Hỗ trợ doanh nghiệp

Mất cắp thương hiệu nhưng nhiều DN Việt vẫn thờ ơ với sở hữu trí tuệ

Tài sản sở hữu trí tuệ có vai trò quan trọng đối với doanh nghiệp. Tuy nhiên, sự quan tâm của các doanh nghiệp Việt Nam với lĩnh vực này vẫn hạn chế.

Xác định giá trị doanh nghiệp trong cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước / 6 tháng đầu năm, lợi nhuận của Techcombank đạt kỷ lục 5,7 nghìn tỷ đồng

Thực tiễn thời gian qua cho thấy, nhiều nhãn hiệu hàng hóa nổi tiếng của Việt Nam bị các thương gia nước ngoài đánh cắp và tiến hành đăng ký bảo hộ ở nước ngoài gây tổn hại về kinh tế cho các doanh nghiệp.

Trong đó phải kể đến: kẹo dừa Bến Tre; cà phê Trung Nguyên; cà phê Buôn Ma Thuột; nước mắm Phú Quốc, nước mắm Phan Thiết… khi các doanh nghiệp Việt phát hiện thương hiệu của mình bị đánh cắp đã tiến hành các biện pháp bảo hộ và đòi lại song gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí trong nhiều trường hợp không thể đòi lại được. Do đó, bảo hộ kiểu dáng công nghiệp và nhãn hiệu cho doanh nghiệp là yêu cầu song hành với việc mở rộng thị trường của các doanh nghiệp trong giai đoạn hiện nay.

mat cap thuong hieu nhung nhieu dn viet van tho o voi so huu tri tue hinh 1
Các doanh nghiệp cần quan tâm hơn đến bảo vệ tài sản sở hữu trí tuệ và bảo hộ kiểu dáng công nghiệp. (Ảnh minh họa: KT)

Chủ tịch Phòng Thương mại Việt Nam Vũ Tiến Lộc nhận định: “Sự quan tâm không thỏa đáng của các doanh nghiệp Việt Nam đối với vấn đề sở hữu trí tuệ nói chung và bảo hộ kiểu dáng công nghiệp và nhãn hiệu trong những năm qua đã gây ra những vấn đề rất lớn đối với cộng đồng doanh nghiệp, các doanh nghiệp Việt Nam đã phải trả giá rất đắt. Kiểu dáng công nghiệp và nhãn hiệu hàng hóa của sản phẩm Việt bị đánh cắp trên thị trường quốc tế đã diễn ra phổ biến trong các năm qua. Vì vậy, cùng với việc đẩy mạnh xuất khẩu ra nước ngoài thì việc bảo hộ kiểu dáng công nghiệp và nhãn hiệu của hàng hóa Việt Nam ngày càng trở nên quan trọng”.

Trong bối cảnh Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng, cùng với việc tham gia nhiều Hiệp định thương mại song phương và đa phương, vấn đề cam kết bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, đăng ký quyền sở hữu công nghiệp mà trong đó có quyền sở hữu kiểu dáng công nghiệp và nhãn hiệu là yêu cầu rất cần thiết đối với các doanh nghiệp Việt Nam. Bởi việc bảo hộ pháp lý đối với các quyền sở hữu trí tuệ ở trong và ngoài nước sẽ góp phần giúp doanh nghiệp Việt tiếp cận thị trường các nước trên thế giới được hiệu quả hơn.

Ông Denis Croze - Giám đốc Văn phòng Singapore của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới nhấn mạnh, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ là chỉ dấu quan trọng phản ánh chất lượng hoạt động của doanh nghiệp, cũng như khẳng định được thương hiệu của chính các doanh nghiệp trên thương trường.

“Trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng khốc liệt giữa các doanh nghiệp trong nhiều ngành nghề, lĩnh vực, quốc gia như hiện nay, thì quyền sở hữu trí tuệ, không chỉ được coi là những tài sản vô hình, mà ngày càng được các ông chủ, nhà quản lý, coi đó là những tài sản có giá trị mang lại sự thịnh vượng tài chính cho từng đơn vị kinh doanh. Bởi đây chính là các giá trị gia tăng tạo ra lợi nhuận, uy tín, thương hiệu của doanh nghiệp trên thương trường”, ông Denis Croze nói.

Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ KHCN cho biết, trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, hiện nay có một số hệ thống bảo hộ quốc tế được thiết lập như đăng ký nhãn hiệu quốc tế thông qua thỏa ước Madrid và bảo hộ kiểu dáng công nghiệp theo thỏa ước Lahay. Theo đó, đăng ký bảo hộ theo Lahay và Madrid được thực hiện đơn giản, dễ dàng, giảm thiểu thời gian và tiết kiệm chi phí. Do đó, các doanh nghiệp Việt Nam phải nắm vững các quy định để bảo vệ hữu hiệu quyền sở hữu đối với các sản phẩm.

 

Theo ông Phạm Nguyên Xuân Bắc, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Sở hữu trí tuệ Việt Nam, việc tham gia vào các Hiệp định quốc tế cũng đòi hỏi việc hoạt động bảo hộ sở hữu trí tuệ của Việt Nam phải được tiến hành hiệu quả hơn, thực chất hơn: “Các doanh nghiệp Việt Nam cần nhận thức sâu sắc hơn nữa tầm quan trọng, sức mạnh của việc bảo hộ tài sản sở hữu trí tuệ nói chung và kiểu dáng công nghiệp và nhãn hiệu hàng hóa nói riêng nhằm giúp doanh nghiệp đủ sức cạnh tranh trên thương trường và hội nhập quốc tế. Đồng thời, phải hoạt động thận trọng hơn để không xâm phạm về sở hữu trí tuệ của người khác, đặc biệt là của công ty nước ngoài”.

Có thể thấy, nếu các doanh nghiệp Việt muốn ra biển lớn trong bối cảnh hội nhập toàn cầu như hiện nay thì yêu cầu đầu tiên đặt ra cho chính các doanh nghiệp là bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, kiểu dáng, thương hiệu phải được đặt lên hàng đầu. Có như vậy, các sản phẩm Việt mới đứng vững được trên thương trường cả trong và ngoài nước, cũng như tránh được tình trạng nhiều sản phẩm nổi tiếng bị đánh cắp nhãn hiệu như thời gian vừa qua.

Theo Nguyễn Hằng/VOV
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm