Hỗ trợ doanh nghiệp

Hỗ trợ tín dụng, miễn giảm thuế phí để doanh nghiệp "mặn mà" đầu tư vào nông nghiệp

DNVN - Chất vấn Bộ trưởng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn (NN-PTNT) và gửi câu hỏi đến người đứng đầu Bộ Kế hoạch & Đầu tư (KH-ĐT) sáng 8/6, Đại biểu Quốc hội Huỳnh Thanh Phương (tỉnh Tây Ninh) cho rằng, doanh nghiệp chưa "mặn mà" đầu tư vào nông nghiệp do còn nhiều điểm nghẽn và khó khăn.

Đà Nẵng đặt nhiều kỳ vọng vào Diễn đàn Đầu tư 2022 / Hoa hậu Ngô Phương Lan là Đại sứ thương hiệu Biostime tại Việt Nam

Đại biểu Huỳnh Thanh Phương đặt vấn đề, doanh nghiệp được xác định là mắt xích quan trọng trong thúc đẩy nông nghiệp sản xuất theo hướng hàng hóa, quy mô lớn, ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm, thúc đẩy xuất khẩu nông sản.
Tuy nhiên, việc thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp trong những năm qua gặp không ít khó khăn do chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, tiềm ẩn nhiều rủi ro, thiên tai, dịch bệnh nên doanh nghiệp chưa mặn mà tham gia. Mặt khác, còn nhiều điểm nghẽn khi doanh nghiệp tham gia đầu tư, như khó tiếp cận đất đai, thị trường tiêu thụ chưa ổn định, các chính sách ưu đãi còn nhiều thủ tục hành chính khiến doanh nghiệp ngại. Đây là những nguyên nhân cơ bản góp phần cho ngành sản xuất nông nghiệp nước ta còn nhiều hạn chế.
Giải trình vấn đề này, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cho biết: Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo, Bộ KH-ĐT đang xem lại để sửa đổi Nghị định 57 để thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Điều này được kỳ vọng sẽ thay đổi nền nông nghiệp nước nhà.

Bộ trưởng NN-PTNTLê Minh Hoan trả lời tại nghị trường Quốc hội trong phiên chất vấn.
Doanh nghiệp hàng ngày, hàng giờ đối mặt với sự biến động thị trường và có nhiều thông tin. Thông tin của doanh nghiệp còn nhanh nhạy hơn thông tin từ các cơ quan quản lý Nhà nước.
Nhiều chính sách đã tương đối đầy đủ, nhưng vấn đề là nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước có điều kiện nhất định. Trong khi đó, doanh nghiệp phản ánh còn rất nhiều khó khăn và nhiêu khê.
Đầu ra của nền nông nghiệp bấp bênh thì đầu vào cũng bấp bênh và chính sách cũng bấp bênh. Nhưng những gì mà Bộ NN-PTNT đã làm với Gia Lai, Đắk Lắk, Lai Châu, nếu các địa phương cùng với Bộ rà soát lại từng dự án thì chúng ta có thể thay đổi được, vượt qua được phần nào khó khăn.
Nói thêm về giải pháp phát triển nông nghiệp và khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, Bộ trưởng KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng cho rằng, trước hết phải căn cứ vào nghị quyết Trung ương về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; phải tổ chức thực hiện hiệu quả chiến lược phát triển nông nghiệp bền vững trong thời gian tới.
Theo đó, phải nhanh chóng thay đổi ngay tư duy trong phát triển nông nghiệp. Đó là, phải chuyển ngay từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp. Mục tiêu phải hướng tới hiệu quả cao. Công nghệ cao chỉ là công cụ để thực hiện mục tiêu hiệu quả cao. Không tối đa hóa về sản lượng mà phải tối ưu hóa về mặt giá trị. Sản xuất nhiều mà không bán được hay thu nhập không tương xứng, trong khi sử dụng nhiều đất đai, lao động, phân bón, thuốc trừ sâu, ảnh hưởng đến môi trường thì chắc chắn không hiệu quả và phát triển sẽ không bền vững.
Thứ hai, phải xây dựng ngay một nền kinh tế tự chủ, chống chịu và thích ứng cao hơn, có chính sách phù hợp để khuyến khích doanh nghiệp và phát triển.
Về chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp phát triển vào lĩnh vực nông nghiệp. Hiện nay các chính sách của chúng ta ban hành nhiều nhưng chưa sát, đúng với cả tình hình thực tế.
Về vấn đề xây dựng luật, cơ quan quản lý chưa tính đến nhưng đang sửa ngay Nghị định 57 theo hướng mở rộng đối tượng hỗ trợ cũng như các chính sách phải lồng ghép được, phải có nguồn lực để thực hiện. Các chính sách trong Nghị định 57 hầu hết đã tương đối đầy đủ. Tuy nhiên, chúng ta không có nguồn lực, không bố trí đi kèm được nguồn lực. Việc này có cả phần khuyết điểm, trách nhiệm của Bộ KH-ĐT trong quá trình tham mưu.
Bộ đang hoàn thiện và khả năng sẽ sớm trình với Thủ tướng trong tháng 7 về sửa đổi Nghị định 57 để thúc đẩy phát triển của doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp trong thời gian tới.
Trong khi đó, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành nhấn mạnh, việc cần có cơ chế mạnh mẽ hơn nữa để hỗ trợ tín dụng, miễn giảm các loại phí, thuế để thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất vật tư nông nghiệp, phân bón. Nhất là khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào công nghiệp chế biến sản phẩm nông nghiệp, khắc phục tình trạng dư thừa sản phẩm nông nghiệp theo mùa vụ nhằm hỗ trợ tiêu thụ, gia tăng giá trị sản phẩm cho người nông dân.
Nguyệt Minh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm