Hỗ trợ doanh nghiệp

Hiệp hội Doanh nghiệp Lâm Đồng online chia sẻ giải pháp vượt bão Covid-19: “Gãi đúng chỗ” doanh nghiệp cần

DNVN – Do lần đầu Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Lâm Đồng tổ chức hội thảo Online nên số doanh nghiệp tham gia còn hạn chế. Tuy nhiên, sau 2 giờ tương tác, các chủ doanh nghiệp đánh giá hội thảo đã “gãi đúng chỗ” doanh nghiệp cần và mong muốn có thêm những buổi chia sẻ, kết nối để tìm giải pháp giúp doanh nghiệp vượt qua khủng hoảng do Covid-19.

Tổ chức huấn luyện doanh nghiệp ActionCOACH khai trương văn phòng tại Lâm Đồng / Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Lâm Đồng tích cực hỗ trợ DN kết nối mở rộng thị trường

Đúng 9 giờ sáng 7/4/2020, thông qua ứng dụng Zoom, khoảng 30 đại diện doanh nghiệp đã đồng loạt online kết nối tham gia hội thảo trực tuyến do Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Lâm Đồng tổ chức, để tư vấn, chia sẻ giải pháp giúp doanh nghiệp vượt khủng hoảng do Covid-19.
Khoảng 30 doanh nghiệp tham gia hội thảo online do Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Lâm Đồng lần đầu tiên tổ chức

Khoảng 30 doanh nghiệp tham gia hội thảo online do Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Lâm Đồng lần đầu tiên tổ chức

Theo ghi nhận của phóng viên, do là lần đầu tham gia hội thảo trực tuyến, nên một số doanh nghiệp chưa quen sử dụng công nghệ 4.0 này. Do đó, tại một số “đầu cầu” chưa biết cách bật mic để tương tác; hay không đặt tên người dùng nên Ban tổ chức phải “test” để biết người tham gia là ai, đến từ doanh nghiệp nào…
Tuy nhiên, điều đáng ghi nhận là nhờ công tác truyền thông, lan toả thông tin về hội thảo từ trước, nên có cả doanh nghiệp ở ngoại tỉnh, doanh nghiệp chưa phải là hội viên của Hiệp hội, nhưng khi biết ý nghĩa của Hội thảo vẫn háo hức tham gia. Thậm chí có chủ doanh nghiệp đang ở nước ngoài, do lệch múi giờ, nơi họ đang sống là 23 giờ 30 phút khuya, nhưng vẫn nhiệt tình đợi đến giờ khai mạc để tham gia tương tác.
Ban Tổ chức cũng đã dành khoảng 30 phút để các doanh nghiệp giới thiệu về mình và nêu một số khó khăn, thách thức của doanh nghiệp đang gặp phải, trong bối cảnh Covid-19. Trong đó, hầu hết các doanh nghiệp đều gặp khó khăn về vốn, đầu ra sản phẩm, hàng tồn kho, nguyên liệu sản xuất… Các doanh nghiệp đang rất quan tâm về vấn đề nhân sự, các chính sách hỗ trợ của Nhà nước và các giải pháp tháo gỡ khó khăn...
Mở đầu phần nội dung chính thức của hội thảo, ông Trương Văn Đức, tân Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Lâm Đồng, đã gửi lời cảm ơn đến các doanh nghiệp đã tích cực tham gia chương trình, đồng thời chia sẻ với những khó khăn mà doanh nghiệp đang mắc phải do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19.
“Hy vọng qua hội thảo đầu tiên này, các doanh nghiệp sẽ làm quen với cách thức tương tác, cách hội họp mới và sẽ tiếp nhận được những kinh nghiệm, những chia sẻ hay, để áp dụng vào thực tế của doanh nghiệp mình, nhằm vượt qua những khó khăn do dịch bệnh gây ra”, tân Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Lâm Đồng chia sẻ.
Trưởng Ban Đào tạo Hiệp hội Doanh nghiệp Lâm Đồng Nguyễn Thị Thu Hiền chia sẻ những giải pháp giúp doanh nghiệp vượt khủng hoảng do Covid-19

Trưởng Ban Đào tạo Hiệp hội Doanh nghiệp Lâm Đồng Nguyễn Thị Thu Hiền chia sẻ những giải pháp giúp doanh nghiệp vượt khủng hoảng do Covid-19

Tiếp đến, bà Nguyễn Thị Thu Hiền, Trưởng Ban Đào tạo Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Lâm Đồng, đã chia sẻ với các doanh nghiệp một số hành động cần thực hiện ngay trong điều kiện kinh doanh suy giảm do Coivd-19, nhằm giúp doanh nghiệp vượt qua khủng hoảng.
Theo đó, có 4 nhóm nội dung chính, gồm: Kiểm soát dòng tiền, giảm thiểu và chậm chi tiền ra; Tăng cường tối đa chuyển hoá thành tiền mặt; Định vị công ty sẽ như thế nào trong suy thoái; Cải thiện năng suất.
Theo bà Thu Hiền, doanh nghiệp có thể kiểm soát dòng tiền, giảm thiểu và chậm chi tiền ra bằng các giải pháp, như: Thương lượng giảm tiền thuê mặt bằng, văn phòng. Thương lượng nhà cung cấp giảm giá, đàm phán lại về doanh số, thời hạn thanh toán… Đây cũng là lúc để doanh nghiệp hiểu được đối tác nào sẵn lòng đồng hành cùng mình trong lúc khó khăn, qua đó, chúng tôi đo lường được, phân loại xếp hạng A, B, C, D nhà cung cấp.
Cắt giảm các chi phí không cần thiết, như: Ngừng vinh danh, tri ân khách hàng, teambuiding... Thay vì tính toán Điểm hoà vốn, hãy tính toán “Điểm sinh tồn” là mức doanh số tối thiếu để doanh nghiệp đủ để sinh tồn trong giai đoạn này. Chuyển sang phương án thuê thay vì mua. Thương lượng các khoản phải trả thêm thời gian tín dụng, mở rộng các khoản tín dụng. Cần tăng cường tối đa chuyển hoá thành tiền mặt bằng các biện pháp: Cắt ngắn thời gian cho nợ, chủ động giảm giá thêm 1-2% để cắt ngắn thời gian thu tiền, với phương châm: Doanh số là lý thuyết, Lợi nhuận là Thực tế, Tiền mặt là Vua.
“Trong giai đoạn này, doanh nghiệp cần chủ động giữ khách hàng hiện hữu, đừng vì quá cắt giảm chi tiêu mà không duy trì dịch vụ tốt. Giai đoạn này khách hàng cũ sẽ là nguồn mang lại 80% doanh thu của doanh nghiệp. Đừng tiết kiệm chi phí lúc này để giữ những khách hàng tốt nhất của bạn. Bởi vì chi phí để có 1 khách hàng mới cao hơn rất rất nhiều so với chi phí để 1 khách hàng cũ quay trở lại mua hàng”, Trưởng Ban Đào tạo Hiệp hội Doanh nghiệp Lâm Đồng, nhấn mạnh.
Bà Thu Hiền cũng khuyến cáo, trong giai đoan này, doanh nghiệp cần định vị công ty sẽ như thế nào trong suy thoái. Cần xem xét lại các thông điệp tiếp thị: Đồng cảm, thấu hiểu, hiện diện online thường xuyên hơn và lưu ý viral Mar. Nỗ lực tìm kiếm cơ hội mới để nhảy vọt: Trong nguy luôn có cơ, hay luôn nghĩ khác đi, đây là cơ hội để doanh nghiệp thay đổi hình thức kinh doanh và tìm ra những ngách thị trường mới cho doanh nghiệp.
Việc cải thiện năng suất cũng cần phải được chú trọng trong giai đoạn kinh doanh suy giảm. Nếu phải cắt giảm nhân sự cho sự sống còn của công ty, phải tính toán để cắt giảm một lần, kẻo 6 tháng sau lại phải cắt. Giảm giờ làm trước khi giảm lương. Cắt lương của bạn trước, chia sẻ cùng đội ngũ quản lý cấp trung và cấp cao, cùng hiểu thực trạng của doanh nghiệp và sẵn lòng chia sẻ gánh vác 1 phần cùng doanh nghiệp giai đoạn khó khăn này. Truyền thông rõ ràng về tình trạng công ty, để đảm bảo mọi người đều cùng hiểu đúng về hiện trạng...
Bên cạnh đó, Nhà huấn luyện doanh nghiệp đến từ tổ chức ActionCOACH cũng nhấn mạnh vai trò của Hiệp hội Doanh nghiệp và truyền thông. Đây là “cầu nối” giúp các doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận với các chính sách hỗ trợ về việc gia giảm thuế, tiền thuê đất, mặt bằng, giãn nợ ngân hàng, các khoản bảo hiểm xã hội... Đó được xem là “cứu cánh” giúp doanh nghiệp “vượt bão” an toàn và có cơ hội hồi phục sau cơn khủng hoảng do Covid-19 gây ra.
Trong phần Zoom Group Chat, nhiều chủ doanh nghiệp đánh giá cao nội dung hội thảo và cho rằng đã “gãi đúng chỗ” doanh nghiệp cần

Trong phần Zoom Group Chat, nhiều chủ doanh nghiệp đánh giá cao nội dung hội thảo và cho rằng đã “gãi đúng chỗ” doanh nghiệp cần

Theo ghi nhận của phóng viên, trong thời gian diễn ra hội thảo, phần “Chat” của Zoom Group liên tục xuất hiện những lời cảm ơn, lời chia sẻ về sự hữu ích của chương trình. Nhiều chủ doanh nghiệp còn để lại lời nhắn về những nội dung mình đặc biệt quan tâm, với mong muốn sau hội thảo, Ban Tổ chức sẽ tiếp tục trao đổi, tư vấn thêm.
Sau khi kết thúc phần chia sẻ của Trưởng Ban Đào tạo Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Lâm Đồng, nhiều chủ doanh nghiệp đã “phát tín hiệu” đề nghị được phát biểu. Qua đó đánh giá cao chất lượng buổi hội thảo, tuy chỉ diễn ra trong vòng chưa đầy 2 giờ, nhưng nội dung hội thảo rất thiết thực, đã “gãi đúng chỗ” doanh nghiệp cần.
Trong bối cảnh diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, các doanh nghiệp mong muốn Hiệp hội tiếp tục có thêm những buổi chia sẻ, tư vấn chuyên sâu, trọng điểm hơn. Qua các buổi hội thảo online này sẽ giúp cộng đồng doanh nghiệp có sự tương tác, chia sẻ kinh nghiệm, gắn kết với nhau để “chung tay vỗ nên kêu”.
Kết thúc buổi Hội thảo, ông Đinh Minh Quý, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Lâm Đồng, đã cảm ơn đại diện các doanh nghiệp, tuy đang gặp rất nhiều khó khăn do dịch bệnh, nhưng vẫn sắp xếp thời gian để tham gia hội thảo trực tuyến lần đầu tiên tổ chức này.
Trước những phản hồi tích cực và đề nghị của doanh nghiệp về việc tiếp tục có thêm những buổi hội thảo trực tuyến để chia sẻ và tư vấn tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, ông Quý cho biết, sẽ cùng các Ban chuyên môn của Hiệp hội, chọn các vấn đề, chủ đề cụ thể, tiếp tục tổ chức các hội thảo chuyên sâu, đi vào trọng tâm từng khó khăn mà các doanh nghiệp đang gặp phải; cũng như tư vấn cho doanh nghiệp tiếp cận những cơ chế, chính sách hỗ trợ mà tỉnh và Trung ương đang triển khai, để doanh nghiệp vượt qua khó khăn do dịch bệnh Covid-19.
Viên Hữu - Tâm An
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm