Tháo 3 nút thắt về nguyên liệu để xuất khẩu cá ngừ tái đạt mốc 1 tỷ USD
Nguồn tài trợ ‘xanh’ rất lớn: Doanh nghiệp làm gì để nắm cơ hội? / 5 doanh nghiệp phản ánh bị "rút ruột" hàng xuất khẩu tại Cát Lái
Cách đây 10 năm, Việt Nam chỉ đứng thứ 8 trên bản đồ xếp hạng các quốc gia xuất khẩu cá ngừ thế giới, nhưng tới năm 2023 Việt Nam đã trở thành nước xuất khẩu cá ngừ lớn thứ 5 xét về kim ngạch, chỉ sau Thái Lan, Ecuador, Tây Ban Nha và Trung Quốc. Và một mốc đáng ghi nhận là kỷ lục 1 tỷ USD xuất khẩu cá ngừ năm 2022.
Theo bà Cao Thị Kim Lan - Ủy viên BCH Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam (VASEP), Giám đốc Công ty CP Thủy sản Bình Định (BIDIFISCO), những con số trên cho thấy tiềm năng phát triển của ngành chế biến và xuất khẩu cá ngừ Việt Nam. Việt Nam có các nhà máy chế biến cá ngừ có công nghệ cao, có kinh nghiệm, có kỹ năng - sản phẩm có uy tín ở cả trăm thị trường.
"Tiềm năng và dư địa cho ngành cá ngừ Việt Nam còn lớn hơn nhiều nếu như chúng ta nỗ lực vượt qua những thách thức nội tại và giải quyết được những khó khăn với sự quan tâm và hỗ trợ của các cơ quan quản lý nhà nước", bà Lan nhìn nhận.
Tính tới cuối tháng 5/2024, xuất khẩu cá ngừ đạt 386 triệu USD, tăng 22%, ước nửa đầu năm đạt 457 triệu USD. Các doanh nghiệp kỳ vọng rằng, có thể năm 2024, cá ngừ Việt Nam sẽ có cơ hội quay lại mốc 1 tỷ USD nếu những bất cập về vấn đề nguyên liệu được tháo gỡ.
Trong cơ cấu giá trị xuất khẩu cá ngừ những năm gần đây, có tới hơn 50% giá trị được tạo ra từ nguồn nguyên liệu nhập khẩu do khai thác trong nước không đáp ứng đủ nhu cầu cho chế biến xuất khẩu và không ổn định.
Theo bà Hà, cộng đồng doanh nghiệp ngành thuỷ sản rất mong Bộ NN&PTNT và các cơ quan thẩm quyền chia sẻ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp đối với 3 nhóm vấn đề còn vướng mắc của ngành cá ngừ nói riêng và ngành hải sản khai thác nói chung.
Thứ nhất, liên quan nguyên liệu khai thác trong nước, nhiều doanh nghiệp trong ngành cá ngừ đều phản ánh là thực sự khó làm giấy xác nhận nguyên liệu (S/C). Dù doanh nghiệp đã tăng cường làm việc với các đầu mối và kiểm tra kỹ lưỡng nhưng vẫn vô cùng thấp thỏm sau khi đã chốt mua xong nguyên liệu.
Do vậy, cộng đồng doanh nghiệp đề nghị các tỉnh và địa phương triển khai tốt và kịp thời việc xác nhận điều kiện ATTP tàu cá, cảng cá theo quy định cũng như thực hiện nghiêm việc cho phép xuất bến-cập bến của tàu cá khi không đủ các điều kiện như pháp luật đã quy định.
Bộ NN&PTNT xem xét sửa đổi quy định để có thể cấp giấy xác nhận nguyên liệu S/C ngay cho doanh nghiệp khi doanh nghiệp đã hoàn thành việc bốc dỡ nguyên liệu từ tàu cá có sự giám sát của nhân viên cảng về chủng loại, khối lượng... tại cảng cá.
Kiến nghị Bộ NNPTNT thiết lập số hóa hệ thống dữ liệu đầu vào nguyên liệu, liên thông từ cảng cá đến trung ương.
Thứ hai, các doanh nghiệp cá ngừ đã cùng VASEP chủ động việc nghiên cứu để tuân thủ tốt Nghị định 37/2024 mới ban hành và có hiệu lực tháng trước. Tuy nhiên, các doanh nghiệp hết sức băn khoăn và quan ngại khi thấy một vài quy định tại Nghị định 37 còn chưa phù hợp, thiếu khả thi và sẽ có những tác động tiêu cực đến sản xuất và xuất khẩu bình thường của ngành cá ngừ.
Đó là quy định kích thước tối thiểu cho phép khai thác cá ngừ vằn những 500mm là hoàn toàn không phù hợp với thực tế hay quy định “không trộn lẫn nguyên liệu thủy sản có nguồn gốc từ khai thác nhập khẩu với nguyên liệu thủy sản có nguồn gốc từ khai thác trong nước vào cùng một lô hàng xuất khẩu”.
Thứ ba, liên quan đến nguyên liệu nhập khẩu để chế biến xuất khẩu, trong bối cảnh yêu cầu của các thị trường nhập khẩu ngày càng khó khăn, gần đây Việt Nam đã ban hành một số quy định mới có liên quan tới việc quản lý nguồn nguyên liệu nhập khẩu. Điển hình là Quyết định 5523 ký ngày 21/12/2023 của BNN&PTNT và Nghị định 37/2024 của Chính phủ, trong đó có một số quy định và yêu cầu mới liên quan tới nhập khẩu nguyên liệu để chế biến xuất khẩu vào EU và nhập khẩu nguyên liệu bằng container.
Những quy định mới đã gây tác động không nhỏ tới các nhà cung cấp, gây tâm lý e ngại khó đáp ứng được khi phát sinh thêm nhiều yêu cầu về mặt chứng từ có liên quan như: yêu cầu nội dung chứng nhận trên H/C, yêu cầu chứng từ C/C, giấy phép khai thác, thời gian khai báo trước khi tàu cập cảng. Một số quốc gia và một số nhà cung cấp đã từ chối các yêu cầu mới này, đồng nghĩa Việt Nam sẽ mất đi nguồn cung.
End of content
Không có tin nào tiếp theo