Hỗ trợ doanh nghiệp

Đất đai vẫn là 'nút thắt' làm chậm cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước

Cả nước có hàng trăm trường hợp chuyển đổi mục đích sử dụng đất của doanh nghiệp nhà nước nhưng không tính giá trị quyền sử dụng đất và giá trị quyền thuê đất vào giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hóa (CPH), hoặc tính giá trị doanh nghiệp chưa sát với giá thị trường làm thất thu ngân sách nhà nước và chậm tiến trình CPH.

Thương hiệu doanh nghiệp Việt đã thực sự 'lớn'? / Tín hiệu mới giữa cơn khát vốn của doanh nghiệp nhỏ

26-11-Dat-Phuoc-Kien-6821-1606379291.jpg

Việc không đưa giá trị sử dụng đất vào giá trị CPH DNNN khiến ngân sách nhà nước thất thu hàng chục nghìn tỷ đồng.

Theo báo cáo của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (DN), kế hoạch giai đoạn 2017- 2020, các tập đoàn, tổng công ty thực hiện thoái vốn tại 126 DN, nhưng đến nay mới hoàn thành thoái vốn tại 22 DN. Một trong những nguyên nhân chính gây vướng mắc liên quan đến vấn đề đất đai.

Thất thoát hàng nghìn tỷ đồng.TS. Nguyễn Minh Phong, chuyên gia kinh tế cho rằng, tình trạng chuyển nhượng đất từ đất công sang đất tư không qua đấu thầu đã khiến ngân sách nhà nước (NSNN) thất thoát hàng chục nghìn tỷ đồng. Tiêu biểu là sự việc tháng 4/2018, Công ty TNHH MTV đầu tư và xây dựng Tân Thuận ký hợp đồng chuyển nhượng cho CTCP Quốc Cường Gia Lai khu đất hơn 30 ha tại xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè, với giá chỉ 419 tỷ đồng, tương đương 1,29 triệu đồng/m2, trong khi mặt bằng giá thị trường là không dưới 2.000 tỷ đồng.

Hoặc như theo kết luận của Thanh tra Chính phủ (TTCP) công bố hồi đầu tháng 10/2018, trên địa bàn TP Hà Nội, cơ quan này đã phát hiện sai phạm ở 36/38 dự án có vị trí đắc địa tại các quận nội thành với sai phạm tập trung ở các lỗi: Sử dụng sai mục đích, tự ý chuyển mục đích sử dụng đất (32 lượt dự án); vi phạm quy hoạch xây dựng (20 lượt dự án); nợ, chậm tiền sử dụng đất(8 dự án). Tổng số tiền sai phạm được phát hiện qua thanh tra tại các dự án chuyển mục đích sử dụng đất có vị trí lợi thế kinh doanh lên tới 3.974 tỷ đồng.

Ths. Nguyễn Trần Minh Trí, Viện Kinh tế và Chính trị thế giới, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam nhìn nhận, việc pháp luật không quy định xác định lợi thế thương mại đối với giá trị quyền sử dụng đất cũng như đấu giá khi lựa chọn nhà đầu tư kinh doanh, liên kết để chuyển mục đích sử dụng đất là một trong những sơ hở chính sách gây thất thoát NSNN, đặc biệt là khi dự án đất ở những vị trí đắc địa.

Kết quả kiểm toán công tác quản lý và sử dụng đất trong và sau khi cổ phần hóa (CPH) DN nhà nước giai đoạn 2011 – 2017 của Kiểm toán Nhà nước chỉ rõ, tại nhiều địa phương còn tình trạng đất sau CPH không đưa vào sử dụng, thiếu quản lý dẫn đến hoang hóa, tranh chấp, lấn chiếm, không quản lý được do vướng mắc trước CPH chưa được xử lý, không bàn giao đất bị thu hồi khi hết thời hạn sử dụng.

 

Việc chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ dự án sau khi được giao đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất dự án cũng không theo quy định. Đặc biệt, tình trạng các DN sau CPH sử dụng đất không đúng mục đích, chậm đưa đất vào sử dụng vẫn còn khá phổ biến…

Theo ước tính, hàng nghìn tỷ đồng đã và đang bị thất thoát và thất thu NSNN do chưa tính, hoặc không tính đúng, tính đủ giá trị quyền sử dụng đất, quyền thuê đất và các giá trị, lợi thế kinh doanh vô hình khác.

Đưa giá trị sử dụng đất vào giá trị DN.TS. Nguyễn Minh Phong cho rằng, trước nguy cơ diện tích đất của các dự án CPH được định giá, cho khai thác, cho thuê hoặc bán với giá quá thấp, nhất là do tình trạng “chân gỗ”, “quân xanh quân đỏ” trong công tác đấu giá và được tăng tốc bằng những khoản tiền “bôi trơn” khổng lồ, cần tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý minh bạch, bình đẳng, cạnh tranh nhằm thực hiện chủ trương sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước.

Đặc biệt, cần đưa giá trị sử dụng đất vào giá trị DN khi CPH, bổ sung những chế định đấu giá quyền sử dụng đất và sửa đổi Luật Đấu thầu để bảo đảm tính công khai, minh bạch. Việc định giá đất cần bám sát giá thị trường, gắn với quy hoạch sử dụng đất.

Đồng thời, Nhà nước không cho DN trả tiền thuê đất một lần trong thời hạn giao đất, mà chỉ ổn định trong khoảng thời gian nhất định và có điều chỉnh giá thuê sau thời gian đó theo nguyên tắc bám sát giá thị trường.

 

Khi thực hiện phê duyệt phương án sử dụng đất của DN CPH, Nhà nước phải rà soát và quyết định thu hồi những diện tích đất DN sử dụng chưa phù hợp và không đúng quy hoạch.

Bên cạnh đó, bổ sung quy định về xử lý đất đai đối với các DN quản lý nhiều đất đai ở những vị trí có lợi thế thương mại cao theo hướng yêu cầu DN CPH có trách nhiệm xây dựng phương án sử dụng đất trình cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Thực tế không chỉ đòi hỏi cần tổ chức thanh tra, kiểm toán lại các vụ chuyển nhượng đất đai, hồi tố và truy thu, xử lý nghiêm những trường hợp trục lợi gây thất thoát tài sản công và thất thu NSNN, mà còn cần tiếp tục hoàn thiện cơ sở để tạo hành lang pháp lý, nhằm thực hiện chủ trương sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước, di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường theo quy hoạch xây dựng đô thị.

Ông Dương Quang Chính, Chánh Thanh tra Kiểm toán Nhà nước cho rằng, cần xác định giá trị DN đối với trường hợp giao đất có thu tiền sử dụng đất. Phương án sử dụng đất là một trong những hồ sơ DN CPH phải hoàn thiện trong phương án CPH để trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

Ngoài ra, DN CPH có trách nhiệm gửi phương án sử dụng đất được phê duyệt cùng toàn bộ hồ sơ có liên quan đến UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trên địa bàn để xin ý kiến về các lô đất DN sẽ tiếp tục sử dụng sau CPH và giá đất làm căn cứ để xác định giá trị DN.

 

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm