Hỗ trợ doanh nghiệp

Kinh tế 5 tháng: Gần 12.000 doanh nghiệp rút khỏi thị trường mỗi tháng

Dịch COVID-19 trở lại vào cuối tháng 4 đã và đang tác động cực kỳ lớn tới tình hình sản xuất kinh doanh trong tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2021. Trong 5 tháng đầu năm có tới 59,8 nghìn doanh nghiệp ra khỏi thị trường, nhập siêu quay trở lại do doanh nghiệp trong nước nhập siêu tới 12,74 tỷ USD, CPI chịu áp lực bởi giá nguyên vật liệu và xăng dầu.

Tiến sĩ Đinh Minh Hiệp: Chủng nấm Đông trùng hạ thảo quý hiếm được nuôi cấy thành công ở Việt Nam / CEO BRNDY: “Nếu khách hàng là vàng, thì nhân lực chính là kim cương”

Sáng 29/5, Tổng cục Thống kê công bố báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2021.

Điểm sáng sản xuất công nghiệp

Theo báo cáo, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 5/2021 ước tăng 1,6% so với tháng trước và tăng 11,6% so với cùng kỳ năm trước.Mặc dù dịch COVID-19 diễn biến phức tạp từ cuối tháng 4 và ảnh hưởng trực tiếp đến một số khu công nghiệp tại tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh nhưng đã nhanh chóng được khoanh vùng, kiểm soát.

san-xuat-cong-nghiep-6746-1622256947.jpg

5 tháng 2021, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 9,9% so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung 5 tháng đầu năm 2021,ước tính IIP tăng 9,9% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 12,6% (cùng kỳ năm trước tăng 3,2%), đóng góp 10,2 điểm phần trăm vào mức tăng chung.Đây là điểm sáng của phát triển sản xuất - kinh doanh trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn tác động tiêu cực tới phát triển kinh tế.

Cùng với đó, Tổng cục Thống kê cũng cho biết, vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước tháng 5/2021 tiếp tục được các Bộ, ngành và địa phương nỗ lực tập trung thực hiện trong bối cảnh dịch COVID-19 đang bùng phát lần thứ 4 tại nhiều tỉnh/thành phố, nhằm thực hiện mục tiêu kép vừa phòng chống dịch bệnh vừa tập trung đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh, tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế. Vốn thực hiện của các dự án đầu tư nước ngoài trong 5 tháng đầu năm 2021 đạt 7,15 tỷ USD, tăng 6,7% so với cùng kỳ năm trước.

Mỗi tháng có gần 12.000 doanh nghiệp rút khỏi thị trường

Trong tháng 5/2021, cả nước có 11,6 nghìn doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký 150,6 nghìn tỷ đồng và số lao động đăng ký 72,2 nghìn người, giảm 22% về số doanh nghiệp, giảm 16,3% về vốn đăng ký và giảm 23,7% về số lao động so với tháng 4/2021.

Tính chung 5 tháng đầu năm 2021, tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động đạt 78,3 nghìn doanh nghiệp, tăng 11,9% so với cùng kỳ năm 2020; vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới đạt 14 tỷ đồng, tăng 20,9%.

 

Tuy nhiên, trong 5 tháng đầu năm có 59,8 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 23% so với cùng kỳ năm 2020, bao gồm: 31,8 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm trước; 20.000 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 20,7%; 8.000 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 32,3%. Trung bình mỗi tháng có gần 12.000 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

Nhập siêu 2 tỷ USD trong tháng 5

Tổng cục Thống kê cho biết, ước tính tháng 5/2021, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 26 tỷ USD, giảm 2,1% so với tháng trước và tăng 35,6% so với cùng kỳ năm trước.

Anh-chup-Man-hinh-2021-05-29-l-7696-3029

Nhập siêu quay trở lại trong 5 tháng đầu 2021.

Tính chung 5 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 130,94 tỷ USD, tăng 30,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 33,06 tỷ USD, tăng 16,6%, chiếm 25,2% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 97,88 tỷ USD, tăng 36,3%, chiếm 74,8%.

 

Trong 5 tháng đầu năm 2021 có 22 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 87,3% tổng kim ngạch xuất khẩu (6 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 5 tỷ USD, chiếm 63,8%).

Ở chiều ngược lại, ước tính kim ngạch nhập khẩu hàng hóatháng 5/2021đạt 28 tỷ USD, tăng 0,8% so với tháng trước và tăng 56,4% so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung 5 tháng đầu năm, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 131,31 tỷ USD, tăng 36,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 45,8 tỷ USD, tăng 30,2%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 85,51 tỷ USD, tăng 39,9%.

Trong 5 tháng có 27 mặt hàng nhập khẩu đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD, chiếm 84,4% tổng kim ngạch nhập khẩu (4 mặt hàng đạt trên 5 tỷ USD, chiếm 45,3%).

Cán cân thương mại tháng 5 ước nhập siêu 2 tỷ USD. Ước tính 5 tháng đầu năm 2021, Việt Nam nhập siêu 369 triệu USD, trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 12,74 tỷ USD, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 12,37 tỷ USD.

 

Về vận tải hành khách, Tổng cục Thống kê cho biết, khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 5/2021 ước đạt 13,4 nghìn lượt người, giảm 30,8% so với tháng trước và giảm 40,6% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 5 tháng đầu năm 2021, khách quốc tế đếnViệt Namước đạt 81.000 lượt người, giảm 97,8% so với cùng kỳ năm trước.

CPI tháng 5 tăng 0,16% vì giá nguyên nhiên vật liệu 'leo thang'

Theo Tổng cục Thống kê, giá nguyên, nhiên, vật liệu đầu vào tăng ảnh hưởng đến chi phí sản xuất, làm cho giá hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng tăng; giá xăng dầu tăng theo giá thế giới; giá điện, nước sinh hoạt tăng theo nhu cầu tiêu dùng là những nguyên nhân chính làm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5/2021 tăng 0,16% so với tháng trước, tăng 1,43% so với tháng 12/2020 và tăng 2,9% so với tháng 5/2020.

Bình quân 5 tháng đầu năm 2021, CPI tăng 1,29% so với cùng kỳ năm trước - mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016; lạm phát cơ bản 5 tháng tăng 0,82%.

Giá vàng trong nước biến động cùng chiều với giá vàng thế giới. Chỉ số giá vàng tháng 5/2021 tăng 1,68% so với tháng trước, giảm 0,88% so với tháng 12/2020 và tăng 13,02% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số giá USD tháng 5/2021 giảm 0,21% so với tháng trước, giảm 0,02% so với tháng 12/2020 và giảm 1,15% so với cùng kỳ năm trước.

 

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm