Hỗ trợ doanh nghiệp

Hỗ trợ thiết thực 40 doanh nghiệp thâm nhập và phát triển tại thị trường Trung Quốc

DNVN - Trung tâm Hỗ trợ Xuất khẩu nói riêng và Cục Xúc tiến thương mại nói chung đã có những hỗ trợ tích cực trong việc đưa 40 doanh nghiệp Việt Nam sang Trung Quốc trực tiếp giao dịch với các đối tác từ ngày 10 - 13/6 tới nhằm mang lại những giá trị cụ thể và thiết thực cho các doanh nghiệp, đơn vị, tổ chức tham gia.

Nông sản Việt Nam ngày càng có chỗ đứng tại thị trường Nga / Chủ tịch Quốc hội: Việc chậm di dời các cơ sở theo Quyết định 130 là trách nhiệm của các bộ ngành

Từ ngày 10 – 13/6/2019, Cục Xúc tiến thương mại ̣Bộ Công Thương) giao Trung tâm Hỗ trợ Xuất khẩu tổ chức cho 40 doanh nghiệp và đại diện các cơ quan quản lý ngành Công Thương, xúc tiến thương mại 11 tỉnh, thành phố phía Bắc Việt Nam tham gia Đoàn Giao dịch thương mại tại Nam Ninh (Quảng Tây) và Côn Minh (Vân Nam), Trung Quốc.
Xung quanh chương trình xúc tiến xuất khẩu có ý nghĩa quan trọng với doanh nghiệp này, phóng viên Tạp chí Điện tử Doanh nghiệp Việt Nam đã có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Thị Thu Thủy - Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Xuất khẩu - Cục Xúc tiến thương mại.
bà Nguyễn Thị Thu Thủy - Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Xuất khẩu - Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương)

Bà Nguyễn Thị Thu Thủy - Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Xuất khẩu - Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương)

Là đơn vị trực tiếp thực hiện Chương trình đưa 40 doanh nghiệp và các cơ quan quản lý ngành Công thương, xúc tiến thương mại 11 tỉnh, thành phố phía Bắc Việt Nam tham gia Đoàn Giao dịch thương mại tại Nam Ninh và Côn Minh từ ngày 10 đến 13/6 tới trong khuôn khổ Chương trình Xúc tiến thương mại Quốc gia năm 2019, bà đánh giá như thế nào về chương trình này?
Đây là một hoạt động xúc tiến xuất khẩu quan trọng trong chuỗi gồm một loạt các hoạt động lớn do Cục Xúc tiến thương mại giao Trung tâm Hỗ trợ Xuất khẩu trực tiếp thực hiện trong năm 2019. Chương trình hướng tới đa dạng các mục tiêu, trong đó, mục tiêu hàng đầu là hỗ trợ doanh nghiệp nông sản, thực phẩm... Việt Nam kết nối được với các đối tác nhập khẩu, kênh phân phối tiềm năng của Trung Quốc để thúc đẩy xuất khẩu hàng Việt Nam sang Trung Quốc (cụ thể là 2 tỉnh Trung Quốc giáp giới với Việt Nam là Quảng Tây và Vân Nam).
Cùng với các hoạt động tổ chức cho doanh nghiệp Việt Nam tham gia các sự kiện hội chợ, triển lãm quy mô quốc tế lớn của Trung Quốc, việc tổ chức đoàn trực tiếp, chủ động đi giao dịch với đối tác một cách chuyên nghiệp như thế này luôn chứng tỏ là phương thức xúc tiến xuất khẩu đem lại những giá trị cụ thể và thiết thực cho các doanh nghiệp, đơn vị, tổ chức tham gia.
40 DN tham gia đoàn bao gồm nhiều doanh nghiệp tên tuổi và cả những DN quy mô nhỏ vừa. Vậy, điều kiện để các DN tham gia đoàn là gì, thưa bà?
Một là những doanh nghiệp có năng lực sản xuất và/hoặc kinh doanh những mặt hàng mà thị trường Trung Quốc cần, có sức hấp dẫn đối với nhà nhập khẩu Trung Quốc. Và với chương trình lần này, chúng tôi tập trung chuyên sâu vào nhóm các doanh nghiệp về nông sản và thực phẩm, ưu tiên những mặt hàng có thế mạnh, triển vọng thâm nhập và phát triển ở thị trường Trung Quốc.
Hai là nhân sự các doanh nghiệp cử đi phải là những người có khả năng giao thương, đàm phán kinh doanh với đối tác Trung Quốc, ở vị trí có thể ra quyết định ngay tại Trung Quốc về các thỏa thuận cung ứng xuất khẩu hàng hóa cho các đối tác Trung Quốc.
Ba là doanh nghiệp nộp hồ sơ đăng ký tham gia chương trình đúng hạn quy định.
Bà có thể cho biết Ban Tổ chức có ưu tiên nào với các doanh nghiệp tham gia đoàn hay không?
Chúng tôi hướng ưu tiên đối với những doanh nghiệp mạnh của Việt Nam đã có kinh nghiệm xuất khẩu sang nhiều thị trường lớn trên thế giới, trong đó có Trung Quốc. Những doanh nghiệp lớn sang thị trường lớn thì sẽ có nhiều khả năng giao dịch được với các đối tác lớn của nước bạn với những thỏa thuận lớn.
Đồng thời, chúng tôi rất khuyến khích việc tham gia của các doanh nghiệp vừa và nhỏ chưa xuất khẩu sang Trung Quốc nhưng có mục đích, chiến lược, kế hoạch... rõ rệt về phát triển với thị trường Trung Quốc.
Thưa bà, Trung tâm Hỗ trợ xuất khẩu nói riêng và Cục Xúc tiến thương mại nói chung đã có những hoạt động hỗ trợ nào giúp 40 doanh nghiệp tham gia đoàn lần này?

Theo quy định tại Thông tư số 171/2014/TT-BCT ngày 14/11/2014 của Bộ Tài chính về Chương trình Xúc tiến thương mại quốc gia, các doanh nghiệp được lựa chọn tham gia sẽ được Nhà nước hỗ trợ chi phí đi lại từ Việt Nam sang Trung Quốc và ngược lại; chi phí tổ chức Hội thảo giao thương giữa các doanh nghiệp Việt Nam và Trung Quốc tại Trung Quốc.
Trước khi các doanh nghiệp lên đường tham gia Đoàn, chúng tôi sẽ cung cấp cho doanh nghiệp các thông tin tổng quan và chuyên sâu về thị trường Trung Quốc, những vấn đề cần biết khi kinh doanh với đối tác Trung Quốc; hướng dẫn doanh nghiệp chuẩn bị các tài liệu quảng bá và hàng mẫu (có nhãn mác tiếng Trung) mang theo đoàn; hướng dẫn doanh nghiệp những phương thức giao dịch hiệu quả với đối tác tiềm năng Trung Quốc...; thu xếp vận chuyển hàng mẫu... sang Trung Quốc cho doanh nghiệp...
Đồng thời, chúng tôi cũng phối hợp với các cơ quan, tổ chức phía Việt Nam và Trung Quốc tại địa bàn nước sở tại (gồm Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Nam Ninh, Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Côn Minh, Sở Thương mại Quảng Tây (Trung Quốc ), Sở Thương mại Vân Nam (Trung Quốc), các hiệp hội ngành hàng, tổ chức doanh nghiệp Trung Quốc) vận động và mời các doanh nhân, nhà nhập khẩu, đại diện các kênh phân phối nông sản, thực phẩm... triển vọng của Trung Quốc tới làm việc, giao dịch với các doanh nghiệp Việt Nam tại các Hội nghị giao thương, các chương trình tiếp xúc đối tác ở Nam Ninh và Côn Minh; cung cấp cho các doanh nghiệp Việt Nam danh sách các nhà nhập khẩu đã xác nhận đến gặp gỡ, giao dịch với đoàn tại các Hội nghị giao thương để doanh nghiệp Việt Nam có những sự chuẩn bị làm việc chu đáo nhất có thể với phía bạn.
Được biết, đoàn giao dịch thương mại Việt Nam sang Trung Quốc lần này thực hiện các chương trình giao thương, xúc tiến xuất khẩu có quy mô lớn nhất từ trước tới nay do Bộ Công Thương Việt Nam giao Cục Xúc tiến thương mại phối hợp với Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Nam Ninh, Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Côn Minh, Sở Thương mại Quảng Tây và Sở Thương mại Vân Nam (Trung Quốc) đồng tổ chức. Vậy, bà có thể cho biết Trung tâm Hỗ trợ Xuất khẩu - Cục Xúc tiến thương mại có kỳ vọng gì về chuyến đi sắp tới?
Chúng tôi mong muốn các doanh nghiệp, địa phương tham gia đoàn trực tiếp trải nghiệm thị trường, nâng cao nhận thức và hiểu rõ hơn về nhu cầu, triển vọng của thị trường Trung Quốc đối với các mặt hàng nông sản, thực phẩm của Việt Nam
Các doanh nghiệp sẽ đạt được nhiều thỏa thuận giá trị về cung ứng nông sản, thực phẩm cho các đối tác của Trung Quốc, góp phần thúc đẩy thương mại Việt Nam - Trung Quốc ngày càng phát triển.
Ngoài ra, với chương trình lần này, chúng tôi kỳ vọng các doanh nghiệp, địa phương Việt Nam có thêm nhiều động lực cải tiến, phát triển sản phẩm để xuất khẩu chính ngạch và bền vững với thị trường Trung Quốc.
Trân trọng cảm ơn bà!

Như tin đã đưa, 40 doanh nghiệp tham gia đoàn lần này đến từ 20 tỉnh/thành phố của Việt Nam. Trong số này, có nhiều doanh nghiệp tên tuổi của ngành công nghiệp thực phẩm ở Việt Nam như: Baseafood, Vinamilk, Elovi, Tigifood, Tập đoàn Liên Việt, Friesland Campina Việt Nam, Thực phẩm Tân An… cùng các doanh nghiệp vừa và nhỏ có năng lực sản xuất và kinh doanh xuất khẩu sang Trung Quốc, có mục đích và triển vọng phát triển thị trường Trung Quốc trong các lĩnh vực ngành hàng mục tiêu của Chương trình đoàn.


Nguyệt Minh thực hiện
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm