Hỗ trợ doanh nghiệp

Bến Tre: Doanh nghiệp ngành dừa phục hồi sản xuất

DNVN - Hiện nay, tất cả các doanh nghiệp (DN) đã hoạt động bình thường trở lại với phương án “Doanh nghiệp sản xuất an toàn”, khai thác sản xuất tối đa công suất nhà máy để đáp ứng yêu cầu cho đối tác trong và ngoài nước.

Agribank Bến Tre: Góp phần phát triển kinh tế địa phương / Đồng khởi khởi nghiệp nhìn từ Bến Tre

Qua 4 đợt giãn cách xã hội do dịch COVID-19, hầu hết các DN xuất khẩu trong ngành dừa vẫn bảo đảm được “mục tiêu kép” là vừa phòng chống dịch vừa sản xuất. DN duy trì sản xuất “3 tại chỗ” trong thời gian này là không có lợi nhuận, sản lượng giảm nhưng đã giữ vững chuỗi cung ứng hàng hóa cho thị trường, nhất là thị trường nước ngoài.

Qua đó, Công ty cổ phần Đầu tư dừa Bến Tre (BEINCO) đã vượt khó, duy trì sản xuất. Mặc dù công suất hoạt động và sản lượng giảm đáng kể, chỉ đạt 20 - 30% so với ngày thường, nhưng mục tiêu chính là giữ được chuỗi cung ứng hàng xuất khẩu.

Theo ông Trần Văn Đức- Giám đốc BEINCO, trong thời gian thực hiện “3 tại chỗ”, gần 200 trong tổng số trên 300 lao động ở lại làm việc tại nhà máy. Khó khăn của DN là chi phí đầu vào đội lên rất cao, nhất là chi phí cho việc test COVID-19, lao động ăn uống tại chỗ, giá logistics tăng… nhưng DN vẫn hài lòng vì hệ thống sản xuất ổn định, an toàn trong bối cảnh vừa phòng chống COVID-19, vừa sản xuất, người lao động (NLĐ) có việc làm, thu nhập ổn định.

Tuy nhiên, dịch COVID-19 cũng làm gián đoạn chuỗi cung ứng. Chỉ có một vài cơ sở sơ chế tại tỉnh hoạt động, nhưng khả năng chỉ đáp ứng vài trăm ký cơm dừa cho công ty mỗi ngày. Nguồn cung ứng nguyên liệu trong tỉnh bị đứt gãy, giải pháp của công ty là kết nối thu mua cơm dừa nguyên liệu tại một số nhà máy ở tỉnh Trà Vinh.

Cũng theo ông Đức, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 toàn cầu nhưng các sản phẩm dừa Bến Tre vẫn được khách hàng thế giới đón nhận. Đặc biệt, các thị trường lớn đã mở cửa trở lại như: Mỹ, châu Âu và Trung Đông. Bên cạnh nhiều khó khăn đó, DN đã nỗ lực hoàn thành lắp đặt dây chuyền sản xuất và thương mại hóa được dòng sản phẩm mới là sữa dừa trái cây, được thị trường đón nhận rất tốt. Mặt hàng này đang được xuất khẩu mạnh vào thị trường Mỹ, bình quân khoảng 8 container/tháng. Hiện công ty đang tăng tốc sản xuất để bù lại cho khách hàng. Ước đến nay, chỉ tiêu sản xuất của công ty đã tăng 100% so với cùng kỳ năm ngoái.

Công ty cổ phần Đầu tư dừa Bến Tre (BEINCO) đã vượt khó, duy trì sản xuất.

Còn tại Công ty TNHH XNK Trái cây Mekong, một trong những DN xuất khẩu dừa uống nước hàng đầu của tỉnh. Trong những ngày đầu thực hiện giãn cách xã hội, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn về nhân sự, vận chuyển, thu mua dừa… nhưng DN vẫn kiên trì thực hiện sản xuất “3 tại chỗ”.

Theo Giám đốc Công ty TNHH XNK Trái cây Mekong Bùi Dương Thuật, mặc dù chi phí đầu vào có tăng khoảng 50% so với thời điểm thông thường, sản xuất gần như không lợi nhuận, nhưng DN vẫn từng bước khắc phục khó khăn, duy trì được chuỗi liên kết với ngành dừa, góp phần ổn định thu nhập cho người nông dân trong trồng dừa và NLĐ tại DN.

Cũng theo ông Thuật, năm nay, công ty chú trọng phát triển thêm thị trường mới ngay từ đầu năm, nhất là mở rộng thị trường nội địa. Mặc dù tình hình những tháng cuối năm 2021 ước sản lượng dừa uống nước sẽ giảm, dịch COVID-19 vẫn còn đang diễn biến rất phức tạp nhưng DN khá lạc quan sẽ hoàn thành 100% chỉ tiêu kế hoạch sản xuất, kinh doanh. Dự báo tình hình cuối năm 2021, sản lượng dừa giảm, cùng với việc nhiều quốc gia còn e ngại về lây nhiễm COVID-19 nhưng công ty bảo đảm đạt 100% chỉ tiêu kế hoạch sản xuất, kinh doanh.

Hiện nay, khi hoạt động sản xuất đã dần ổn định và đi vào nề nếp, các DN tỉnh Bến Tre nói chung và DN ngành dừa nói riêng, đều rất trông chờ các cơ quan chức năng tỉnh sớm phân bổ đủ vaccine cho NLĐ trong các DN, xem đây là giải pháp chủ động để phòng chống dịch COVID-19 và là điều kiện an toàn trong sản xuất.

Thái Cường
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm