Nhiều bất cập sau 1 năm áp dụng thí điểm quy chế tiền lương đối với VNPT, VNA và VATM
Sức sống cây cao su vùng Bắc Trung bộ - Bài 1: Đổi đời từ “vàng trắng” / Bài 2: Cây cao su bén duyên nơi miền Duyên hải
Trong năm 2020 và 2021 đại dịch COVID–19 đang tác động vô cùng lớn trên phạm vi toàn thế giới, gây nhiều tác động tiêu cực chưa từng có tiền lệ đến nền kinh tế thế giới và Việt Nam. Trong bối cảnh đó, cộng đồng các doanh nghiệp Việt Nam, trong đó có các doanh nghiệp nhà nước đang phải hứng chịu những tổn thất nặng nề khiến cho nhiều doanh nghiệp lao đao, nhiều doanh nghiệp nhà nước lâm vào tình trạng có thể phá sản. nợ xấu tăng cao, việc trả lương cho người lao động gặp nhiều khó khăn. Trong đó, ví dụ điển hình là Tổng Công ty Hàng không Việt Nam, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam. Tổng nợ ngắn hạn của Vietnam Airlines tại ngày 31/3/2021 là 37.028 tỷ đồng, trong đó nợ người lao động và Nhà nước hơn 1.000 tỷ đồng, điều có thể gây ảnh hưởng xấu đến hoạt động của các doanh nghiệp này. Trong khi đó, doanh nghiệp nhà nước luôn được xác định là công cụ mạnh để Ðảng, Nhà nước điều tiết, giảm thiểu các tác động tiêu cực đến đời sống kinh tế - xã hội trong nước, đi đầu thực hiện công tác an sinh xã hội theo chủ trương của Ðảng, Nhà nước và thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị, quốc phòng, an ninh.
Chính phủ đã ban hành Nghị định số 20/2020/NĐ-CP ngày 17/2/2020 thực hiện thí điểm quản lý lao động, tiền lương, tiền thưởng đối với một số tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước (gồm Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam - VNPT, Tổng Công ty Hàng không Việt Nam - VNA và Tổng Công ty Quản lý bay Việt Nam - VATM), thời gian thực hiện năm 2020 với các nội dung chủ yếu: Giao cho doanh nghiệp xây dựng bảng lương của người quản lý; Khoán chi phí tiền lương của người lao động gắn với năng suất lao động và hiệu quả sản xuất kinh doanh; Ban giám đốc hưởng chung quỹ tiền lương với người lao động và khống chế mức hưởng tối đa so với mức lương bình quân của người lao động; Quy định mức lương cơ bản, mức lương được hưởng của Hội đồng quản trị/Hội đồng thành viên gắn với quy mô, mức độ phức tạp quản lý, hiệu quả sản xuất kinh doanh, sử dụng vốn; Thực hiện nguyên tắc ai thuê, bổ nhiệm thì đánh giá, quyết định mức lương đối với Ban giám đốc, Hội đồng quản trị/Hội đồng thành viên.
Tuy nhiên, qua hơn 1 năm thực hiện Nghị định số 20/2020/NĐ-CP cho thấy các nội dung thí điểm đã bước đầu tạo sự chủ động cho doanh nghiệp trong xác định tiền lương, trả lương cho người lao động và người quản lý; tạo sự đồng bộ, tương quan hợp lý trong hệ thống thang lương, bảng lương đối với người lao động và người quản lý trong doanh nghiệp nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập về tiền lương đóng, hưởng bảo hiểm xã hội theo quy định hiện hành.
Sau 1 năm áp dụng thí điểm quy chế tiền lương cho 3 tập đoàn, tổng công ty nhà nước đã bộc lộ nhiều bất cập. (Ảnh có tính minh họa, nguồn VNPT)
Năm 2020, lãnh đạo VNPT, VNA và VATM lĩnh lương bao nhiêu?
Theo báo cáo của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, dựa trên kết quả kinh doanh năm 2020 và quy định tại Nghị định 20/2020/NĐ-CP, Tập đoàn VNPT có lãi, nên lương dành cho lãnh đạo cao hơn mức đã trả; VATM có lãi thấp, còn VNA lỗ nên mức lương giảm sâu, thậm chí chỉ bằng mức sàn.
Cụ thể, tại VNPT, năm 2020, dù kinh doanh có lãi, nhưng trong bối cảnh dịch COVID-19, tiền lương của lãnh đạo tập đoàn này vẫn bằng của năm 2019, cụ thể: Chủ tịch Hội đồng thành viên được trả 86,4 triệu đồng/tháng, thành viên Hội đồng thành viên 76,8 triệu đồng/tháng, kiểm soát viên 76,7 triệu đồng/tháng. Mức lương nêu trên xác định bằng năm 2019 và chỉ bằng 80% mức tối đa được hưởng theo quy định tại Nghị định 20/2020/NĐ-CP. Nghị định 20/2020/NĐ-CP cũng cho phép VNPT xác định mức tiền lương của Ban điều hành (Tổng giám đốc, Phó Tổng giám đốc, Kế toán trưởng) tối đa 7 lần tiền lương bình quân của người lao động. Tuy nhiên thực tế, Tập đoàn chỉ thực hiện mức lương của Tổng giám đốc bằng 4,42 lần tiền lương bình quân của người lao động.
Với VNA, đơn vị chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19, năm 2020 đã cơ cấu giảm 1.344 người lao động so với thực hiện năm 2019, hiện còn 4.308 người. Kế hoạch sản xuất kinh doanh của Công ty mẹ - VNA dự kiến lỗ 14.487 tỷ đồng, chỉ tiêu khoán lương (dựa trên tấn/km thực hiện có doanh thu) dự kiến chỉ bằng 44% so với năm 2019. Do vậy, căn cứ quy định tại Nghị định số 20/2020/NĐ-CP và Thông tư số 04/2020/TT-BLĐTBXH, đến nay VNA đã triển khai xây dựng đơn giá tiền lương khoán với lãnh đạo giảm khá sâu. Cụ thể, mức lương của Chủ tịch Hội đồng quản trị là 55,065 triệu đồng/tháng, Thành viên Hội đồng quản trị 47,199 triệu đồng/tháng, Trưởng Ban kiểm soát là 47,199 triệu đồng/tháng, Kiểm soát viên chuyên trách là 39,332 triệu đồng/tháng (bằng khoảng 37% so với thực hiện năm 2019).
Tương tự như VNA, Tổng Công ty Quản lý bay Việt Nam cũng là đơn vị chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh COVID-19, năm 2020 chỉ đặt mục tiêu bảo toàn vốn và cân bằng thu chi. Lợi nhuận sau thuế kế hoạch của công ty mẹ - VATM dự kiến 3,530 tỷ đồng, giảm 99,75% so với năm 2019, chỉ tiêu khoán lương (km điều hành bay quy đổi) dự kiến chỉ bằng 40,66% so với thực hiện năm 2019.
Tuy nhiên, do thời gian thực hiện thí điểm ngắn (trong năm 2020) lại trong bối cảnh đại dịch COVID-19, tình hình sản xuất, kinh doanh của 3 doanh nghiệp thực hiện thí điểm bị tác động lớn nên chưa thể đánh giá được mối quan hệ giữa tiền lương và hiệu quả sản xuất, kinh doanh theo cơ chế thí điểm. Trong khi cơ chế tiền lương mới phải lùi sang thực hiện từ tháng 7/2022 theo Nghị quyết số 60-NQ/TW ngày 9/10/2020 của Hội nghị lần thứ 13 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII.
Luật gia, Tiến sĩ Trần Minh Sơn, Bộ Tư pháp - Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Thương mại quốc tế Thái Bình Dương (PIAC).
Bất cập cần sửa đổi trong áp dụng quy chế tiền lương, tiền công theo Nghị định 20
Bên cạnh đó, Nghị định số 20/2020/NĐ-CP, qua quá trình thực hiện hơn 1 năm nay cho thấy cũng đã phát sinh bất cập trong bối cảnh tác động bởi dịch COVID-19, đó là:
Thứ nhất, chưa có quy định về trích quỹ lương dự phòng để ổn định tiền lương, thu nhập cho người lao động như đối với doanh nghiệp nhà nước khác.
Thứ hai, chưa có quy định bảo đảm tiền lương ở mức nhất định để ổn định đời sống cho người lao động trong trường hợp tình hình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp thí điểm bị tác động lớn bởi yếu tố khách quan (năm 2020 và 6 tháng đầu năm 2021 các doanh nghiệp bị tác động nghiêm trọng bởi đại dịch COVID-19) dẫn đến tiền lương bị sụt giảm nghiêm trọng khi thực hiện cơ chế thí điểm.
Từ thực tế trên, cần thiết sớm ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 20/2020/NĐ-CP để kéo dài thời gian thực hiện thí điểm và sửa đổi, bổ sung những bất cập đặt ra trong bối cảnh hiện nay. Việc cần thiết ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 20/2020/NĐ-CP theo hướng nghiên cứu sửa đổi, bổ sung ít nhất 3 nội dung chính như sau:
Thứ nhất, sửa đổi thời hạn thực hiện Nghị định số 20/2020/NĐ-CP, cụ thể sửa Điều 1 để kéo dài thời gian thực hiện thí điểm Nghị định số 20/2020/NĐ-CP cho đến khi thực hiện cải cách tiền lương đối với doanh nghiệp nhà nước theo Nghị quyết số 27-NQ/TW. Vì Nghị định số 20/2020/NĐ-CP chỉ có hiệu lực đến hết ngày 31/12/2020, trong khoảng thời gian từ ngày 1/1/2021 đến khi Nghị định có hiệu lực thi hành doanh nghiệp không có cơ sở pháp lý để xác định tiền lương cho người lao động. Khi quy định hiệu lực trở về trước (áp dụng từ ngày 1/1/2021) sẽ tạo thuận lợi cho doanh nghiệp xác định tiền lương gắn với các chỉ tiêu sản xuất, kinh doanh theo năm tài chính, đồng thời người lao động cũng có lợi hơn. Vì vậy, việc quy định hiệu lực trở về trước nêu trên là phù hợp với quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Thứ hai, bổ sung vào Điều 8 Nghị định số 20/2020/NĐ-CP nội dung quy định về việc trích lập quỹ dự phòng tiền lương cho năm sau không quá 17% quỹ tiền lương thực hiện như quy định hiện hành đối với doanh nghiệp nhà nước để bảo bảo tính đồng bộ trong tổ chức thực hiện.
Thứ ba, bổ sung quy định về xác định tiền lương đối với người lao động và người quản lý khi thực hiện Nghị định số 20/2020/NĐ-CP khi bị ảnh hưởng bởi các yếu tố khách quan (tác động bởi dịch COVID-19) đến năng suất lao động và hiệu quả của doanh nghiệp, cụ thể: Xác định tiền lương của người lao động, người quản lý trong trường hợp doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi yếu tố khách quan mà tiền lương thấp hơn 65% so với năm 2019 (trước khi thực hiện thí điểm) thì được xác định cao hơn đến 65% mức tiền lương của năm 2019 và bảo đảm không thấp hơn tiền lương theo thang lương, bảng lương của công ty. Khi thực hiện quy định này, công ty phải hoàn thành kế hoạch lợi nhuận được cơ quan đại diện chủ sở hữu giao. Việc quy định nội dung nêu trên dựa trên cơ sở như sau:
Nghị định số 20/2020/NĐ-CP quy định xác định quỹ tiền lương của người lao động và Ban điều hành theo chỉ tiêu khoán lương, có 2/3 đơn vị thực hiện khoán lương theo sản phẩm (VNA và VATM). Do tác động bởi đại dịch COVID-19, chỉ tiêu khoán lương của 2 đơn vị này bị giảm sâu, dẫn đến tiền lương, thu nhập bị sụt giảm nhiều so với năm 2019 (năm trước khi thực hiện thí điểm) như đã nêu tại Mục I Tờ trình này, nếu vẫn thực hiện theo cơ chế tiền lương như trước khi thí điểm thì ít nhất cũng đạt mức 65% tiền lương, thu nhập năm 2019.
Tháng 3/2021, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã cho phép VATM được áp dụng tiền lương năm 2020 gắn với hiệu quả công việc theo quy chế trả lương của Tổng công ty trên cơ sở tiết kiệm các khoản chi phí, tự cân đối thu chi, không phát sinh lỗ và hoàn thành kế hoạch lợi nhuận được Bộ Giao thông vận tải phê duyệt. Nếu tính theo nguyên tắc trên thì tiền lương năm 2020 của VATM bằng khoảng 65% thu nhập bình quân thực hiện năm 2019.
Với quy định đề xuất nêu trên, trường hợp xác định bằng mức 65% so với năm 2019, với điều kiệm bảo đảm VNA hoàn thành kế hoạch lợi nhuận được cơ quan đại diện chủ sở hữu giao, VATM cân đối được thu chi thì năm 2021 tiền lương bình quân của người lao động và Ban điều hành VNA là 29,63 triệu đồng/người/tháng, trong đó: phi công Việt Nam là 89,7 triệu đồng/người/tháng, tiếp viên Việt Nam là 15,6 triệu đồng/người/tháng, lao động mặt đất là 19,3 triệu đồng/người/tháng (năm 2019 bình quân là 45,58 triệu đồng/người/tháng, trong đó: phi công Việt Nam là 138 triệu đồng/người/tháng, tiếp viên Việt Nam là 24 triệu đồng/người/tháng, lao động mặt đất là 29,6 triệu đồng/người/tháng).
Tiền lương bình quân của người lao động VATM là 18,51 triệu đồng/người/tháng (năm 2019 là 28,5 triệu đồng/người/tháng. Với mức tiền lương bình quân này bảo đảm cho các công ty duy trì được đội ngũ lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật để phục vụ yêu cầu sản xuất, kinh doanh trong bối cảnh tình hình sản xuất, kinh doanh gặp nhiều biến động bởi đại dịch và các yếu tố khách quan liên quan.
Nếu quy định các nội dung theo đề xuất tại Nghị định mới thay thế Nghị định 20/2020/NĐ-CP như trên sẽ không phát sinh thêm thủ tục hành chính so với quy định hiện hành; không có quy định liên quan đến vấn đề bình đẳng giới cần lồng ghép; nội dung mới Nghị định cơ bản sẽ kế thừa các quy định hiện hành, bảo đảm về nguồn lực và tài chính để thi hành Nghị định, vì vậy, việc sớm nghiên cứu ban hành Nghị định mới thay thế Nghị định 20/2020/NĐ-CP trong bối cảnh hiện nay khi nhiều doanh nghiệp nhà nước đang gặp rất nhiều khó khăn, ảnh hưởng trực tiếp đến tiền lương của người lao động (là tài sản quan trọng của doanh nghiệp) thì việc sớm ban hành Nghị định mới thay thế Nghị định 20/2020/NĐ-CP là rất cần thiết nhằm xác định doanh nghiệp nhà nước là công cụ mạnh để Ðảng, Nhà nước điều tiết, giảm thiểu các tác động tiêu cực đến đời sống kinh tế - xã hội trong nước, đi đầu thực hiện công tác an sinh xã hội theo chủ trương của Ðảng, Nhà nước và thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị, quốc phòng, an ninh trong giai đoạn hiện nay và trong thời gian tới khi hậu dịch bệnh COVID-19.
End of content
Không có tin nào tiếp theo