Doanh nghiệp - Doanh nhân

Nhiều doanh nghiệp sẵn sàng “3 tại chỗ” dồn sức chống dịch

DNVN - Trước những diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, nhiều doanh nghiệp (DN) đã khẩn trương triển khai thực hiện "3 tại chỗ" nhằm bảo đảm thực hiện tốt "mục tiêu kép". Bên cạnh đó, cũng không ít DN không thể bố trí đảm bảo phòng dịch như yêu cầu nên đành chấp nhận tạm dừng hoạt động sản xuất.

Phát triển bền vững - "Vaccine" giúp doanh nghiệp bứt phá trong khó khăn / Bài 2: Cây cao su bén duyên nơi miền Duyên hải

Doanh nghiệp sẵn sàng “3 tại chỗ” dồn sức chống dịch

Chia sẻ với Doanh nghiệp Việt Nam, ông Nguyễn Ngọc An, Tổng Giám đốc Công ty CP Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (Vissan) cho biết, hơn nửa tháng nay, do diễn biến dịch COVID-19 khá phức tạp, Vissan đã áp dụng "3 tại chỗ" (sản xuất tại chỗ - ăn tại chỗ - nghỉ ngơi tại chỗ) cho cán bộ, công nhân viên.

Tổng số công nhân viên thực hiện nhiệm vụ tại đây là 1,5 nghìn người. Công ty tổ chức nấu ăn ngày 3 bữa, và sắp xếp chỗ ở cho công nhân tại một số nhà kho được dọn sạch sẽ, thoáng mát.

Hiện nay Vissan bố trí chia thành 2 nhóm sản xuất: Một nhóm sản xuất bên trong và một nhóm vận chuyển hay chạy công việc bên ngoài. Hai nhóm này thực hiện nhiệm vụ độc lập, không tiếp xúc với nhau nhằm đảm bảo công tác phòng, chống dịch bệnh.

Theo ông An, nhờ sớm kích hoạt chế độ sản xuất "thời chiến", hơn một tuần nay, Vissan bảo đảm cung cấp cho thị trường khoảng 1.500 con heo tươi sống/ngày (cao gấp 3 lần trước đó). Các mặt hàng chế biến cũng xuất xưởng liên tục để phục vụ nhu cầu tiêu thụ tăng đột biến của thị trường TP Hồ Chí Minh.

"Mỗi ngày có thêm một số ít nhân viên phải tạm nghỉ việc vì ở trong khu cách ly, phong tỏa hoặc đi lại giữa các quận, huyện không thuận tiện. Do vậy, việc cắm trại sản xuất vừa bảo đảm giữ được "quân số", vừa giảm nguy cơ nhân viên bị nhiễm bệnh từ cộng đồng, mang vào nhà máy" - ông An giải thích.

Lãnh đạo Vissan kiểm tra bữa ăn cho công nhân ở lại thực hiện "3 tại chỗ" tại nhà máy.

Lãnh đạo Vissan kiểm tra bữa ăn cho công nhân ở lại thực hiện "3 tại chỗ" tại nhà máy.

Với Công ty TNHH Cơ khí Hoà Bình (huyện Bình Chánh) ông Nguyễn Văn Bình, Giám đốc công ty cho biết doanh nghiệp đã sớm kích hoạt chương trình sản xuất trong thời điểm dịch bệnh. Cụ thể, đơn vị cung cấp suất ăn không đưa trực tiếp vào công ty, chỉ chuyển suất ăn đến chốt kiểm soát dịch bệnh phía ngoài. Người cung cấp dịch vụ ăn uống phải được kiểm tra, giám sát sức khỏe; bảo đảm các điều kiện vệ sinh; ký cam kết thực hiện quy định về phòng chống dịch.

Ngoài ra, người lao động tham gia phương án "3 tại chỗ" sẽ lưu lại công ty cho đến hết thời gian thực hiện (một tháng) và chỉ được ra ngoài khi cần thiết sau khi có kết quả xét nghiệm RT-PCR và được sự đồng ý của cơ quan y tế có thẩm quyền...

"Qua theo dõi tình hình dịch bệnh trên địa bàn, Ban lãnh đạo công ty đã chủ động xây dựng phương án và có tuyên truyền đến người lao động sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống. Việc tổ chức các khu ngủ, nghỉ cho người lao động khi thực hiện phương châm 3 tại chỗ đã được hoàn thành. Cơ bản đến nay người lao động ủng hộ các chủ trương, giải pháp của thành phố và của công ty” - ông Hùng thông tin.

Để duy trì sản xuất, bố trí lều bạt cho người lao động ăn, ngủ, nghỉ ngơi tại doanh nghiệp.

Để duy trì sản xuất, doanh nghiệp phải bố trí lều bạt cho người lao động ăn, ngủ, nghỉ ngơi tại nhà máy.

Là một đơn vị chuyên sản xuất hàng may mặc, ông Nguyễn Văn Chiến, Giám đốc Công ty TNHH may mặc xuất khẩu LINE STYLE, tự tin doanh nghiệp đủ điều kiện hoạt động theo yêu cầu của thành phố. Theo ông Chiến, không chỉ LINE STYLE mà có lẽ đại đa số các doanh nghiệp đều đã có những tính toán cụ thể khi dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp.

Với LINE STYLE, trách nhiệm của công ty là phải đảm bảo cuộc sống cũng như an toàn cho người lao động trước ảnh hưởng của dịch bệnh. Để triển khai ngay văn bản chỉ đạo của UBND thành phố công ty gặp nhiều khó khăn về việc sắp xếp chỗ ở cho người lao động, đặc biệt là chỗ ngủ nghỉ do diện tích mặt bằng đã được sử dụng tối đa cho sản xuất, dù vậy lãnh đạo công ty vẫn nỗ lực khắc phục để nhanh chóng thực hiện phương án 3 tại chỗ đảm bảo việc sản xuất kinh doanh, cũng như phòng, chống dịch hiệu quả.

“Tôi cho rằng hướng tốt nhất hiện nay là tổ chức ăn ở tại chỗ. Công ty lo cho công nhân đủ ngày 3 bữa và chỗ ngủ nghỉ, điều này đảm bảo sức khỏe của người lao động mà không làm đứt gãy việc sản xuất. Trong trường hợp dịch bệnh còn tiếp tục phức tạp và thành phố phải giãn cách, ban lãnh đạo LINE STYLE cũng đã có kịch bản để ứng phó và cam kết tiếp tục đồng hành cùng thành phố vượt qua những khó khăn. Tôi hy vọng lãnh đạo thành phố sẽ có những hướng giải pháp hỗ trợ kịp thời để doanh nghiệp yên tâm thực hiện “mục tiêu kép” - ông Chiến cho biết thêm.

Doanh nghiệp đảm bảo chỗ nghỉ ngơi sạch sẽ, thoáng mát cho người lao động yên tâm thực hiện nhiệm vụ sản xuất.

Doanh nghiệp đảm bảo chỗ nghỉ ngơi sạch sẽ, thoáng mát cho người lao động yên tâm thực hiện nhiệm vụ sản xuất.

Còn theo ông Phạm Văn Việt, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Việt Thắng Jean (có nhà máy với hơn 1.000 công nhân tại TP Thủ Đức), doanh nghiệp cũng nhận thức được rằng không thể để đứt gãy chuỗi sản xuất bởi vì trong hoàn cảnh nào, doanh nghiệp cũng phải thực hiện hợp đồng, bàn giao hàng xuất khẩu đã ký với đối tác.

Do vậy, công tác phòng dịch của doanh nghiệp lúc này không thể theo kiểu đối phó mà phải bảo đảm an toàn để duy trì sản xuất.

Cùng với việc phân bố sản xuất theo nhiều ca để bảo đảm tuân thủ quy định 5K, công ty cũng thực hiện phun khử khuẩn toàn bộ nhà xưởng hằng ngày, đồng thời, thiết lập các khu vực dã chiến dự phòng cho tình huống xấu nhất là xuất hiện ca nhiễm trong nhà máy. Hiện nhà kho, hội trường của đơn vị đã được bố trí trở thành khu vực cách ly tại chỗ, tách biệt hoàn toàn với các khu vực còn lại.

Một số công ty thực phẩm khác như Công ty CP Thực phẩm Cholimex, Công ty CP Kinh doanh Thủy hải sản Sài Gòn… cũng đã chuẩn bị đầy đủ phương án, thực hiện nghiêm chỉ đạo của chính quyền địa phương nhằm giữ hoạt động sản xuất kinh doanh được thông suốt.

“Biết là thiệt hại nhưng chúng tôi vẫn chấp nhận vì mục tiêu chung”

Bên cạnh những doanh nghiệp bảo đảm theo yêu cầu của TP Hồ Chí Minh, không ít doanh nghiệp không thể bố trí đảm bảo phòng dịch nên tạm dừng hoạt động sản xuất.

Trong những ngày qua, Genki Japan House khẩn trương chuyển hàng hóa đến các siêu thị đối tác trên địa bàn TP.HCM, lượng hàng dự kiến đủ bán trong vòng 10 ngày. Các đơn hàng sỉ cho các chuỗi bán lẻ hải sản cũng sẽ được giao sớm trong hôm nay.

Bà Nguyễn Thị Kim Huyền, Giám đốc Genki cho biết đã sẵn sàng đóng cửa tạm thời trụ sở ở Khu chế xuất Tân Thuận (quận 7). Nếu dịch bệnh tiếp tục kéo dài, hàng hóa sẽ được chuyển từ các tỉnh khác như Hà Nội, Nha Trang, Đà Nẵng đến trực tiếp các điểm bán ở TP Hồ Chí Minh, chứ không thông qua kho tổng ở trụ sở như trước.

Chi sẻ về điều này, bà Kim Huyền cho biết hoàn toàn có thể sắp xếp chỗ ăn ở cho người lao động như phương án "3 tại chỗ" mà TP Hồ Chí Minh yêu cầu. Tuy nhiên, tâm lý của nhân viên trong thời điểm hiện tại không tốt.

“Khi dịch bùng phát mạnh, có nhiều nhân viên đã đồng ý ở lại, nhưng từ ngày Khu chế xuất Tân Thuận bị phong tỏa thì họ thấy việc đi lại, ăn ở khó khăn nhiều nên về. Bây giờ họ vẫn tình nguyện ở lại công ty để làm việc, nhưng tôi chọn phương án dừng hoạt động để đảm bảo an toàn và tâm lý tốt nhất cho nhân viên. Biết là khó khăn và thiệt hại nhưng chúng tôi vẫn chấp nhận vì mục tiêu chung của thành phố là phòng chống dịch COVID-19“ - bà Kim Huyền nói.

Hoạt động sản xuất của doanh nghiệp tại các khu công nghiệp đã bị ngưng trễ trong thời gian qua bởi dịch COVID-19.

Hoạt động sản xuất của doanh nghiệp tại các khu công nghiệp đã bị ngưng trễ trong thời gian qua bởi dịch COVID-19.

Trong ngày 14/7, Công ty TNHH Pouyuen Việt Nam (quận Bình Tân), với hơn 56.000 lao động cũng phải dừng sản xuất để phòng chống dịch sau khi lãnh đạo nhà máy làm việc với chính quyền địa phương.

Theo đề nghị của quận Bình Tân, Pouyuen chỉ được sản xuất khi khi bố trí toàn bộ công nhân ở lại nhà máy, cứ 3 ngày tất cả lao động phải được xét nghiệm COVID-19. Tuy nhiên phía công ty đã không đáp ứng được yêu cầu này.

Đại diện công ty cho biết nhà máy không thể bố trí tất cả lao động ăn ở tại nhà máy bởi số lượng quá lớn, trong khi diện tích nhà xưởng đều lắp máy móc. Công ty đã tính phương án giảm sản xuất, từ đó giảm số lao động ở thời gian TP Hồ Chí Minh áp dụng Chỉ thị 16. Nhưng nếu duy trì sản xuất mức tối thiểu 30%, số người ở lại nhà máy đã hơn 16.000 người. Công ty khó đảm bảo cuộc sống, sinh hoạt lượng người lớn như vậy.

Với hàng chục ca mắc COVID-19 và hàng trăm ca F1, Công ty TNHH Nidec Việt Nam (Khu công nghệ cao TP Hồ Chí Minh) đã tạm dừng hoạt động từ ngày 7/7. Những ngày qua, chỉ một số bộ phận hành chính còn làm việc để triển khai các biện pháp đảm bảo phòng chống dịch, mong sớm được sản xuất trở lại.

Ông Lưu Kim Hồng, Chủ tịch Công đoàn Nidec Việt Nam, cho biết đã hoàn tất cải thiện nhà xưởng và có thể bố trí tối đa chỗ ở lại cho 800 lao động. Nếu được Ban quản lý Khu công nghệ cao TP Hồ Chí Minh và chính quyền đánh giá và cho phép hoạt động trở lại, công ty sẽ thông báo cho người lao động đăng ký sinh hoạt và làm việc tại chỗ.

Tuy nhiên, ông thừa nhận con số 800 người cũng khó đạt được. Trong khi thực tế, nếu trừ đi những người sống ở Bình Dương, Đồng Nai và các khu vực bị phong tỏa ở TP Hồ Chí Minh, Nidec Việt Nam vẫn còn 2.000 nhân sự có thể làm việc, bằng 1/3 lực lượng lao động ở thời điểm trước dịch.

Phạm Đức
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm