Xuất khẩu thực phẩm sang Châu Phi: Dư địa lớn nhưng doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn
DNVN - Dư địa phát triển xuất khẩu thực phẩm Việt Nam sang Châu Phi, nhất là những mặt hàng có nhu cầu tiêu dùng lớn, sản xuất nội khối của Châu Phi chưa đủ đáp ứng là rất lớn. Tuy vậy, doanh nghiệp (DN) đối mặt với nhiều khó khăn như vận chuyển và bảo quản hàng; nhiều thủ tục trong thương mại của hầu hết các quốc gia Châu Phi còn chưa phát triển.
Đà Nẵng: Cùng doanh nghiệp khởi động mùa du lịch quốc tế 2022 / Tận dụng ưu đãi thuế quan, đẩy mạnh xuất khẩu thực phẩm sang các nước RCEP
Nhằm hỗ trợ các địa phương, DN, hợp tác xã cung ứng thực phẩm của Việt Nam tìm kiếm đối tác, kết nối các cơ hội kinh doanh và xuất khẩu thực phẩm sang thị trường các nước Châu Phi, trong hai ngày 14 và 15/6 tới, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) phối hợp với các Thương vụ Việt Nam tại Châu Phi tổ chức Hội nghị giao thương trực tuyến thực phẩm Việt Nam – Châu Phi 2022.
Hội nghị sẽ bao gồm Phiên toàn thể và các Phiên giao thương DN. Tại phiên toàn thể, đại diện một số Thương vụ Việt Nam tại các nước Châu Phi sẽ giới thiệu về tiềm năng, nhu cầu và cơ hội đối với các loại thực phẩm, cá và thuỷ hải sản khác của Việt Nam tại thị trường Châu Phi.
Sau phiên toàn thể sẽ diễn ra các Phiên giao thương trực tuyến giữa các DN Việt Nam và DN từ các nước Châu Phi. Đây chính là cơ hội tốt để DN thực phẩm Việt Nam giới thiệu, quảng bá về DN và sản phẩm, phát triển thêm các mối khách hàng tiềm năng từ thị trường Châu Phi. Bên cạnh đó, Hội nghị cũng là dịp để DN xuất khẩu thực phẩm tìm hiểu kỹ về yêu cầu thị trường, hàng rào kỹ thuật của các nước khu vực Châu Phi.
Thị trường Châu Phi có nhu cầu nhập khẩu đa dạng các loại thực phẩm.
Thời gian qua, thông qua hàng loạt các hoạt động xúc tiến thương mại với khu vực thị trường Châu Phi cho thấy, đa phần các nước Châu Phi đánh giá cao và tin tưởng vào chất lượng nhiều mặt hàng thực phẩm Việt Nam. Thị trường Châu Phi cũng có nhu cầu nhập khẩu đa dạng các loại thực phẩm phục vụ số dân đang tăng nhanh và có thu nhập ngày càng cải thiện, đồng thời bù đắp những ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất do dịch COVID-19. Đặc biệt, những quốc gia nằm sâu trong lục địa Châu Phi chịu ảnh hưởng của khí hậu sa mạc ở Tây và Trung Phi rất khó khăn về trồng trọt, sản xuất lương thực, thực phẩm nên nhu cầu nhập khẩu rất lớn.
Theo Cục Xúc tiến thương mại, còn nhiều dư địa phát triển xuất khẩu cho nhóm hàng thực phẩm của Việt Nam sang thị trường Châu Phi, nhất là những mặt hàng có nhu cầu tiêu dùng lớn, sản xuất nội khối của Châu Phi chưa đủ đáp ứng như sản phẩm chế biến từ cà phê, hạt tiêu, gạo…
Tuy nhiên, để xuất khẩu hàng hoá, đặc biệt là nhóm hàng thực phẩm, sang Châu Phi, DN phải đối mặt với nhiều khó khăn. Đơn cử như vấn đề vận chuyển và bảo quản hàng phù hợp để di chuyển qua chặng đường xa. Nhiều thủ tục, luật lệ trong thương mại của hầu hết các quốc gia Châu Phi còn chưa phát triển như các thị trường ở Châu Âu, Châu Mỹ.
Do đó, DN cần đầu tư nghiên cứu kỹ nhu cầu thị trường, tìm ra những mặt hàng không chỉ đáp ứng tốt nhu cầu thị trường mà còn giải quyết được các bài toán liên quan đến các khâu logistics cho hàng thực phẩm.
Minh Thu
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo