Hỗ trợ doanh nghiệp

Kiến nghị "giải cứu" nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng thương mại điện tử

DNVN - Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) cho rằng nếu đông đảo người giao hàng nghỉ việc, doanh nghiệp liên quan ngừng hoạt động sẽ dẫn đến khủng hoảng trong chuỗi cung ứng tại các địa phương đang giãn cách xã hội ở mức cao.

Lưu ý với doanh nghiệp tham gia chợ thương mại điện tử sản phẩm nông nghiệp an toàn / Lazada mất ngôi “vương” thương mại điện tử: Cuộc cạnh tranh khốc liệt


VECOM cho rằng shipper là những người dũng cảm trong mùa dịch, cần được tôn vinh.

Ngày 30/7, VECOM đã có văn bản kiến nghị gửi đến Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tháo gỡ khó khăn cho các sàn thương mại điện tử trong bối cảnh COVID-19.

Theo VECOM, trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến rất phức tạp, TP Hồ Chí Minh, Hà Nội và một số địa phương khác phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 hoặc ở mức cao hơn với thời gian trên 15 ngày, thậm chí trên một tháng. Khi đó, việc vận hành tốt hoạt động thương mại điện tử sẽ góp phần quan trọng cho việc thực hiện giãn cách xã hội.

Thực tế cho thấy việc giãn cách ở mức cao và dài ngày dẫn tới nhu cầu của người dân sẽ phức tạp hơn so với giãn cách dưới 15 ngày, đồng thời bộc lộ một số nhận thức và giải pháp quản lý hoạt động thương mại điện tử chưa phù hợp.

Tổng hợp khó khăn của các sàn thương mại điện tử, VECOM kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ cho lưu thông danh mục hàng hoá như trong điều kiện bình thường.

VECOM cho hay, ngày 27/7, Bộ Công Thương đã có Công văn số 5582 gửi Thủ tướng Chính phủ về việc lưu thông hàng hoá khi thực hiện giãn cách theo Chỉ thị số 16. Bộ Công Thương kiến nghị cho phép lưu thông như trong điều kiện bình thường các hàng hoá cần vận chuyển với điều kiện bảo đảm phòng, chống dịch COVID-19.

Trong khi đó, với thực tế thời gian giãn cách mức cao bằng hoặc trên Chỉ thị 16 kéo dài, nhu cầu của cá nhân và các đơn vị, tổ chức không chỉ giới hạn ở các mặt hàng thực phẩm, thuốc men mà rất đa dạng mới đáp ứng được hoạt động sinh sống, học tập và làm việc tại nhà và trực tuyến.

Bên cạnh đó, VECOM cũng kiến nghị Chính phủ tạo thuận lợi đối với đội ngũ giao hàng (shipper).

“Mặc dù hoạt động thương mại điện tử được thực hiện trên nền tảng công nghệ tiên tiến nhưng với hàng hoá hữu hình không thể tách rời đội ngũ giao hàng. Do chưa đánh giá đầy đủ về vai trò của đội ngũ này trong thời gian qua dẫn đến tâm lý tiêu cực của nhiều người giao hàng và các doanh nghiệp quản lý họ. Nếu đông đảo người giao hàng nghỉ việc và doanh nghiệp liên quan ngừng hoạt động sẽ dẫn đến khủng hoảng trong chuỗi cung ứng cho cuộc sống của nhân dân các địa phương đang giãn cách xã hội ở mức cao”, VECOM nêu quan điểm.

Do đó, nên coi đội ngũ giao hàng có vai trò quan trọng thứ hai, sau đội ngũ y tế trực tiếp chăm sóc sức khoẻ. Trong khi đa số người dân ở nhà, shipper phải di chuyển liên tục và tiếp xúc với rất nhiều đối tượng, chịu sự giám sát chặt chẽ của nhiều đơn vị.

Trong kiến nghị, VECOM cho hay các sàn thương mại điện tử là nơi trung gian hỗ trợ người mua và người bán, mỗi sàn có thể có hàng chục ngàn người bán và đông đảo người mua. Do sự đa dạng như vậy nên tỷ lệ người mua và người bán nằm trên cùng một quận, huyện là không cao.

Hơn nữa, mỗi chuyến người giao hàng có thể có nhiều khách hàng ở những địa điểm khác nhau. Nhiều khi hai địa điểm ở hai quận liền kề lại gần hơn 2 địa điểm cùng một quận. Chính vì thế, với sự hỗ trợ của công nghệ thông tin, người giao hàng có thể tối ưu một hành trình qua nhiều quận huyện.

Thực tế, gần đây tỷ lệ đơn hàng bị hoàn trả tăng đột biến do người nhận bị cách ly cũng như các biện pháp quản lý chưa phù hợp.

“Kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao cho UBND các địa phương, đặc biệt là TP Hồ Chí Minh và Hà Nội, căn cứ tình hình thực tế để hỗ trợ người giao hàng tối ưu hoá hoạt động của mình, qua đó cũng giúp các sàn thương mại điện tử phục vụ tốt hơn nhân dân trong giai đoạn giãn cách xã hội”, VECOM nêu trong bản kiến nghị.


Nguyên Đức
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm