Hỗ trợ doanh nghiệp

Lộ diện những kế hoạch kinh doanh đầu tiên cho năm 2020

Năm 2019 đang dần khép lại, ngoài việc chạy đua hoàn thiện chỉ tiêu trong những ngày cuối năm thì một số doanh nghiệp cũng đã lập chiến lược kinh doanh cho năm 2020. Nhiều kế hoạch lớn đã bắt đầu lộ diện như của Đạm Phú Mỹ, Lọc hóa Dầu Bình Sơn, Becamex, MWG….

Hoá giải điểm nghẽn để da giày Việt Nam phát triển từ CPTPP, EVFTA / Lần đầu tiên VINASME thảo luận về “kinh tế ban đêm”

MWG, Đạm Phú Mỹ muốn tăng trưởng cao

CTCP Đầu tư Thế Giới Di Động (HoSE: MWG)vừa thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2020 gồm doanh thu thuần 122.554 tỷ đồng và lãi sau thuế 4.835 tỷ đồng. So với kế hoạch năm 2019, mục tiêu mới ghi nhận mức tăng lần lượt 13% và 34%.

Tính đến hết tháng 10, doanh thu thuần công ty đạt 84.723 tỷ đồng, tăng 17% và thực hiện 78% kế hoạch năm; lãi sau thuế 3.260 tỷ đồng, tăng 35% và thực hiện 91% kế hoạch năm.

kh-19-1134-1576634989.png

MWG đặt kế hoạch tăng trưởng cao nhưng vẫn thực hiện vượt kế hoạch.

Sau hơn một thập kỷ phát triển thần tốc, MWG đang đối diện với thách thức mới và cũng là thành tựu của doanh nghiệp: “bài toán tăng trưởng”. Giữa bối cảnh mảng kinh doanh điện thoại truyền thống bão hòa, MWG đã và đang tìm cách tăng doanh thu bằng việc bán những món hàng chưa từng bán và phục vụ những khách hàng chưa từng phục vụ.

Công ty đã liên tục chuyển đổi mô hình các siêu thị Thegioididong.com và Điện máy Xanh để tìm công thức phù hợp, tấn công thị trường bán lẻ tiêu dùng với Bách Hóa Xanh, thay đổi chính sách bán hàng online, mang rổ rá bát đũa và gia dụng ra ngoài cửa hàng, bán đồng hồ, kinh doanh nhà thuốc, chuỗi Điện thoại Siêu Rẻ…

Trong đó Bách Hóa Xanh được xem là trụ cột mới, là động lực tăng trưởng lớn nhất cho MWG và cũng là mối quan tâm lớn nhất của giới đầu tư. Công ty cho biết sẽ đạt mục tiêu 1.000 siêu thị Bách Hóa Xanh ngay trong tháng 12 (tập trung chủ yếu ở TP HCM và Nam Bộ), cùng với đó là thử nghiệm kinh doanh tại khu vực miền Trung để tạo bàn đạp cho việc mở rộng ra cả nước.

Số lượng cửa hàng Bách hóa Xanh dự kiến đạt khoảng 2.000 cửa hàng vào cuối năm 2020. Trong khoảng 1.000 cửa hàng mới dự kiến được mở trong năm sau thì khoảng 70-80% cửa hàng được mở tại miền Nam; số còn lại sẽ được mở tại miền Trung.

Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (Đạm Phú Mỹ, HoSE: DPM) cũng đặt mục tiêu tăng trưởng cao cho năm 2020. Trong đó, tổng doanh thu năm là9.237 tỷ đồng, tăng 7% so với con số kế hoạch năm 2019. Tuy nhiên, mục tiêu lợi nhuận trước thuế và sau thuế dự kiến lần lượt là 513 tỷ và 433 tỷ đồng, gấp 2,5 lần chỉ tiêu lợi nhuận đặt ra cho năm trước.

Đạm Phú Mỹ có truyền thống đặt kế hoạch kinh doanh rất thấp so với thực hiện năm trước. Kết quả thực tế 9 tháng năm 2019 cho thấy doanh thu Đạm Phú Mỹ giảm 23% xuống 5.398 tỷ đồng và lãi sau thuế giảm 72% còn 152 tỷ đồng. Dù kết quả giảm mạnh, công ty đã hoàn thành 89% chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế.

kh-2-5176-1576594792.png

Đạm Phú Mỹ thường đặt kế hoạch rất thấp

Một số doanh nghiệp khác cũng có mục tiêu tăng trưởng cao như Đầu tư và Phát triển TDT (HNX: TDT) đặt kế hoạch gần 566 tỷ đồng cho tổng doanh thu, tăng 59% so với kế hoạch năm trước; kế hoạch về lợi nhuận trước thuế đạt 58 tỷ đồng, cao gấp đôi kế hoạch năm 2019.

Công ty Viễn thông – Tin học Bưu điện (CTIN, mã: ICT) đặt kế hoạch doanh thu năm sau là 4.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế hợp nhất 160 tỷ đồng. Các chỉ tiêu này lần lượt cao hơn 50% và 56% so với kế hoạch năm 2019.

BSR, Becamex đặt kế hoạch thận trọng

Hoạt động kinh doanh của công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn (UPCoM: BSR) đang có nhiều biến động lớn. Công ty từng báo lãi kỷ lục 7.673 tỷ đồng năm 2017 trước thềm IPO; nhưng bất ngờ lỗ hơn 1.000 tỷ đồng trong quý IV/2018 khiến lãi ròng năm 2018 chỉ hơn 3.600 tỷ đồng, vừa đủ để hoàn thành kế hoạch năm.

Năm 2019, nhà máy lọc dầu đặt kế hoạch thận trọng với doanh thu công ty mẹ 97.783 tỷ và lãi sau thuế 3.100 tỷ đồng. Dù vậy, mới đây BSR phải xin điều chỉnh giảm chỉ tiêu rất sâu với lợi nhuận sau thuế chỉ 1.165 tỷ đồng, giảm 62% so với ban đầu. Kết quả 9 tháng cho thấy công ty mẹ đã lãi 1.274 tỷ đồng.

Trong năm 2020, BSR sẽ thực hiện bảo dưỡng tổng thể NMLD Dung Quất trong 51 ngày (12/6/2020 - 1/8/2020) nên kế hoạch sản xuất kinh doanh dự kiến gồm sản lượng 5,56 triệu tấn, doanh thu (ở giá dầu 60 USD/thùng) là 80.686 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế là 1.183 tỷ đồng.

kh-5-5432-1576634989.png

Kết quả kinh doanh của công ty mẹ BSR đang đi xuống.

Kết quả kinh doanh đi xuống là tác nhân chính khiến cổ phiếu BSR cũng lao dốc. Từ vùng đỉnh 31.300 đồng/cp phiên chào sàn tháng 3/2018, cổ phiếu đến nay chỉ còn 8.500 đồng/cp, tương ứng mất 73% giá trị vốn hóa.

Một ông lớn khác là Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp (Becamex, UPCoM: BCM) cũng thận trọng cho năm 2020. Becamex đặt chỉ tiêu kinh doanh công ty mẹ với doanh thu 6.000 tỷ đồng, tăng 3% và lợi nhuận sau thuế 1.759 tỷ đồng, tăng 3% so với ước kết quả năm 2019.

Năm 2019 Becamex từng đề ra kế hoạch tăng trưởng rất cao với chỉ tiêu lợi nhuận 1.702 tỷ đồng, gần gấp đôi năm 2018. Dù vậy, công ty mới đây ước tính có thể vượt 600 triệu đồng so với kế hoạch đề ra, đạt gần 1.703 tỷ đồng.

Công ty Vật tư - Xăng dầu (HoSE: COM) đưa ra kế hoạch năm 2020 cũng không khả quan. Theo đó, doanh thu dự kiến là 4.000 tỷ đồng, tăng 13% so với kế hoạch năm 2019 nhưng chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế chỉ 31 tỷ đồng, giảm hơn 18%. Riêng 9 tháng năm nay, công ty đã lãi 42 tỷ đồng và vượt 10% chỉ tiêu đề ra.

CTCP Đầu tư Thương mại Xuất nhập khẩu Việt Phát (HoSE: VPG) đặt kế hoạch doanh thu năm 2020 là 2.800 tỷ đồng, tăng 6% so với kế hoạch năm trước. Tuy nhiên, chỉ tiêu lợi nhuận lại giảm gần 30% so với kế hoạch 2019, còn 56 tỷ đồng. Năm 2019, công ty mới thực hiện 52% kế hoạch lợi nhuận sau 9 tháng.

Hay CTCP Lilama 10 (HoSE: L10) đề ra chương trình năm 2020 với doanh thu 1.080 tỷ và lợi nhuận 20 tỷ đồng. Đáng chú ý là kế hoạch lãi 20 tỷ đồng đã được công ty đặt ra trong liên tục giai đoạn 2018-2020. Kết quả 9 tháng năm 2019 cho thấy công ty có lãi 15 tỷ đồng, hoàn thành 75% kế hoạch đề ra.

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm