Cải cách thể chế mới là liều "vaccine" tốt nhất giúp doanh nghiệp vượt qua sóng gió
DNVN - Với đợt bùng phát mới của dịch Covid-19, cộng đồng doanh nghiệp (DN) đứng trước nhiều khó khăn để có thể gượng dậy và phục hồi. Nhiều DN nhấn mạnh, chỉ duy nhất vaccine ngừa Covid-19 mới cứu được các DN và nền kinh tế. Tuy vậy, cũng có ý kiến cho rằng ngoài vaccine y tế, thì cải cách thể chế mới là liều vaccine ngừa Covid-19 tốt nhất.
Hà Tĩnh: Hỗ trợ 200 triệu đồng cho mỗi chuyến tàu cập cảng Vũng Áng / Bức tranh doanh nghiệp đáng lo ngại, Chính phủ cần hỗ trợ như thế nào để hiệu quả?
Tại tọa đàm trực tuyến với chủ đề: “Doanh nghiệp bản lĩnh vượt khó Covid-19” do báo Kinh tế & Đô thị phối hợp cùng Trung tâm Hỗ trợ DN nhỏ và vừa TP Hà Nội, Hiệp hội DN nhỏ và vừa TP Hà Nội (Hanoisme) tổ chức mới đây, giới chuyên gia cũng như doanh nghiệp đều cho rằng, chúng ta không thể chống dịch theo cách cũ như trước, mà phải theo xu hướng mục tiêu của thế giới: Phải có vaccine.
Đơn cử, ông Thân Đức Việt - Tổng Giám đốc Công ty May 10 cho biết, các vấn đề cách ly, truy vết, dập dịch chưa thể giải quyết tận gốc vấn đề, bởi vaccine sẽ đóng vai trò trọng yếu.
"DN sẵn sàng đồng hành cùng Chính phủ để xã hội hoá nguồn vaccine. Chúng tôi đã đề xuất Chính phủ cho phép ngành may mặc và những ngành nhiều lao động ưu tiên tiêm vaccine trước. Hiện chi phí tiêm vaccine chỉ bằng 1/3 chi phí xét nghiệm, do đó, việc tiêm vaccine vừa là giải pháp căn cơ, lâu dài và tiết kiệm.
Chính phủ đã có nghị quyết 21 về mua và sử dụng vaccine, chúng tôi rất mong nghị quyết này sớm được triển khai, bởi dịch bệnh thì không chờ ai", ông Thân Đức Việt đề xuất.
Nhấn mạnh đến cơ chế, chính sách, ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, năm ngoái Chính phủ đã triển khai rất nhiều giải pháp và vẫn đang tiếp tục hỗ trợ DN. Tuy nhiên, quá trình thực hiện chính sách còn hạn chế, cần có những giải pháp để DN được thụ hưởng tốt hơn. Do đó, Chính phủ cần nghiên cứu và có thêm gói hỗ trợ mới cho DN.
Ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI).
Theo Chủ tịch VCCI, trong bối cảnh đợt dịch Covid-19 thứ tư này, có 2 vaccine rất cần thiết cho DN Việt Nam lúc này. Một là, phải xây dựng quản trị DN minh bạch, có khả năng chống chịu trong bối cảnh dịch bệnh. Thứ hai, là vaccine theo nghĩa đen, vaccine y tế.
“Tôi cho rằng bên cạnh các biện pháp hỗ trợ thì các chính sách về thể chế rất quan trọng. Làm sao để các thủ tục hành chính phải thiết kế theo tinh thần mới dễ dàng hơn, giảm thời gian, chi phí cho DN", ông Vũ Tiến Lộc nói.
Ông Vũ Tiến Lộc đề nghị Chính phủ tiếp tục thực thi tốt các giải pháp đã đề ra, với gói hỗ trợ đã có thì mở ra đại trà hơn, bao trùm hơn, để hỗ trợ rộng hơn các DN vừa và nhỏ đang khó khăn. Bên cạnh đó, cần có gói hỗ trợ thứ hai nhằm vào các lĩnh vực, DN, dự án có tiềm năng nhưng đang gặp khó khăn tạm thời. Hỗ trợ của Chính phủ không chỉ cứu DN mà còn tạo động lực cho DN phát triển sau đại dịch, những lĩnh vực dự án quan trọng của ngành kinh tế cũng cần hỗ trợ trọng tâm.
Cũng đề cập đến vấn đề chính sách, ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội cho biết, từ đầu năm 2020 đến nay, dịch bệnh Covid-19 đã tác động tiêu cực và nặng nề đến sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp, khiến các đơn hàng bị sụt giảm, sản xuất kinh doanh khó khăn. Bằng nỗ lực của mình, nhiều doanh nghiệp đã vượt khó thành công để duy trì hoạt động, tạo ra việc làm cho xã hội và góp phần giữ ổn định nền kinh tế.
Ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội.
Trong bối cảnh dịch bệnh vừa qua, hầu hết các ngành sản xuất ở Việt Nam đều chịu tổn thương do chuỗi cung ứng bị đứt đoạn. Tuy nhiên, với việc kiểm soát tốt dịch bệnh, doanh nghiệp Việt Nam đang có ưu thế hơn rất nhiều so với những doanh nghiệp cùng ngành nghề tại nước ngoài để cạnh tranh tốt hơn.
Thời gian qua, hầu hết doanh nghiệp bị “khát” đơn hàng. Chính phủ cũng đã có nhiều giải pháp, các gói hỗ trợ để vực dậy doanh nghiệp. Các gói hỗ trợ này là cần thiết và kịp thời nhưng doanh nghiệp kỳ vọng sự hỗ trợ này phải triển khai càng nhanh càng tốt, đến tay doanh nghiệp để tạo sức bật cho doanh nghiệp vượt khó.
Bên cạnh đó, ông Mạc Quốc Anh cho rằng, các cấp ngành phải cải tiến quy trình thủ tục hành chính nhanh gọn hơn, thông tin minh bạch và đầy đủ về tiêu chí, quy trình thủ tục tiếp nhận… để các khoản hỗ trợ sớm đến được tay các doanh nghiệp. Các khoản hỗ trợ này cần phải xác định đúng đối tượng thụ hưởng với những tiêu chí xác đáng và cụ thể, có sự giám sát chặt việc sử dụng nguồn hỗ trợ để bảo đảm hiệu quả của chính sách.
"Chúng ta có thể hỗ trợ dựa trên những đánh giá chỉ số đối với các ngành. Từ các chỉ số, chúng ta có thể chia theo mô hình doanh nghiệp nhỏ vừa, doanh nghiệp lớn và đưa ra các gói phù hợp với các ngành của doanh nghiệp đó. Dù các chính sách được đánh giá là hữu ích, nhưng tôi cho rằng vẫn còn khoảng cách khá xa từ chủ trương tới triển khai thực tế, chúng tôi mong muốn đòi hỏi cần có các giải pháp để các chính sách hỗ trợ đi nhanh hơn vào cuộc sống...", ông Mạc Quốc Anh kiến nghị.
Nguyệt Minh
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo