Hỗ trợ doanh nghiệp

Phải có giải pháp giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực quản trị

DNVN - Theo giới chuyên gia, phải có giải pháp giúp doanh nghiệp (DN) nâng cao năng lực quản trị và bảo vệ cổ đông nhằm tạo thuận lợi hơn nữa cho quá trình khởi sự kinh doanh.

Tài chính cho SME và start-up: Hỗ trợ từ Chính phủ chưa hẳn đã tốt bằng nhà đầu tư thiên thần / TP. HCM: Nhà đầu tư nhạy cảm với rủi ro quốc gia và tham nhũng

Thông tin này đã được đưa ra tại Hội thảo “Thúc đẩy, tạo thuận lợi gia nhập thị trường: Vấn đề và giải pháp cải thiện khởi sự kinh doanh và bảo vệ cổ đông thiểu số” do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức sáng ngày 28/02 tại Hà Nội.
Ông Phan Đức Hiếu - Phó Viện trưởng CIEM cho rằng, cùng với khởi sự kinh doanh thì bảo vệ nhà đầu tư là một trong hai nội dung quan trọng nhất của Luật Doanh nghiệp. Hiện Luật DN đang trong quá trình soạn thảo và dự kiến sẽ được trình Quốc hội vào kỳ họp thứ 9 này và có hiệu lực vào ngày 01/01/2021.
"Bảo vệ nhà đầu tư là vấn đề liên quan đến quản trị doanh nghiệp và cũng là điểm yếu của doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là đối với mô hình công ty cổ phần. Từ trước đến nay, quản trị DN chưa được quan tâm đúng mức, trong đó một tỷ lệ không nhỏ DN dân doanh hoạt động và thực hiện việc kinh doanh, quản lý hoạt động theo cách “nội bộ gia đình”. Từ đó có thể nảy sinh nhiều xung đột, mâu thuẫn, thiếu rạch ròi giữa quan hệ gia đình với yêu cầu trong điều hành sản xuất - kinh doanh", Phó Viện trưởng CIEM nêu quan điểm
Ảnh minh họa.
Riêng với công ty cổ phần, ông Hiếu cho rằng, cần chủ động loại bỏ các quy định bất hợp lý, có thể là nguy cơ đối với các cổ đông nói chung, nhất là với cổ đông thiểu số-tức là cổ đông nắm ít cổ phần. CIEM đề xuất bỏ yêu cầu cổ đông phải sở hữu cổ phần liên tục từ 6 tháng trở lên; cổ đông có quyền yêu cầu thực hiện kiểm toán độc lập do bên ngoài đảm nhận; cần giảm yêu cầu về tỷ lệ sở hữu cổ phần từ 10% xuống mức 5% hoặc thấp hơn...
Đại diện cho cộng đồng DN, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, mặc dù các quy định pháp luật đã thường xuyên cập nhật các thông lệ, nguyên tắc quốc tế tốt nhất của quản trị doanh nghiệp, nhưng thực tế chất lượng quản trị của các doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa tốt như nhiều nước.
“Đằng sau không ít công ty cổ phần, tỷ lệ góp vốn vẫn là các ông chồng, bà vợ cùng với con cái là kế toán. Vì thế, các công ty cổ phần này chỉ là cái tên, còn bộ máy, chức năng quản trị vẫn bé. Nhiều doanh nghiệp có vẻ “hoành tráng” nhưng khi kiểm toán, công khai báo cáo tài chính thì lại hoàn toàn khác”, ông Đậu Anh Tuấn nhấn mạnh.
Ông Đậu Anh Tuấn đánh giá cáo việc Luật Doanh nghiệp sửa đổi lần này đưa trọng tâm vào nâng cao quản trị doanh nghiệp, bởi để có doanh nghiệp lớn phải có quản trị tốt. Theo ông Tuấn, các cơ quan chức năng phải có giải pháp giúp hình thành hệ sinh thái về quản trị, nhiều nước trên thế giới có các viên nghiên cứu, hiệp hội về quản trị để thúc đẩy công tác này được tốt hơn lên.
Tuy vậy, mỗi DN cũng cần tự ý thức vươn lên, có sự chuẩn bị tốt khi gia nhập thị trường; tự nâng cao năng lực quản trị theo hướng hiện đại, phù hợp xu hướng quốc tế. Đặc biệt, cần có quy định rõ, đầy đủ để bảo vệ nhóm cổ đông nhỏ, thiểu số trong công ty cổ phần nhằm tránh sự lạm dụng, lũng đoạn của cổ đông lớn...
Minh Thu
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm