Hỗ trợ doanh nghiệp

Chiều 6/9, UBND tỉnh An Giang họp nghe báo cáo về các vướng mắc tại cửa khẩu Khánh Bình

DNVN - Sau phản ánh của báo chí về những bất cập khi thực hiện công văn 2777 của Tổng cục Hải quan, tại Khu kinh tế Cửa khẩu Khánh Bình, chiều nay (6/9), UBND tỉnh An Giang tổ chức họp nghe báo cáo của các sở, đơn vị liên quan về khó khăn, vướng mắc trong hoạt động xuất nhập khẩu tại khu vực này nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tiểu thương…

Phó Chủ tịch VITAS: Nhiều doanh nghiệp có dấu hiệu thiếu đơn hàng / An Giang: Không đủ thời gian chuẩn bị, doanh nghiệp lo phải đóng cửa trước yêu cầu đưa hàng vào điểm kiểm tra tập trung

Như Doanh nghiệp Việt Nam thông tin, việc triển khai kiểm tra hàng hóa tập trung theo văn bản 2777 của Tổng cục Hải quan (TCHQ) đang vấp phải sự phản ứng mạnh mẽ từ nhiều doanh nghiệp, tiểu thương kinh doanh nông, thủy sản tại Khu kinh tế Cửa khẩu Khánh Bình (thị trấn Long Bình, huyện An Phú, tỉnh An Giang).

Theo công văn 2777 của TCHQ, được ban hành vào ngày 7/7/2022, yêu cầu thực hiện công tác quản lý giám sát hải quan tại các cửa khẩu biên giới. Cụ thể, các doanh nghiệp xuất khẩu phải đưa hàng hóa, nông sản vào kiểm tra tập trung tại các bãi tập trung do TCHQ cấp phép. Việc đưa hàng hóa tập trung, nhằm thuận lợi giám sát, tránh khai khống số lượng hàng hóa xuất khẩu để hoàn thuế.

Sau nhiều ngày tập trung sang chiết hàng hóa tại bãi chữ P, doanh nghiệp, tiểu thương bắt đầu phản ứng vì không có mái che nên rau, củ bị hư hỏng.

Để triển khai công văn này, ngày 4/8, Chi cục Hải quan Cửa khẩu (HQCK) Khánh Bình tổ chức cuộc họp với đại diện các doanh nghiệp: Dương Lan, Hải Thịnh Phát, Ngân Ý An Phú, Đức Thành Long Bình, Huỳnh Kim Mỹ, Trương Minh Hải, Đào Tài Lộc cùng UBND, công an huyện An Phú, Đồn Biên phòng Cửa khẩu Khánh Bình, Ban Quản lý Khu kinh tế Cửa khẩu (KKTCK) Khánh Bình.

Tại cuộc họp, Chi cục HQCK Khánh Bình, Ban Quản lý KKTCK Khánh Bình đã nêu 3 địa điểm để lựa chọn kiểm tra, giám sát hải quan đối với hàng hoá, xuất nhập khẩu qua biên giới. Trong đó 1 địa điểm do Nhà nước quản lý (không thu phí) và 2 địa điểm do tư nhân quản lý (có thu phí). Tại đây, các doanh nghiệp có nêu lên những khó khăn, vướng mắc và xin gia hạn để hoàn thiện các thủ tục theo quy định, được nhiều ý kiến đồng tình. Qua đó, chủ trì cuộc họp đề nghị các doanh nghiệp làm văn bản kiến nghị để được xem xét.

Ngay sau cuộc họp, đồng loạt các doanh nghiệp như Ngân Ý An Phú, Đức Thành Long Bình, Huỳnh Kim Mỹ có đơn kiến nghị xin gia hạn gửi đến Cục Hải quan An Giang, HQCK Khánh Bình, Ban Quản lý KKT tỉnh An Giang để trình bày những khó khăn và xin gia hạn thêm 3 tháng để hoàn thành thủ tục theo quy định.

Tuy nhiên, trong khi chờ văn bản trả lời thì ngày 12/8, nhiều doanh nghiệp nhận được điện thoại của đại diện HQCK Khánh Bình yêu cầu kể từ ngày 15/8 phải thực hiện việc đưa tất cả hàng hoá vào điểm kiểm tra tập trung của 2 doanh nghiệp Dương Lan và Hải Thịnh Phát.

Liên quan đến việc thực hiện công văn 2777 của TCHQ, đại diện các doanh nghiệp cho rằng: “Họ đầu tư hàng chục tỷ đồng theo chủ trương của UBND tỉnh, sẵn sàng đưa hàng hóa vào điểm tập kết của nhà nước cũng như việc đang hoàn thành các thủ tục xin cấp phép theo quy định của TCHQ. Tuy nhiên, việc HQCK triển khai văn bản của TCHQ một cách đột ngột, thay đổi liên tục… khiến chúng tôi trở tay không kịp, việc đưa hàng hóa vào tập kết tại địa điểm khác dẫn đến nguy cơ mất hết khách hàng, công nhân thất nghiệp và doanh nghiệp sẽ đóng cửa".

Trao đổi với một lãnh đạo Chi cục HQCK Khánh Bình về việc có hay không việc triển khai văn bản quá “đột ngột” cũng như trước đó có hướng dẫn doanh nghiệp về các thủ tục để hoạt động cho đúng quy định của hải quan, vị đại diện này thừa nhận: Chi cục HQCK Khánh Bình vừa mới hướng dẫn cho các doanh nghiệp về thủ tục được công nhận điểm tập kết hàng hóa vào buổi họp đầu tiên để triển khai văn bản 2777 vào ngày 4/8/2022, vì từ lúc thành lập khu kinh tế này Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh An Giang chưa một lần thông báo tình hình hoạt động của các doanh nghiệp này nên phía hải quan không nắm.

“TCHQ ký ngày 7/7, văn bản đã có hiệu lực, ngày 4/8 họp triển khai sau đó áp dụng vào ngày 15/8 rồi kéo dài đến 24/8 là quá chậm đối với TCHQ, trong khi đó chúng tôi còn bị chính quyền cho là “vội vàng, cứng nhắc”, vị này nói.

Để làm rõ những bất cập, chiều nay, UBND tỉnh An Giang sẽ tổ chức họp nghe báo cáo của các sở, đơn vị liên quan về khó khăn, vướng mắc trong hoạt động xuất nhập khẩu tại khu vực này nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tiểu thương…

Trước thềm cuộc họp, nhiều doanh nghiệp, tiểu thương hoạt động tại Khu KTCK Khánh Bình kiến nghị: Hiện việc sang hàng hóa tại bãi chữ P (bãi tập trung của nhà nước) đang gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp. Do thiết kế không phải để sang hàng hóa nên không có mái che khi nắng hoặc mưa đều làm hư hỏng hàng rau củ, cá chết…

"Hệ thống điện chiếu sáng, nước chưa hoàn thiện, nơi đây không đáp ứng được yêu cầu tốt nhất cho việc kinh doanh nông, thủy sản. Vậy nên doanh nghiệp tha thiết kêu gọi các cấp lãnh đạo tạo điều kiện cho doanh nghiệp được hoạt động ngay địa điểm của công ty đã xây dựng trong khi chờ thủ tục cấp phép của TCHQ theo quy định, nhằm giúp cho hoạt động giao thương được ổn định từng bước, giúp cho kinh tế biên giới được tăng lên góp phần tăng trưởng kinh tế tỉnh nhà và đời sống những anh em công nhân có được cuộc sống trong lành và ổn định", các doanh nghiệp cùng chung kiến nghị.

Thái Cường
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm