Hỗ trợ doanh nghiệp

Gỡ khó cho doanh nghiệp do nữ làm chủ trong chuyển đổi xanh

DNVN - Tiến trình chuyển đổi xanh được coi là tất yếu nếu doanh nghiệp muốn tham gia cuộc chơi toàn cầu. Tuy vậy, tiến trình này đặt ra nhiều thách thức cho các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ với quy mô nhỏ, hạn chế về các nguồn vốn, năng lực công nghệ, năng lực quản trị.

Kiến nghị nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp trong 6 tháng cuối năm 2024 / Chi phí đầu vào tăng cao, gần 50% doanh nghiệp kiến nghị giảm lãi suất cho vay

Nhiều thách thức

Tại hội thảo "Thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ và doanh nghiệp do nữ làm chủ trong quá trình chuyển đổi xanh" ngày 10/7 tại Hà Nội, bà Mai Thị Diệu Huyền - Phó Chủ tịch phụ trách, Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam (VWEC) nhấn mạnh, chuyển đổi xanh hiện nay không chỉ được xem là xu thế mà còn được các quốc gia nhìn nhận và đánh giá là tất yếu nếu muốn tham gia vào sân chơi toàn cầu.

Cùng với nỗ lực chung của Chính phủ Việt Nam, cộng đồng doanh nghiệp (DN) Việt Nam cũng đã có những động thái mang tính chủ động, tích cực trong việc tìm hiểu thông tin, tìm kiếm nguồn lực để tiến hành chuyển đổi mô hình sản xuất theo hướng xanh và bền vững.

Tuy nhiên, tiến trình chuyển đổi xanh đặt ra những thách thức rất lớn cho các DN, đặc biệt là các DN nhỏ và vừa, DN do phụ nữ làm chủ với quy mô nhỏ, hạn chế về các nguồn vốn, năng lực công nghệ, năng lực quản trị.


Bà Mai Thị Diệu Huyền - Phó Chủ tịch phụ trách, Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam (VWEC).

Nói rõ hơn về những thách thức của DN do nữ làm chủ trong chuyển đổi xanh, ông Nguyễn Sỹ Linh - Trưởng ban Biến đổi khí hậu và các vấn đề toàn cầu (Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường, Bộ TN&MT) cho rằng, trong sản xuất, DN cần nguồn lực lớn hơn, phải hiểu biết về công nghệ carbon thấp; yêu cầu về quản trị, quản lý doanh nghiệp cao hơn.

Trong tiêu dùng, thách thức của DN là hiểu biết về công nghệ và đưa ra quyết định mua sắm hơn; thiếu hướng dẫn để mua sắm xanh phù hợp với khả năng của DN.

Trong thải bỏ (xử lý chất thải), do DN có quy mô nhỏ nên việc xử lý chất thải thường do bên thứ ba, không chủ động được về chi phí; tuần hoàn chất thải thường áp dụng với các loại chất thải có giá trị, dễ vận chuyển.

Tại sự kiện, nhiều DN phản ánh những khó khăn, thách thức trong tiến trình chuyển đổi xanh, không biết phải bắt đầu như thế nào và bắt đầu từ đâu.

Đơn cử, đại diện Công ty thép Ngọc Diệp (Thái Nguyên) chia sẻ, hoạt động sản xuất của DN tạo phát thải khí nhà kính, DN có định hướng trồng và phát triển 500 ha rừng, đã chuẩn bị được nguồn lực tương đối. Tuy vậy, DN chưa biết phải làm như thế nào và bắt đầu từ đâu.

Bà Trần Thị Ngọc Bích – Phó TGĐ Tập đoàn Hương Sen (Thái Bình) cho hay, dù DN sản xuất hay ở hình thái nào thì chuyển đổi xanh là cần thiết. Tuy nhiên, bà trăn trở việc chuyển đổi xanh trong thời gian bao lâu, có ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh hiện thời hay không? Hiệu quả thực tế mang lại là gì và DN được hỗ trợ tài chính từ Nhà nước và các tổ chức ra sao?


Nhiều nữ doanh nhân phản ánh khó khăn trong tiếp cận vốn.

“Chuyển đổi xanh là cần thiết và được DN quan tâm. Song hiện còn nhiều vấn đề DN chưa thực sự hiểu, DN rất mong có sự chung tay, hỗ trợ từ phía Nhà nước và các tổ chức để DN có được thông tin kịp thời về yêu cầu liên quan đến chuyển đổi xanh từ thị trường quốc tế, giúp DN tiếp cận được nhiều thị trường hơn, từ đó tăng doanh thu, cải thiện thu nhập cho người lao động…”, bà Bích kiến nghị.

Đứng đầu đơn vị chuyên sản xuất bao bì phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu, bà Vũ Thị Quê - Chủ nhiệm HTX phụ nữ khuyết tật huyện Bình Giang (Hải Dương) cho biết, hợp tác xã mong muốn phát triển, mở rộng thêm thị trường nhưng khó khăn về tài chính, không tiếp cận được các ngân hàng để vay tiền.

“Hợp tác xã mong muốn các đơn vị kết nối với ngân hàng chính sách và xuất khẩu lao động để hợp tác xã ngày càng ổn định và phát triển hơn”, bà Quê nêu.

Cũng đề cập về khó khăn tài chính, PGS, TS Nguyễn Thị Chính - Giám đốc Công ty TNHH Nấm linh chi, Phó Chủ tịch Hội giáo dục chăm sóc sức khỏe cộng đồng Việt Nam phản ánh, DN với 23 năm hình thành và phát triển, trong hoạt động sản xuất kinh doanh, bên cạnh thuận lợi còn rất nhiều khó khăn, đặc biệt là khó khăn về tài chính.

Do đó, bà Chính bày tỏ mong muốn có thông tin cụ thể về chính sách ưu tiên trong các chương trình hỗ trợ cho DN do nữ làm chủ? Tiêu chí như thế nào để được hỗ trợ, và hỗ trợ trong thời gian bao lâu?

Bà Chính cũng đề xuất các tổ chức hỗ trợ doanh nghiệp kết nối với các đối tác, thị trường để sản phẩm của Nấm linh chi ngày một vươn xa.

Ưu tiên cho DN do nữ làm chủ vay vốn

Theo bà Mai Thị Diệu Huyền - Phó Chủ tịch phụ trách, Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam (VWEC), trong bối cảnh hiện nay, một trong những nhiệm vụ ưu tiên của hội đồng là hỗ trợ, nâng cao năng lực và tăng tính chủ động cho DN do nữ làm chủ trong tiến trình chuyển đổi xanh.

Do đó, bắt đầu từ năm nay, VWEC đã hợp tác với Chương trình Môi trường Liên hợp quốc triển khai chương trình dự án Empower: Nâng cao quyền năng kinh tế của phụ nữ thông qua chuyển đổi xanh” kéo dài 18 tháng từ tháng 1/2024 - tháng 6/2025.

Chương trình có hai nhóm hỗ trợ chính: hỗ trợ về kết nối tài chính (UNEP tài trợ 8.000 USD cho một sáng kiến), hỗ trợ kỹ thuật cho DN nhỏ và vừa do nữ làm chủ để DN có thể biến ý tưởng, sáng kiến chuyển dịch năng lượng, giảm phát thải nhà kính thành hiện thực.

Ông Trần Thanh Nam - Trưởng phòng Tín dụng không tập trung, Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam (VEPF) cho biết, thấu hiểu những khó khăn của DN do nữ làm chủ trong tiếp cận vốn, VEPF triển khai chương trình cho vay ưu đãi cho các dự án bảo vệ môi trường với lãi suất cho vay ưu đãi 2,6%/năm hoặc 3,6%/năm, lãi suất cố định suốt thời gian vay.

Hiện tại, mức cho vay không quá 36,6 tỷ đồng đối với 1 dự án và không quá 73,2 tỷ đồng đối với một chủ đầu tư.

Trong khi đó, xây dựng và triển khai sáng kiến EmpowHer từ giữa năm 2021, Công ty CP Chứng khoán VPS thực hiện một chuỗi các hoạt động hỗ trợ cho doanh nghiệp nữ chủ, đặc biệt là các doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực xanh để nâng cao năng lực quản lý tài chính, làm chủ tài chính, làm chủ tương lai.

VPS đề cao việc hỗ trợ và đồng hành giúp các khách hàng nữ của VPS tiếp cận, duy trì một lối sống lành mạnh đi đôi với tài chính bền vững.

Phó Chủ tịch phụ trách, Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam (VWEC) khuyến nghị, để hiện thực hoá tiến trình chuyển đổi xanh đòi hỏi các DN thay đổi rất nhiều, đặc biệt là từ nhận thức của chủ DN, lãnh đạo cấp cao nhất của DN, tiếp đến là từng bước chuyển đổi mô hình sản xuất xanh, kinh doanh xanh như đầu tư máy móc, trang thiết bị, công nghệ mới để vận hành và tuân thủ các cam kết về phát triển bền vững, về tăng trưởng xanh không những ở trong nước mà còn ở quốc tế.

Nguyệt Minh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm