Hỗ trợ doanh nghiệp

Cảnh giác với nạn lừa đảo khi làm ăn với doanh nghiệp tại Ý

DNVN - Theo Tham tán công sứ Nguyễn Đức Thanh, hiện nay Thương vụ Việt Nam tại Ý đang giải quyết rất nhiều vụ việc gian lận của công ty Ý với doanh nghiệp (DN) Việt Nam. Nhiều vụ việc đã xảy ra rồi, DN Việt Nam mới liên hệ với Thương vụ để đi xác minh đối tác.

Phó Chủ tịch VITAS: Nhiều doanh nghiệp có dấu hiệu thiếu đơn hàng / Chi hội Doanh nghiệp Lạc Dương kết nối hội viên với ngân hàng để tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi

Cơ hội và thách thức
Tham tán công sứ Nguyễn Đức Thanh cho biết, các DN Việt Nam lớn, DN FDI đang có quan hệ kinh doanh với các DN đa quốc gia và của Ý đã có thị trường tương đối ổn định. Tuy nhiên, DN vừa và nhỏ Việt Nam với quy mô sản xuất còn nhỏ, giá cả và mẫu mã chưa cạnh tranh được với hàng hóa một số nước khác.
Một số lĩnh vực cụ thể, Việt Nam có thể tận dụng EVFTA để thúc đẩy phát triển hơn nữa tại thị trường Ý như động cơ điện; điện thoại, linh kiện; mật ong; giày dép; hàng dệt may; y tế; dược phẩm; máy móc thiết bị và phụ tùng; đồ gỗ; hàng thủy sản; nông sản.
Ý là quốc gia nằm trong khối EU, các khó khăn mà DN Việt Nam gặp phải khi xuất khẩu sang thị trường EU cũng tương tự như những vướng mắc khi làm việc với DN Ý như: các tiêu chuẩn kỹ thuật, các quy định về chứng nhận, bao bì...
Bên cạnh đó, khi làm ăn thương mại với các DN Ý, DN Việt Nam còn gặp một số khó khăn khác. Chẳng hạn, môi trường pháp lý của Ý rất phức tạp và đôi khi thiếu sự minh bạch, rõ ràng và hiệu quả. Các sản phẩm liên quan đến sức khỏe, an toàn hoặc về môi trường được đưa ra các quy định và tiêu chuẩn kỹ thuật cao, thậm chí còn cao hơn cả những yêu cầu cơ bản của EU.
Bí quyết kinh doanh thành công
Tham tán Nguyễn Đức Thanh cho rằng, để xúc tiến thương mại hiệu quả tại thị trường Ý, DN Việt có thể tham gia trực tiếp các chương trình hội thảo, hội nghị giao thương, tiếp xúc và gặp gỡ DN. Gửi hàng mẫu sang các cơ quan đơn vị giúp giới thiệu quảng bá sản phẩm. Tra cứu thông tin trên internet, xác minh đối tác từ các cơ quan trực tiếp tại thị trường sở tại giúp kết nối giao thương DN...
Tiếng Ý là ngôn ngữ chính thức và được sử dụng ở tất cả các vùng của quốc gia này. Việc trao đổi thư từ với các công ty Ý, đặc biệt là những lần liên hệ ban đầu, nên được ưu tiên bằng tiếng Ý.
Khi DN Việt Nam chuẩn bị sang Ý công tác hoặc lên lịch làm việc với đối tác, các DN nên xem trước các ngày nghỉ lễ để chủ động sắp xếp thời gian phù hợp.

Các DN Việt Nam kinh doanh, hợp tác với đối tác Ý ngày càng nhiều.
Việc vun đắp và duy trì các mối quan hệ cá nhân là điều cần thiết để kinh doanh ở Italia. Do đó, việc tìm kiếm đúng đại lý, nhà phân phối hoặc đối tác kinh doanh của Italia là rất quan trọng. Thường không hiệu quả nếu dựa vào các đại lý đặt tại các thị trường lân cận mặc dù có thị trường chung EU.
“Chìa khóa vàng” của phép lịch sự kinh doanh thông thường, đặc biệt là trả lời kịp thời các yêu cầu báo giá và đơn đặt hàng, là con đường tốt nhất để thành công. Những người kinh doanh ở Ý đánh giá cao việc trả lời nhanh chóng các câu hỏi của họ và mong đợi tất cả các thư từ được ghi nhận.
Ý là nước G7 có thị trường rất lớn với gần 60 triệu dân và 60 triệu du khách quốc tế nên các tập đoàn lớn của Việt Nam cần quan tâm hơn nữa đến kinh doanh tại Ý. Mặt khác, thói quen kinh doanh của người Việt Nam dựa vào cộng đồng DN Việt Nam tại các nước có cộng đồng Việt Nam lớn như ở Đức, Séc, Rumani... sẽ không hiệu quả đối với thị trường Ý.
Cảnh giác với nạn lừa đảo
Tham tán chia sẻ, Ý có tỷ lệ tội phạm ở mức trung bình, đặc biệt là tội phạm trộm cắp và tội phạm kinh tế; tội phạm bạo lực rất hiếm. Tội phạm vặt (móc túi, trộm xe đang đỗ, giật túi xách) có thể là một vấn đề nan giải, đặc biệt là ở các thành phố lớn. Hầu hết các vụ trộm được báo cáo xảy ra tại các địa điểm du lịch đông đúc, tại sân bay, đại lý cho thuê xe hơi, trên xe buýt công cộng, tàu điện ngầm...
Thương vụ Việt Nam tại Ý, Phòng Thương mại Italia - Việt Nam và Lãnh sự danh dự có thể cung cấp hỗ trợ cho các công ty, cả về phương thức thanh toán được sử dụng, cả về điều khoản hợp đồng và về việc chia sẻ thông tin thương mại khi đàm phán và cách thức thực hiện hiệu quả tránh rủi ro. Do đó, tốt hơn hết là nên liên hệ trước với các đơn vị này trước khi phát sinh các tình huống khó quản lý.
Doanh nghiệp phải hết sức thận trọng trong việc ký kết hợp đồng với các điều khoản thanh toán, phải sử dụng những phương thức thanh toán an toàn. Thường xuyên liên hệ với các Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài để phối hợp xác minh tính chính xác các thông tin đối tác, tránh bị lừa đảo.
Hiện nay Thương vụ đang giải quyết rất nhiều vụ việc gian lận của công ty Ý với công ty Việt Nam. Một số hình thức lừa đảo có thể kể đến như công ty Ý đã đặt cọc cho công ty Việt Nam, nhận hàng từ công ty Việt Nam và sau đó không trả tiền hàng còn lại. Công ty Việt Nam đã đặt cọc nhưng công ty Ý không giao hàng...
Nhiều vụ việc đã xảy ra rồi, doanh nghiệp Việt Nam mới liên hệ với Thương vụ để đi xác minh công ty Ý. Nhiều địa chỉ của doanh nghiệp Ý chỉ là địa chỉ giả mạo, khi đến thực tế địa chỉ đó không có văn phòng công ty nào như phía Việt Nam đưa ra. Một số người Ý phối hợp với một số nhóm lừa đảo quốc tế, làm giả các loại chứng từ, kể cả chứng từ thanh toán nhằm tìm cách chiếm đoạt bộ chứng từ gốc để nhận hàng tẩu tán...
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, trong 7 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Ý đạt 3,7 tỷ USD, tăng 12% so với cùng kỳ năm 2021. Ttrong đó xuất khẩu Việt Nam sang Ý 7 tháng đầu năm 2022 đạt 2,69 tỷ USD, tăng 21% so với cùng kỳ năm trước. Nhập khẩu từ Ý đạt 1 tỷ USD, giảm 4,9% so với cùng kỳ năm 2021.
Những mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam bao gồm: máy móc, thiết bị, điện thoại, linh kiện, máy vi tính và linh kiện, phương tiện vận tải và phụ tùng, sắt thép, cà phê, hàng dệt may, hàng thủy sản...
Trong khi đó, một số mặt hàng nhập khẩu chính từ Ý bao gồm: máy móc thiết bị cơ khí, nhựa và các sản phẩm nhựa, dược phẩm, tủ bàn ghế, phụ kiện dệt may, đồ uống, rượu, giấm....
Về đầu tư trực tiếp của Ý vào Việt Nam, đến cuối tháng 7 năm 2022, Ý đứng thứ 34 trong tổng số 139 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam, với 138 dự án đầu tư còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký gần 410 triệu USD. Hiện Ý đã đầu tư vào 18 tỉnh, thành của Việt Nam.

Minh Thu
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm