vũ Đại Thắng phát biểu.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư Vũ Đại Thắng phát biểu tại buổi họp báo.

Hội nghị được tổ chức nhằm lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp, chuyên gia, hiệp hội, tổ chức quốc tế đề xuất các giải pháp và cam kết nỗ lực cùng Chính phủ thúc đẩy lực lượng doanh nghiệp phát triển hiệu quả và bền vững trong bối cảnh hội nhập quốc tế; Trả lời, đối thoại giữa các Bộ trưởng/Thành viên Chính phủ với các cộng đồng doanh nghiệp trong việc đảm bảo môi trường đầu kinh doanh an toàn và thuận lợi, các chính sách, chương trình, hành động hỗ trợ phát triển doanh nghiệp. tài liệu.
Hội nghị cũng được tổ chức nhằm mục đích đưa ra cam kết, giải pháp từ Thủ tướng và các thành viên Chính phủ để tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam trong những năm tới.
Đặc biệt, Thủ tướng mong muốn truyền tải thông điệp: thế giới đang thay đổi, hội nhập mạnh mẽ, thách thức về môi trường, các vấn đề xã hội ngày một phức tạp, cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân cần tăng cường đoàn kết, liên kết sức mạnh, phát huy lòng tự hào dân tộc để phát triển lớn mạnh; đồng thời có trách nhiệm với cộng đồng, với xã hội, với quốc gia, dân tộc, tạo dựng đất nước độc lập, tự chủ, bền vững và hùng cường; phát triển khu vực kinh tế tư nhân, đưa kinh tế Việt Nam phát triển bền vững.
Cục trưởng Cục Phát triển Doanh nghiệp Lê Mạnh Hùng cho biết, với tinh thần luôn đồng hành cùng doanh nghiệp của Đảng và Nhà nước, cũng như sự nỗ lực vươn lên mạnh mẽ của chính cộng đồng doanh nghiệp, sau hơn 30 năm đổi mới, khu vực doanh nghiệp ngày càng phát huy và khẳng định vai trò, vị trí quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội quốc gia.
"Đây là bối cảnh mà Thủ tướng Chính phủ muốn đẩy mạnh tinh thần phong trào doanh nhân - doanh nghiệp để cộng đồng DN phát triển bền vững trong tương lai", ông Lê Mạnh Hùng phát biểu.
Sự linh hoạt và đổi mới sáng tạo trong kinh doanh cũng có những bước tiến lớn và được các tổ chức có uy tín trên thế giới ghi nhận và đánh giá cao. Việt Nam không tách khỏi xu hướng của thế giới trong bối cảnh quốc tế liên tục chuyển mình. Đây là những tín hiệu tích cực từ phía cộng đồng DN Việt Nam. Tuy nhiên, sự phát triển của khu vực doanh nghiệp vẫn còn chưa thực sự hiệu quả và bền vững.
Mặc dù số lượng doanh nghiệp thành lập mới liên tục tăng nhưng tỷ lệ doanh nghiệp gặp khó khăn phải tạm ngừng kinh doanh vẫn còn ở mức cao. Thiếu các doanh nghiệp có quy mô lớn và vừa, từ đó dẫn tới sự mất cân đối trong cấu trúc các doanh nghiệp.
Ngoài ra, năng lực khoa học công nghệ của các DN còn hạn chế, máy móc thiết bị còn lạc hậu; chưa mạnh dạn đầu tư cho ứng dụng và phát triển khoa học công nghệ trong doanh nghiệp, đặc biệt công nghệ lõi, công nghệ tiên phong.
Trình độ quản trị doanh nghiệp còn thấp, chủ yếu theo quy mô hộ gia đình, thiếu tầm nhìn, chiến lược kinh doanh dài hạn; chưa chú trọng đào tạo nâng cao kỹ năng quản trị, thiếu lao động chất lượng cao, có tay nghề. Khả năng liên kết yếu, năng lực cạnh tranh thấp để có thể xuất khẩu sang thị trường nước ngoài, tham gia vào các chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu.
"Trong bối cảnh thế giới đang thay đổi, hội nhập quốc tế ngày càng mạnh mẽ mở ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp nhưng cũng có không ít rủi ro và thách thức. Bên cạnh đó những vấn đề về môi trường, biến đổi khí hậu và các vấn đề xã hội ngày càng phức tạp", ông Lê Mạnh Hùng đánh giá.
Do đó, "Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp" vào ngày 23/12 tới là dịp để Thủ tướng Chính phủ cùng các cơ quan Bộ ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp cùng nhìn lại, đánh giá tình hình phát triển của khu vực doanh nghiệp thời gian qua về các kết quả đạt được; những hạn chế, tồn tại; nguyên nhân và đề xuất, giải pháp thúc đẩy phát triển doanh nghiệp mạnh mẽ, hiệu quả và bền vững hơn nữa.
Khoảng 1000 đại biểu, bao gồm lãnh đạo các Bộ, ngành, cơ quan trung ương; lãnh đạo các Ban Đảng, Quốc hội; lãnh đạo các địa phương; các chuyên gia kinh tế; đại diện các tổ chức, hiệp hội doanh nghiệp trong và ngoài nước, các doanh nghiệp Việt Nam và quốc tế, các hợp tác xã, hộ kinh doanh có quy mô lớn và các ngân hàng thương mại sẽ tham dự sự kiện.
Bên lề Hội nghị có tổ chức trưng bầy sản phẩm, dịch vụ, công nghệ, máy móc thiết bị của một số tập đoàn và doanh nghiệp tiêu biểu như: SunGroup, FLC, Viettel, Habeco, VinGroup, Tập đoàn Cao su Việt Nam, Hapro,… thể hiện sự phát triển mạnh mẽ, hiệu quả và bền vững của khu vực doanh nghiệp trong bối cảnh hội nhập quốc tế.
Nguyệt Minh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm