Hỗ trợ doanh nghiệp

Ông Đậu Anh Tuấn: Chưa có chính sách mạnh mẽ và bài bản về cải cách thủ tục hành chính

DNVN - Tại Diễn đàn "Hỗ trợ giảm chi phí cho doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh" diễn ra chiều 27/10, ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng Ban Pháp chế VCCI nhấn mạnh, Chính phủ chưa có chính sách mạnh mẽ và bài bản trong thực hiện cải cách thủ tục hành chính. Do đó, cần đẩy mạnh hoạt động này trong thời gian tới.

Doanh nghiệp khôi phục sản xuất trong khó khăn chồng chất / Công bố cầu nối cơ hội thường xuyên, thiết thực cho "người tìm việc - việc tìm người"

Dẫn số liệu khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thực hiện tháng 9/2021 trên gần 3.000 doanh nghiệp (DN), ông Tuấn cho biết, có đến 93,9% DN bị tác động của dịch ở mức độ “hoàn toàn tiêu cực” (tăng so với con số 87,2% của khảo sát năm 2020). 60% chịu tác động “phần lớn là tiêu cực” và 34% DN nhận định dịch bệnh tác động “hoàn toàn tiêu cực” (gấp đôi so với mức 15% của năm 2020). Tỷ lệ DN không bị ảnh hưởng là rất ít. Tất cả các loại hình DN đều chịu tác động bởi đại dịch.
Tuy nhiên, Trưởng Ban Pháp chế VCCI cho rằng các chính sách hỗ trợ DN dường như chưa nhiều.
Cụ thể, đến thời điểm hiện nay, đã có những chính sách hỗ trợ DN chịu ảnh hưởng bởi COVID-19 được ban hành như Nghị quyết 68/NQ-CP ngày 12/5/2020 của Chính phủ ban hành Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020 – 2025; Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 15/7/2021 của Chính phủ ban hành Chương trình tổng thể cải cách hành chính Nhà nước giai đoạn 2021-2030.
Theo nhìn nhận của ông Tuấn, trong năm 2020, Chính phủ chưa có chính sách mạnh mẽ và bài bản trong thực hiện cải cách thủ tục hành chính. Do đó, cần đẩy mạnh hoạt động này trong thời gian tới.
Ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng Ban Pháp chế VCCI. (Ảnh: DĐDN)
Dù vậy, theo ông Tuấn, điểm sáng trong chính sách là Chính phủ trình Quốc hội thông qua Luật sửa đổi bổ sung 10 luật (Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Luật Hải quan, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự). Dù có những luật mới và có hiệu lực từ năm 2021 nhưng vẫn phải sửa mới có thể tháo gỡ được khó khăn cho DN.
Trong bối cảnh mới hiện nay, để hỗ trợ DN phục hồi sản xuất, kinh doanh, cần thực hiện mạnh mẽ 2 chương trình. Đó là nhóm thủ tục đưa dự án đầu tư vào hoạt động (đầu tư, đất đai, xây dựng, môi trường, phòng cháy chữa cháy…) và nhóm thủ tục xuất nhập khẩu (hải quan và kiểm tra chuyên ngành).
Với nhóm thủ tục đưa dự án đầu tư, vẫn là một rào cản lớn. Tỷ lệ DN gặp khó khăn khi thực hiện các thủ tục liên ngành về đầu tư, đất đai, xây dựng, môi trường còn rất cao. Chẳng hạn có tới 50% DN gặp khó khăn về các thủ tục đất đai, giải phóng mặt bằng. 48% DN gặp khó khăn về thủ tục liên quan đến quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị, gần 44% DN gặp khó khăn về thẩm định thiết kế cơ sở, thiết kế xây dựng...
Với nhóm thủ tục xuất nhập khẩu, ông Tuấn phân tích, quy mô xuất khẩu đang rất lớn nên nếu quá trình làm thủ tục này được rút ngắn, thì hiệu quả tạo ra sẽ rất lớn.
Ngành hải quan có những bước đi dài, có những thay đổi lớn trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, trình tự thủ tục kiểm tra chuyên ngành còn phức tạp, còn nhiều tồn tại cần giải quyết. DN cũng mất nhiều thời gian đọc hiểu các luật chuyên ngành và các nghị định hướng dẫn. Trong khi đó, cách hiểu và cách triển khai của các Bộ, ngành lại chưa thống nhất. Danh mục hàng hóa thuộc diện kiểm tra chuyên ngành quá nhiều. Không gian cải thiện các thủ tục này còn rất lớn. Các Bộ, ngành cần xem xét giảm số nhóm sản phẩm, giảm số lượng dòng hàng cần kiểm tra và giảm số lượng các lô hàng phải kiểm tra. Việc kiểm tra cần thực hiện triệt để theo nguyên tắc đánh giá rủi ro, kiểm tra theo xác suất.
Thủ tục kiểm tra chuyên ngành tuy đa số được thực hiện tập trung tại các cửa khẩu nhưng vẫn có trường hợp doanh nghiệp phải tới tận các Bộ, ngành mới giải quyết xong việc. Thực tế này gây nhiều phiền toái do gia tăng chi phí, thời gian tuân thủ của doanh nghiệp.
"Trong bối cảnh mới, bên cạnh những giải pháp rất mạnh mẽ về tài khóa, tài chính, tái phục hồi doanh nghiệp thì giải pháp thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính là rất quan trọng và Chính phủ cần đưa vào trong thời gian tới", Trưởng Ban Pháp chế VCCI bày tỏ.
Minh Thu
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm